Đóng BHXH tự nguyện, lương hưu hưởng ra sao?
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:
Về tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam: Theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 74 Luật BHXH năm 2014 thì người đóng BHXH tự nguyện đủ điều kiện hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2016 đến trước ngày 1/1/2018, mức hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2%.
Từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH khi nghỉ hưu vào năm 2018 tương ứng với 16 năm đóng BHXH, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm, mức tối đa bằng 75%.
Về thu nhập tháng đóng BHXH: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 79 Luật BHXH năm 2014 và Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện thì thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH và tính hưởng chế độ hưu trí được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ.
Hiện nay, bố của bà đóng BHXH tự nguyện theo mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 700.000 đồng nhưng mức không cố định mà thay đổi theo từng giai đoạn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, với thông tin bà cung cấp thì chưa đủ căn cứ xác định mức lương hưu chính xác đối với bố của bà.
Về việc điều chỉnh lương hưu: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 74, Điều 57 Luật BHXH giao Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách Nhà nước và quỹ BHXH.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp một số thông tin liên quan đến việc hưởng chế độ hưu trí đối với người tham gia BHXH tự nguyện để bà tham khảo. Để được biết chi tiết hơn về trường hợp bố của bà, đề nghị bà cung cấp hồ sơ để BHXH tỉnh Điện Biên giải thích cụ thể.
Theo Chinhphu.vn