Theo UBND tỉnh, sau 3 tháng thực hiện kế hoạch phòng, chống các hành vi vi phạm về pháo từ tháng 8-2023 đến nay, UBND các cấp, các sở ban ngành đã bắt giữ 52 vụ, 63 người phạm tội và vi phạm pháp luật về pháo.
Lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 3 tấn pháo nổ các loại, vận động thu hồi 50kg pháo nổ và thuốc pháo.
Tuy nhiên, tình trạng sử dụng trái phép vẫn còn diễn ra nhiều tại một số địa phương, nhất là vào các dịp ngày hội đại đoàn kết toàn dân, đám vui, đám cưới tại hộ gia đình…
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập các tổ công tác tuần tra đảm bảo an ninh trật tự và phòng, chống pháo trong đêm giao thừa, bảo đảm mỗi xã, phường, thị trấn phải có ít nhất một tổ công tác.
Đối với các xã, phường, thị trấn trọng điểm thường xảy ra tình trạng đốt pháo nhiều bố trí ít nhất hai tổ công tác, mỗi tổ tối thiểu 10 người.
Lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp xã để xảy ra tình trạng đốt pháo tràn lan trên địa bàn trong đêm giao thừa phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh và chủ tịch UBND cấp huyện.
UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất trên địa bàn tỉnh không được có các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá pháo hoa nhằm mục đích trục lợi.
Không dán nhãn, mác pháo hoa của Bộ Quốc phòng vào các loại pháo trái phép để kinh doanh.
Những dịp Tết Nguyên đán các năm vừa qua, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tại một số địa phương ở tỉnh Nghệ An xảy ra tình trạng người dân đốt pháo trái phép rầm rộ trong đêm giao thừa. Đặc biệt là các loại pháo tự chế, gây ra một số vụ tai nạn thương tích, người dân phải nhập viện điều trị.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin