Sáng 4-4, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở lại phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm.
Trước đó, phiên tòa vào chiều 11-3 đã bị hoãn do tất cả các bị cáo và luật sư bào chữa của những người này đều vắng mặt.
An ninh phiên tòa được đảm bảo rất nghiêm ngặt, chỉ những PV có giấy giới thiệu, mang theo căn cước công dân, thẻ nhà báo và phải đăng ký tác nghiệp trước mới được tác nghiệp. Tuy nhiên, PV các cơ quan báo chí cũng chỉ được tác nghiệp tại phòng riêng, không được mang điện thoại theo. Khu vực của phòng xử án bị phá sóng.
Theo ghi nhận của PV, khá đông người dân cũng như youtuber, tiktoker… có mặt tại khu vực xung quanh trụ sở của TAND Cấp cao tại TP.HCM để theo dõi diễn biến phiên tòa nhưng lực lượng an ninh đã nhắc nhở, đường dẫn vào phòng xử đã được ngăn lại.
Hơn 9h, bà Nguyễn Phương Hằng được lực lượng chức năng dẫn vào phòng xử án, theo sau đó là bị cáo Đặng Anh Quân.
Tất cả các bị cáo có mặt tại tòa; bà Đặng Thị Hàn Ni - người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - không có mặt tại phiên tòa này.
Bà Nguyễn Phương Hằng được triệu tập đến phiên xử phúc thẩm. |
Xử sơ thẩm vào ngày 21-9-2023, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Hằng ba năm tù về lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (theo Điều 331 BLHS).
Cùng tội danh trên, bị cáo Đặng Anh Quân (tiến sĩ luật) bị tuyên phạt 30 tháng tù; các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của bà Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam) cùng bị tuyên phạt 18 tháng tù.
Sau khi có bản án sơ thẩm, các bị cáo Quân, Nhi, Hà, Tân có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì cho rằng mức án mà TAND TP.HCM đã tuyên đối với các bị cáo là quá nặng.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là bà Đinh Thị Lan cũng có kháng cáo. Riêng bà Phương Hằng không kháng cáo, chấp nhận mức án sơ thẩm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin