Bó hẹp sân chơi ngày hè
Có thể thấy rằng đối với khu vực miền núi, nông thôn, sự thiếu thốn được bộc lộ nhiều mặt, cả thời gian lẫn không gian chơi. Vì bước vào kỳ nghỉ hè cũng là lúc các em ở những khu vực này phải xắn tay phụ giúp gia đình làm mùa, lên nương rẫy cùng cha mẹ. Hơn nữa, nếu có thời gian thì cũng không biết chơi ở đâu, khi mỗi xã cùng lắm chỉ có một sân vận động.
Tại các đô thị, vào mùa hè nhiều hoạt động, nhiều trò chơi được tổ chức. Tuy nhiên những lớp học năng khiếu như: học vẽ, hát, múa, võ thuật... mà các nhà văn hóa mở ra cũng dần trở nên nhàm chán đối với các em, và trên thực tế nó cũng chỉ thu hút được những em học sinh ở lứa tuổi tiểu học tham gia. Ngay như tại thành phố Vinh mùa hè này, nhiều điểm vui chơi dành cho học sinh trở nên nhộn nhịp, từ Công viên Trung tâm, Nhà văn hóa thiếu nhi Việt - Đức cho đến một số bể bơi nằm rải rác trong thành phố.
Tò he, một đồ chơi dân gian. |
Thế nhưng, không phải bất cứ học sinh nào cũng có được cơ hội để tận hưởng niềm vui ngày hè bằng các trò chơi ở đó. Bởi tại hầu hết các điểm vui chơi này đều thu phí qua cổng nên không phải ai cũng có điều kiện để tham gia thường xuyên.
Đơn cử như ở Công viên Trung tâm (TP.Vinh) nhân các ngày lễ: Quốc tế thiếu nhi 1-6, tết Trung thu, các em học sinh thường được "ưu ái" miễn vé vào cổng. Nhưng, đó chỉ mới là vé qua cổng, còn vé để tham gia các trò chơi tàu lượn, xe đụng, đu quay...vẫn thu như cũ. Vì thế, nếu muốn để cho con em mình được vui chơi thoải mái thì các bậc phụ huynh cũng sẽ phải tốn không ít tiền. Điều này vô hình chung đã tạo nên sự phân biệt nhất định giữa các đối tượng học sinh với nhau và thiệt thòi vẫn luôn thuộc về học sinh nghèo.
Bên cạnh đó, mùa hè cũng là mùa hút khách của các quán điện tử, với những phiên bản trò chơi bạo lực được cập nhật liên tục. Không ít học sinh khi nghỉ hè, do quá nhàm chán với các trò chơi phong trào đã vùi mình vào trong các trò chơi điện tử để giết thời gian. Chính vì vậy việc tạo ra những sân chơi, trò chơi bổ ích cho học sinh trong thời gian hè là điều hết sức cần thiết.
Sân chơi của trẻ em miền núi ngày hè vẫn là… sân trường. |
Đề cập đến việc xây dựng sân chơi cho học sinh trong dịp hè, bà Nguyễn Lương Hồng (Trưởng Ban Thanh thiếu niên trường học, Tỉnh đoàn Nghệ An) cho biết, hàng năm cứ vào mỗi dịp hè ngoài việc tiến hành công tác tiếp nhận và chuyển sinh hoạt hè cho học sinh, phía đoàn cũng đã có sự chỉ đạo các đơn vị đoàn cơ sở tổ chức những hoạt động thu hút được nhiều học sinh tham gia, như xây dựng các đội tình nguyện chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc các di tích lịch sử, làm sạch môi trường... Các hoạt động này vừa giúp các em nâng cao ý thức, trách nhiệm vì cộng đồng, vừa giúp các em có được những ngày hè bổ ích, đầy ý nghĩa.
Có thể thấy rằng, tạo sân chơi bổ ích về thể chất cũng như tinh thần cho học sinh trong những ngày hè là hết sức quan trọng. Điều này không chỉ là việc của mỗi gia đình, mà cần sự quan tâm phối hợp của tổ chức đoàn, đội, ngành giáo dục, ngành văn hóa, cũng như các tổ chức xã hội khác. Về sân chơi, không nhất thiết phải là những công viên với những thiết bị hiện đại. Mà cần nhiều hơn những sân chơi mang tính chất phổ thông, lành mạnh thu hút mọi đối tượng học sinh tham gia, phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa của địa phương (như bóng đá, bóng bàn, cầu lông và các trò chơi dân gian...). Nếu làm được thì tin chắc đó sẽ là phương thuốc hữu hiệu nhất giúp học sinh tránh được vòng xoáy của các trò chơi bạo lực trên thế giới ảo, tránh được các tệ nạn xã hội, và có được sự thoải mái để bước vào năm học tiếp theo.
(Theo Báo Nghệ An)