Sau 3 lần trả hồ đề nghị điều tra bổ sung, VKSND TP.HCM vừa hoàn tất cáo trạng truy tố đối với Nguyễn Thái Luyện (35 tuổi, ngụ tại Gia Lai, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) cùng 21 đồng phạm về hai tội “Rửa tiền” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngoài bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, vợ và em trai Nguyễn Thái Luyện là Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm) và Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa Ốc Xanh) còn bị truy tố về tội “Rửa tiền”. Kế toán trưởng Công ty Alibaba Huỳnh Thị Kim Thắng cũng bị truy tố về tội danh này.
Võ Thị Thanh Mai (vợ Nguyễn Thái Luyện) tại CQĐT. Ảnh: Công an cung cấp |
Về hành vi “rửa tiền” của các bị can, theo truy tố của VKSND, Nguyễn Thái Lực mở 4 tài khoản cá nhân tại 4 ngân hàng, nhưng bị can này chỉ sử dụng 2 tài khoản. Trong đó một tài khoản dùng để nhận lương hàng tháng và một để nhận tiền từ chị dâu Võ Thị Thanh Mai chuyển rồi đi rút tiền mặt về giao lại cho Mai.
Theo kết quả điều tra, ngày 21/11/2018, Mai chỉ đạo người em trai khác của Luyện là Nguyễn Thái Lĩnh nộp 50 tỷ đồng vào tài khoản của Lực rồi chỉ đạo Lực rút, mở sổ tiết kiệm số tiền 50 tỷ đồng, kỳ hạn 6 tháng tại Ngân hàng ACB. Nguồn gốc 50 tỷ đồng đều là tiền khách hàng thanh toán tiền mua nền đất tại Công ty Alibaba.
Tiếp đó, cũng theo chỉ đạo Mai, Lực rút 32 tỷ đồng để mở sổ tiết kiệm cho Huỳnh Thị Kim Thắng đứng tên tại Ngân hàng ACB. Sau đó, theo chỉ đạo của Mai, Thắng rút ra 18 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm mang đi mua hai căn nhà tại phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Còn lại 13 tỷ đồng vẫn giữ trong sổ tiết kiệm.
Sau khi Cơ quan Công an khởi tố vụ án, thi hành lệnh bắt và khám xét, trong 2 ngày 18 và 19/9/2019, Mai chỉ đạo Thắng chuyển toàn bộ số tiền gốc và lãi là hơn 13.9 tỷ đồng vào tài khoản do Mai đứng tên Ngân hàng ACB. Nhận được tiền từ Thắng, Mai chuyển 13 tỷ đồng sang tài của của Lực rồi sai Lực đi rút cho mình.
Tại CQĐT, cả 3 bị can này đều thừa nhận, biết rõ số tiền 13 tỷ đồng còn lại trong tài khoản của Thắng là tiền thu của khách hàng, do Luyện lừa đảo chiếm đoạt mà có nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của Mai nhằm che giấu nguồn gốc số tiền. Số tiền 13 tỷ đồng nêu trên, Mai khai đã sử dụng hết vào việc cá nhân và trả tiền vay bên ngoài, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra chưa thu hồi được.
Ba anh em Nguyễn Thái Luyện. Ảnh: Công an cung cấp |
Ở hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cơ quan công tố xác định, Nguyễn Thái Luyện thành lập 22 công ty cho người thân trong gia đình hoặc những người có quan hệ thân tín đứng tên, Luyện cho các công ty con của mình đi thu mua đất nông nghiệp ở các tỉnh thành như: Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... rồi san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng trái phép, vẽ ra các dự án ma, rồi quảng bá hoành tráng là dự án khu dân cư đẳng cấp để bán cho khách hàng.
Tin tưởng vào lời hứa thanh toán linh hoạt, mua lại thửa đất với giá cao, trả lãi cao dựa trên số tiền khách hàng đóng vào hoặc thuê lại, hơn 4.300 người đã sập bẫy lừa, giúp Luyện và đồng phạm chiếm đoạt hơn 2.200 tỷ đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin