Pháp luật

Chiêu lừa mua hàng từ các hội nhóm trên Facebook

07:48, 15/02/2023
Lợi dụng lòng tin của người cùng hội nhóm trên Facebook, kẻ gian lừa bán hàng nhưng không giao hàng và chiếm đoạt tiền đặt cọc của người mua.

Thời gian qua, một số hội nhóm trên Facebook đã xuất hiện tình trạng kẻ gian lợi dụng sự tin tưởng của người cùng chung hội nhóm để bán hàng và yêu cầu người mua chuyển khoản tiền cọc hoặc chuyển trả phí giao hàng trước.

Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, hàng hóa không được giao đến. Khi bị phát hiện lừa, người bán khóa Facebook, không thể liên lạc được.

Tiền đã chuyển, hàng không đến

Từng bị mất tiền vì mua hàng trên các hội nhóm Facebook, chị Nguyễn Trúc Linh ở TP.HCM cho biết chị có sở thích đan, móc len nên có tham gia một số hội nhóm đan len trên Facebook. Mục đích là để học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ niềm vui với mọi người về những sản phẩm mình làm ra.

Chị Linh cho biết cách đây vài tháng, trong lúc đang lướt đọc những bài viết từ các bạn cùng hội chia sẻ trên nhóm, chị đọc được dòng chia sẻ của một người tên Trang. Người này cho biết mình đang chuẩn bị dọn nhà nên cần thanh lý một số sản phẩm như len nhung đũa…

Sau đó tôi đồng ý mua và đã chuyển số tiền hơn 300.000 đồng vào tài khoản người này. Tuy nhiên, chuyển tiền xong, tôi chờ mãi không thấy hàng được giao tới. Tôi liên lạc qua Facebook, gọi điện thoại thì người này đã khóa máy và chặn luôn Facebook của tôi” - chị Linh nói.

Người dùng Facebook nên cảnh giác khi tham gia các hội nhóm để chia sẻ kinh nghiệm, sở thích của mình.
Người dùng Facebook nên cảnh giác khi tham gia các hội nhóm để chia sẻ kinh nghiệm, sở thích của mình.

Một trường hợp khác, chị Phương Dung, quận Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết chị cũng tham gia một hội nhóm có cùng sở thích. Mới đây, chị có nhu cầu mua một số nguyên liệu để đan, móc. Tuy nhiên, sản phẩm mà chị cần khó tìm nên chị đăng tin trên nhóm Facebook với mong muốn mọi người chỉ chỗ mua giúp.

Sau khi đăng, có một người trên nhóm nhắn tin là mình có sản phẩm chị cần và muốn bán nên chị có liên lạc hỏi mua. Cẩn thận hơn, chị cũng kiểm tra và thấy đúng hàng mình cần nên đồng ý mua. Lúc này, người bán cho biết từng bị bom hàng nhiều lần nên yêu cầu chị chuyển trước tiền ship. Thấy số tiền ship cũng ít nên chị Dung đồng ý chuyển khoản trước. Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản thì chờ mãi không thấy hàng đâu, mọi liên lạc với người bán đều bị chặn.

Bán hàng mà không giao là vi phạm pháp luật

Trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Phiến, Đoàn Luật sư TP.HCM, đã có những lưu ý cảnh giác hơn với chiêu lừa này.

Theo luật sư Phiến, trước tiên người tiêu dùng nên lựa chọn nhà cung cấp hoặc những trang thương mại điện tử có uy tín để giao dịch. Bởi trước khi được phép đưa sản phẩm lên sàn giao dịch, nhà cung cấp đã phải làm việc với sàn giao dịch gồm những vấn đề về chất lượng sản phẩm, chính sách giảm giá, phương thức vận chuyển…

Ngoài ra, khi mua sản phẩm trên mạng, người mua cần tìm hiểu kỹ thông tin, người bán phải cung cấp đủ thông tin về giá cả, địa chỉ trực tiếp, chính sách đổi trả, hoàn tiền… cho người mua.

Tình trạng lừa đảo trên xảy ra khá nhiều, ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của người tiêu dùng. Thế nhưng khi dính chiêu lừa này, nhiều người lại chọn cách bỏ qua bởi số tiền bị lừa không lớn. Và vì không lên tiếng nên nhiều người khác cũng bị lừa theo. Vì thế, chúng ta phải lên tiếng cảnh giác để nhiều người tránh bị lừa đảo.

“Hiện nay, tình trạng lừa đảo thông qua việc mua bán hàng online xảy ra theo nhiều hình thức như quảng cáo hàng giá rẻ, yêu cầu người mua phải đặt cọc trước nhưng không giao hàng và chiếm đoạt tiền đặt cọc... Đây đều là các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, kẻ gian có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật” - luật sư Phiến chia sẻ.

Mức phạt với hành vi lừa chiếm đoạt tiền

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021, hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Điều 174 Bộ luật Hình sự quy định người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp như đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Luật sư LÊ VĂN PHIẾN, Đoàn Luật sư TP.HCM

 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện