Công an các huyện Sơn Động, Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, đang củng cố hồ sơ xử lý anh H.T.H. (34 tuổi, ở huyện Sơn Động) và N.Đ.Y. (33 tuổi, ở huyện Việt Yên) về hành vi thu thập, sử dụng thông tin của tổ chức mà không được sự đồng ý theo quy định của pháp luật.
Công an làm việc với một trường hợp vi phạm. Ảnh: Công an Bắc Giang. |
Theo công an, cuối tháng 12/2022, anh H. vay tiền qua một số ứng dụng trên điện thoại.
Do chậm trả, anh H. và người thân bị người sử dụng các số điện thoại lạ nhiều lần nhắn tin, gọi điện đòi nợ, gây ảnh hưởng cuộc sống.
Tìm kiếm trên mạng, anh H. thấy bài viết với nội dung hướng dẫn chuyển hướng các cuộc gọi đòi nợ đến số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an nên đã làm theo.
Tương tự, anh Y. cũng bị các số máy lạ gọi điện đòi nợ sau khi vay tiền trên mạng và đã chuyển các cuộc gọi này tới số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an.
Qua xác minh, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang xác định 2 người này đã có hành vi thu thập, sử dụng thông tin của tổ chức mà không được sự đồng ý theo quy định của pháp luật theo điểm e, khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ nên chuyển hồ sơ cho công an sở tại để xử lý theo thẩm quyền.
Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang cho biết số điện thoại của Bộ Công an nhằm phục vụ tiếp nhận, xử lý tin phản ánh tiêu cực, tham nhũng của lực lượng công an. Tuy nhiên, thời gian qua, đường dây nóng tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi với nội dung đòi nợ. Những người vay tiền từ các ứng dụng và công ty tài chính khi đến thời hạn trả nợ đã chuyển cuộc gọi về đường dây nóng của Bộ Công an, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp nhận và xử lý các tin báo từ quần chúng. Cơ quan công an cho biết việc chuyển cuộc gọi như vậy là vi phạm pháp luật, mức phạt vi phạm hành chính là 10-20 triệu đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin