Họ và một số cá nhân khác đã thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế”, “Cưỡng đoạt tài sản” là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai, TPHCM từ tháng 11-2020.
Cho vay nặng lãi
Theo nội dung đơn tố giác tội phạm gửi lãnh đạo Bộ Công an, ngày 8-12-2017, Công ty Phú Thuận Lợi, tên mới là Công ty Kim Oanh Đồng Nai (gọi tắt là Công ty Kim Oanh) ký hợp đồng (HĐ) nguyên tắc với ông Phạm Hoàng Minh, bà Hồ Thị Diễm Trang và Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh nhà Minh Thành để nhận chuyển nhượng 100% cổ phần của Công ty Bất động sản Minh Thành (Công ty Minh Thành) là chủ đầu tư dự án (DA) Khu dân cư - dịch vụ tại xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (DA Minh Thành) quy mô 56,7ha. Tổng giá trị chuyển nhượng là 530 tỷ đồng.
Từ trái qua phải: ông Trần Quí Thanh, bà Trần Uyên Phương và bà Trần Ngọc Bích |
Đến ngày 21-10-2019, các bên ký kết phụ lục HĐ điều chỉnh tiến độ thực hiện. Theo đó, ông Minh, bà Trang, Công ty Xây dựng Minh Thành chuyển nhượng 50% cổ phần của Công ty Minh Thành cho Công ty Kim Oanh và phía Công ty Kim Oanh đã thanh toán cho bên chuyển nhượng số tiền tính đến ngày 21-10-2019 là 265 tỷ đồng. Mặc dù đã nhận tiền nhưng ông Minh, bà Trang không thực hiện các nội dung như thỏa thuận để giao đất cho Công ty Kim Oanh. Lúc này, do vướng tranh chấp một số DA lớn, khó tiếp cận nguồn vốn lớn từ ngân hàng nên bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch Công ty Kim Oanh (thông qua môi giới là người do phía Tân Hiệp Phát giới thiệu) đã tìm cách tiếp cận ông Thanh, cầm cố DA Minh Thành để vay 350 tỷ đồng với lãi suất 3%/tháng, 36%/năm, trả thêm 115 tỷ đồng cho ông Minh, bà Trang với mong muốn được nhận bàn giao toàn bộ hồ sơ pháp lý để triển khai tiếp DA. Sau khi nhận đủ 380 tỷ đồng, theo thỏa thuận phía ông Minh, bà Trang phải mua thêm 13ha để giao đủ cho Công ty Kim Oanh 56,7ha, nhưng tới năm 2020 phía ông Minh, bà Trang vẫn không thực hiện và khi giá đất tăng lên yêu cầu trả thêm tiền hoặc đưa đối tác khác đến yêu cầu Công ty Kim Oanh bán lại nhưng phía Công ty Kim Oanh không đồng ý.
Để thực hiện việc vay vốn, các bên đã ký các HĐ giả cách dưới dạng “Đặt cọc” và “Cam kết bán lại”. Theo đó, sau mỗi lần nhận được tiền lãi 3 tháng/lần là 31,5 tỷ đồng (tương đương lãi suất 3%/tháng/350 tỷ đồng tiền gốc), phía Tân Hiệp Phát xác nhận nhận được tiền đặt cọc và phía Công ty Kim Oanh, ông Minh, bà Trang nếu có nhu cầu mua lại 100% cổ phần của Công ty Minh Thành thì sẽ được mua lại với giá bán thay đổi sau mỗi 3 tháng sau khi đã được cộng thêm tiền lãi “cắt cổ” 31,5 tỷ đồng. Cụ thể: Nếu mua trước ngày 13-5-2020 thì giá bán là 381,5 tỷ đồng, bên mua phải đặt cọc trước số tiền 31,5 tỷ đồng vào trước ngày 13-2-2020; nếu mua trước ngày 13-8-2020 thì giá bán là 413 tỷ đồng, phải đặt cọc trước số tiền 63 tỷ đồng và nếu mua trước ngày 13-11-2020 thì giá bán là 444,5 tỷ đồng, bên mua phải đặt cọc số tiền 94,5 tỷ đồng, chia thành 3 đợt, mỗi đợt 31,5 tỷ đồng. Các bên cũng thỏa thuận với nhau rằng các cam kết bán lại là một phần không thể tách rời của các HĐ chuyển nhượng.
Thực chất đây là thủ thuật nhằm che giấu hành vi cho vay nặng lãi, quy định rõ mức lãi phải trả trước tương ứng với chu kỳ 3 tháng/lần nhằm trốn tránh các cơ quan chức năng. Theo Công ty Kim Oanh, tổng số tiền công ty đã thanh toán cho ông Minh, bà Trang là 380 tỷ đồng (thanh toán trực tiếp 265 tỷ đồng, qua Tân Hiệp Phát 115 tỷ đồng) và tổng số tiền thực nhận từ khoản vay 350 tỷ đồng của Tân Hiệp Phát sau khi trả cho ông Minh, bà Trang 115 tỷ đồng; tiền lãi, tiền phạt và tiền môi giới cho ông Nguyễn Hoàng Phú (là người do Tân Hiệp Phát chọn) thì Kim Oanh chỉ còn thực nhận 89 tỷ đồng. Các lần Công ty Kim Oanh trả lãi, phía Tân Hiệp Phát đều không xuất hóa đơn, chứng từ mà chỉ xác lập giấy nhận cọc.
Biến giả thành thật để chiếm đoạt dự án
Theo cam kết bán lại ngày 28-5-2020, trước ngày 13-8-2020, Công ty Kim Oanh trả đủ số tiền gốc 350 tỷ đồng thì Tân Hiệp Phát sẽ nhượng lại 100% vốn của Công ty Minh Thành cho Công ty Kim Oanh. Ngày 12-8, Công ty Kim Oanh đã chuyển 350 tỷ đồng từ tài khoản của bà Nguyễn Thị Ánh cho Tân Hiệp Phát với nội dung thanh toán tất toán cam kết bán lại ngày 28-5 nhưng bà Trần Uyên Phương đã chuyển trả lại số tiền trên vào tài khoản bà Ánh và không trả lại DA. Trước đó, để được vay 350 tỷ đồng, Công ty Tân Hiệp Phát yêu cầu Công ty Kim Oanh phải ký thanh lý các HĐ năm 2017 mà Kim Oanh đã ký với nhóm ông Minh, bà Trang, đồng thời ký HĐ chuyển nhượng 100% vốn của Công ty Minh Thành cho phía Tân Hiệp Phát.
Phía Công ty Kim Oanh đã cung cấp thêm nhiều thông tin cho cơ quan chức năng về dòng tiền qua lại giữa các bên để chứng minh giữa công ty với nhóm ông Minh, bà Trang và Tân Hiệp Phát không phải mua bán cổ phần, chuyển nhượng DA mà bản chất là vay mượn tiền. Và mặc dù cả 2 khoản vay đều có thế chấp bằng toàn bộ 100% cổ phần hoặc toàn bộ DA nhưng phía Tân Hiệp Phát và nhóm ông Minh, bà Trang không ký HĐ cho vay mà buộc bên đi vay phải ký kết HĐ chuyển nhượng cổ phần, tiền đặt cọc, cam kết bán lại vừa để che giấu hành vi cho vay nặng lãi, tránh né pháp luật vừa như một cách để gài bẫy con nợ nhằm chiếm đoạt luôn DA.
Ngoài DA Minh Thành, Công ty Kim Oanh cũng tố cáo lãnh đạo tập đoàn Tân Hiệp Phát trong vụ vay 150 tỷ đồng để được chuyển nhượng DA Nhơn Thành (Đồng Nai). Cũng với cách thức viết giấy cam kết bán lại, sau khi vay với lãi suất 3%/ tháng, trả lãi 3 tháng/lần và bên vay đã 2 lần trả tiền lãi 13,5 tỷ đồng. Sau 2 lần ký cam kết bán lại với giá chuyển nhượng 178,5 tỷ đồng và sau đó đã thanh toán đủ tiền gốc, lãi, tiền phạt, môi giới 211,5 tỷ đồng nhưng bà Trần Ngọc Bích và các đối tượng không trả lại DA.
Vào cuộc điều tra, Văn phòng C01 có văn bản yêu cầu định giá tài sản, đề nghị Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Đồng Nai định giá 2 khu đất thuộc DA Minh Thành (56,7ha) và DA Nhơn Thành (36ha) với kết quả: Vào thời điểm cuối 2019, DA Minh Thành có giá trị gần 600 tỷ đồng, DA Nhơn Thành có giá gần 577 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị thực tế còn cao hơn nhiều khi có đối tác đã có văn bản đề nghị mua lại 100% cổ phần của Công ty Minh Thành với giá 1.300 tỷ đồng. Và vào thời điểm cuối 2020, khi Kim Oanh bị phía ông Thanh từ chối “quyền mua lại”, từ chối thực hiện “cam kết bán lại” thì khối tài sản trên có giá tới 1.469 tỷ đồng. Theo Công ty Kim Oanh, khi mang 2 DA trên cầm cố để vay 500 tỷ đồng, sau khi trừ đi các khoản tiền môi giới, tiền lãi, tiền phạt và tiền đã trả nợ gốc, số tiền thực Kim Oanh nhận về chỉ còn 27,5 tỷ đồng mà mất 2 DA (trị giá hiện tại khoảng 3.000 tỷ đồng). Ngoài hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã bị Bộ Công an khởi tố, Công ty Kim Oanh kiến nghị cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra bổ sung tội “Cưỡng đoạt tài sản” với 50 tỷ đồng “tiền phạt” do quên trả lãi một ngày và nếu không đồng ý sẽ mất 2 dự án nên bên đi vay buộc phải chấp nhận.
Từ việc kinh doanh nước giải khát đơn thuần, ba cha con ông Trần Quí Thanh vướng vòng lao lý khi cho vay nặng lãi lên tới 36%/năm. Tới đây, cơ quan CSĐT sẽ phải làm rõ về các thủ đoạn tinh vi trong giao dịch cho vay nặng lãi, lách luật, gài bẫy con nợ trong tình huống bất khả kháng để dễ bề chiếm đoạt dự án.
Đáng chú ý, Công ty Kim Oanh không phải là nạn nhân duy nhất mà trước đây, trong vụ án liên quan tập đoàn Thiên Thanh, Hội đồng xét xử đã đề nghị Bộ Công an, Viện KSND tối cao xem xét trách nhiệm hình sự của ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác có vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng) gây thiệt hại cho ngân hàng số tiền 5.190 tỷ đồng. Tại phiên tòa, Viện kiểm sát cũng đề nghị làm rõ các khoản tiền lãi mà ông Thanh, bà Bích đã nhận để truy thu thuế thu nhập cá nhân. Hội đồng xét xử ghi nhận ý kiến này và đồng ý tách ra để xử lý về hành vi cho vay nặng lãi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin