Pháp luật

Vụ Alibaba: Ngày mai VKS đề nghị mức án

07:57, 17/12/2022
Để đảm bảo quyền lợi cho tất cả bị hại, HĐXX sẽ xét hỏi thêm trong hôm nay; sáng Chủ nhật (18-12), đại diện VKS luận tội và đề nghị mức án, sau đó phiên tòa vào phần tranh luận.

Ngày 16-12, TAND TP.HCM tiếp tục xét hỏi các bị hại trong 58 dự án “ma” của Nguyễn Thái Luyện. Luyện cùng đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt gần 2.400 tỉ đồng của hơn 4.000 khách hàng.

Theo lịch, việc xét hỏi bị hại sẽ hoàn tất trong ngày 16-12. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho tất cả bị hại (những bị hại ở xa, những bị hại chưa đến tòa do không cập nhật thông tin), HĐXX sẽ xét hỏi đến hết hôm nay. Sáng Chủ nhật (18-12), đại diện VKS sẽ trình bày bản luận tội và đề nghị mức án, sau đó phiên tòa bước sang phần tranh luận. 

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 16-12. 
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 16-12. 

Chủ tọa phiên tòa cho biết trong những ngày xét hỏi vừa qua, nhiều bị hại yêu cầu được nhận đất. Đối với những yêu cầu này, HĐXX sẽ đánh giá và xem xem có đúng quy định của pháp luật hay không. Sau khi nghị án, nếu xét thấy không đúng theo quy định sẽ bác yêu cầu.

Đối với những bị hại yêu cầu từ bỏ quyền làm bị hại và từ chối nhận lại số tiền đã bị Luyện chiếm đoạt khi đầu tư vào các dự án thì HĐXX sẽ xem xét và tuyên sung công.

Có những bị hại khẳng định Luyện cùng đồng phạm không lừa đảo nhưng vẫn muốn đòi lại số tiền đã đầu tư như bị hại Phạm Thị Huê. Bà Huê đầu tư 474 triệu đồng vào Công ty Alibaba. Bà Huê cho biết việc đầu tư là hoàn toàn tự nguyện, Công ty Alibaba không lừa đảo. Bà Huê mong muốn Công ty Alibaba khắc phục hậu quả bằng cách trả lại số tiền gốc và lãi như trong hợp đồng đã cam kết.

Chủ tọa phiên tòa hỏi bà Huê: “Bà xác định Công ty Alibaba không lừa đảo, bà không là bị hại và không bị lừa dối nhưng vẫn muốn đòi lại cả gốc và lãi đã đầu tư là như thế nào?”. Bà Huê vẫn cho rằng Luyện cùng các đồng phạm không lừa đảo và mong muốn nhận lại số tiền gốc và lãi đã đầu tư.

Chủ tọa phiên tòa cho biết nếu bà Huê không yêu cầu nhận lại số tiền này thì có quyền khởi kiện bằng một vụ án dân sự để giải quyết.

Gặp lại người dụ mua đất, cũng đành cười cho qua

Từ năm 2019, khi Luyện cùng đồng phạm bị bắt, rất nhiều bị hại chưa liên hệ với cơ quan điều tra để trình báo. Bà Vũ Thị H (Bà Rịa-Vũng Tàu) là một trong số đó.

Bà H cho biết hôm nay đến tòa để nộp đơn bổ sung vào danh sách bị hại. Bà đã đóng khoảng 360 triệu đồng vào Công ty Alibaba để đầu tư mua hai lô đất.

“Nhân viên Alibaba mà ngày xưa bán lô đất cho tôi vô tình đến ăn cháo lòng quán nhà tôi. Chúng tôi nhìn nhau, cũng đành cười cho qua chứ cũng đâu có làm gì được người ta” - bị hại Đào Thị Thúy H.

Bà H kể: “Năm 2018, nhân viên của Công ty Alibaba liên tục mời chào mua đất nên gia đình tôi cũng có đầu tư vào đây. Tưởng chừng đầu tư có lời, ai ngờ lại mất hết. Tính đến nay, chúng tôi mới chỉ nhận được 15 triệu đồng tiền lãi từ Alibaba.

Hiện gia đình tôi đang mở quán cháo lòng ở thị xã Phú Mỹ để nuôi ba đứa con ăn học. Cũng vô tình khoảng năm 2021, nhân viên Alibaba mà ngày xưa bán lô đất cho tôi lại đến ăn cháo lòng nhà tôi. Chúng tôi nhìn nhau, cũng đành cười cho qua chứ cũng đâu có làm gì được người ta”.

Trong khi đó, bị hại Đào Thị Thúy H xác định với HĐXX rằng không có yêu cầu gì cả và sẽ chuyển sang khởi kiện bằng một vụ án dân sự để giải quyết. Trước tình huống này, chủ tọa phiên tòa đã lưu ý thư ký phiên tòa ghi nhận trường hợp của bà H vào biên bản.

Từ chiều 16-12, HĐXX ngưng nhận đơn của các bị hại mới. Những đơn yêu cầu của các bị hại khác sau ngày 16-12 sẽ không được xem xét. Những người này có quyền khởi kiện để giải quyết yêu cầu bằng một vụ án dân sự.•

Chỉ có đất “vịt giời”, vẫn lừa hơn 4.000 người

Suốt từ ngày đầu xét xử đến nay, Nguyễn Thái Luyện cho rằng mình không lừa đảo nhưng kết quả xác minh của cơ quan điều tra chỉ ra rằng Công ty Alibaba đều bán dự án “ma” và đất “vịt giời”.

Kết quả xác minh, điều tra đã xác định các thửa đất mà các công ty trong hệ thống của Alibaba lập dự án đều là đất nông nghiệp, chưa cơ quan nhà nước nào cho phép chuyển đổi sang đất thổ cư. Đồng thời, không một dự án nào của Luyện được cấp phép.

Các công ty trong hệ thống do Luyện lập ra không đủ điều kiện pháp lý lập dự án, cũng không đủ điều kiện để phân lô, bán nền. Tuy nhiên, quá trình điều tra cũng như trình bày tại tòa, Luyện luôn cho rằng mình đã gom mua “có quy hoạch đất ở”.

Bên cạnh đó, đối tượng giao dịch mà hợp đồng giữa các bị hại và Công ty Alibaba ghi nhận là đất thổ cư, có số lô, số thửa rõ ràng trong khi thực tế đều là đất nông nghiệp, dự án thì “không có thật”.

 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện