Theo đề nghị của Chính phủ với UBTVQH tại tờ trình số 47 ngày 28-2, dự án Luật Căn cước công dân được đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023, Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5.
Hiện dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vẫn đang được Bộ Công an lấy ý kiến đến ngày 13-3.
Điểm mới tại dự thảo Luật CCCD (sửa đổi) là sẽ bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng trên mặt sau của thẻ. Ảnh minh hoạ |
Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo lần này đó là việc Luật CCCD sửa đổi quy định nhiều nội dung in trên thẻ CCCD so với quy định hiện nay. Cụ thể, sẽ bỏ vân tay và đặc điểm nhận dạng ở mặt sau của thẻ; thông tin nơi thường trú, quê quán ở mặt trước sẽ thay bằng nơi cư trú và nơi đăng ký khai sinh….
Từ đây, vấn đề được nhiều người quan tâm là với những thẻ CCCD đã được cấp theo mẫu hiện hành thì nếu dự thảo được thông qua, ban hành mẫu thẻ mới, người dân có phải đi đổi lại hay không?
Về vấn đề này, Điều 25 dự thảo luật quy định, thẻ CCCD được đổi trong các trường hợp: Đến tuổi bắt buộc đổi thẻ; thẻ bị hư hỏng không sử dụng được; có thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng sinh; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của luật; có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD; thu hồi số định danh cá nhân; thay đổi nơi thường trú hoặc khi công dân có yêu cầu.
Ngoài ra, thẻ CCCD được cấp lại trong các trường hợp công dân bị mất thẻ hoặc được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Như vậy, trong các trường hợp bắt buộc đổi, cấp lại thì không có quy định nào yêu cầu công dân phải đổi sang mẫu thẻ mới do Bộ Công an phát hành. Do đó, nếu dự thảo này được thông qua, thẻ CCCD vẫn còn hạn sử dụng thì được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn hoặc nếu có nhu cầu có thể đổi sang mẫu mới.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý, dự thảo quy định chứng minh nhân dân chỉ được sử dụng đến hết ngày 31-12-2024. Do đó, sau ngày này dù CMND còn hạn sử dụng thì cũng phải đổi sang CCCD. Khi đó, người dân sẽ được cấp CCCD theo mẫu mới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin