Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. |
Cuộc họp giữa Trương Mỹ Lan và 5 nhân vật chủ chốt
Theo kết luận điều tra, năm 2018, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong tình trạng bị các Cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; nợ xấu kéo dài, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn trong việc xin cấp tín dụng từ SCB.
Khoảng tháng 8-2018, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã họp với 5 nhân vật chủ chốt gồm: Đinh Văn Thành (chủ tịch HĐQT SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (tổng giám đốc SCB), Nguyễn Phương Hồng (phó tổng giám đốc SCB), Nguyễn Tiến Thành (chủ tịch, tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI) và Hồ Bửu Phương (phó tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Cuộc họp chốt chủ trương sử dụng Công ty An Đông và các công ty khác phát hành trái phiếu riêng lẻ huy động tiền từ người dân để xử lý khó khăn tài chính cho SCB.
Trên cơ sở đó, các nhân sự chủ chốt của SCB, Công ty Chứng khoán TVSI, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty tổ chức phát hành trái phiếu đã họp bàn, lên phương án tạo lập trái phiếu. Việc phát hành, chào bán trái phiếu cho người dân được thông qua Công ty Chứng khoán TVSI và SCB với lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại SCB.
4 công ty gồm An Đông, Quang Thuận, Sunny World, Setra được sử dụng để phát hành 25 mã trái phiếu “khống”, không có tài sản bảo đảm với tổng khối lượng 308 triệu trái phiếu, để lừa bán cho các nhà đầu tư, thu về 30.869 tỉ đồng.
Các đối tượng đã lên phương án lập, ký kết các hợp đồng kinh tế khống (mua bán cổ phần, trái phiếu, vay tiền) giữa 4 công ty này và các công ty khác thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, các cá nhân khác hoặc công ty đối tác.
Việc lập hợp đồng khống nhằm để hợp thức mục đích phát hành trái phiếu, làm nhà đầu tư tin rằng tiền mua trái phiếu được sử dụng để đầu tư vào các dự án sinh lời.
Công ty chứng khoán TVSI được lựa chọn là đơn vị tư vấn, phát hành trái phiếu. TVSI có nhiệm vụ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, công bố thông tin, đại diện cho 4 công ty phát hành trái phiếu ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng với các trái chủ.
Khi 4 công ty phát hành trái phiếu thì một nhóm các công ty khác đứng ra mua trái phiếu với tư cách trái chủ sơ cấp. Việc thanh toán tiền mua trái phiếu thực chất chỉ là các bút toán khống, hạch toán khống giao dịch trên hệ thống SCB.
Từ đây, việc tạo lập các gói trái phiếu khống hoàn thành và sau đó được bán cho người dân thông qua TVSI và SCB.
Đào tạo nhân viên ngân hàng bán trái phiếu 'khống'
Với vai trò tổng giám đốc, điều hành chung hoạt động của SCB, Võ Tấn Hoàng Văn đã trực tiếp chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ bán hàng của SCB xây dựng phương án đào tạo cho hơn 2.000 nhân viên bán hàng tại 239 chi nhánh của SCB trên toàn quốc về sản phẩm trái phiếu và tư vấn, tiếp thị mời chào khách hàng mua sản phẩm trái phiếu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Giữa SCB và Công ty Chứng khoán TVSI ký kết các Hợp đồng hợp tác, trong đó SCB hỗ trợ tìm kiếm, tư vấn, giới thiệu để khách hàng ký kết hợp đồng mua bán trái phiếu với Công ty Chứng khoán TVSI, đại diện cho các tổ chức phát hành.
Sau khi khách hàng đồng ý mua trái phiếu và ký kết hợp đồng với Công ty Chứng khoán TVSI, dòng tiền huy động được từ hàng ngàn trái chủ về tới Công ty TVSI.
TVSI sẽ chuyển tiền cho các Công ty trái chủ sơ cấp hoặc các Công ty mua lại trái phiếu từ trái chủ sơ cấp. Tiếp đó, các công ty này chuyển tiền cho các cá nhân dưới hình thức trả tiền cho vay, mua cổ phần để các cá nhân rút tiền để sử dụng theo các mục đích của bà Mỹ Lan.
Tiền thu được từ hoạt động bán trái phiếu không sử dụng đúng mục đích phát hành trái phiếu là đầu tư vào các Dự án kinh tế để sinh lời, đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả gốc và lãi cho các trái chủ.
Thực chất, các đối tượng đã rút tiền và sử dụng toàn bộ số tiền huy động được từ bán trái phiếu cho các mục đích khác. Từ đó, dẫn đến không có đủ nguồn tiền để đảm bảo chi trả gốc và lãi đến hạn cho các trái chủ.
Tính đến thời điểm khởi tố vụ án ngày 7-10-2022, 4 công ty nêu trên còn dư nợ 30.081 tỉ đồng của 35.824 trái chủ, không có khả năng thanh toán.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin