Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghề biển “lao đao” vì mất điện

14:23, 28/06/2010
Những ngày cắt điện kéo dài này, người dân vùng biển như "đứng đống lửa, ngồi đồng than” bởi cuộc sống mưu sinh hàng ngày của họ gần như đều phụ thuộc vào điện.

 

Kho đông lạnh thành ... đông nguội 

Giữa trời nắng gay gắt chúng tôi tìm về phường Nghi Tân - phường được xem là trung tâm kho đông lạnh của thị xã Cửa Lò và khu vực. Đang là mùa biển lặng, mùa thu hoạch cá và các loại hải sản nhưng không khí có vẻ vắng lặng. Nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là thiếu điện. Với 38 kho đông, sức chứa mỗi kho hàng trăm nghìn tấn, Nghi Tân là một trong những nơi tiêu thụ điện mạnh nhất. Riêng những ngày bình thường lượng điện tiêu thụ ở các kho đông gần bằng một nửa lượng điện tiêu thụ của cả huyện Nghi Lộc (một nửa hộ dân ở phường Nghi Tân ăn điện ở chi nhánh điện Nghi Lộc). Cũng bởi nhu cầu sử dụng điện nhiều nên ở đây ít thì hai ba nhà chung một trạm biến thế, nhà nào công suất lớn thì một nhà một trạm với công suất từ 150 - 250KVW. Lượng điện quá lớn nên ngoài điện lưới quốc gia, máy nổ và các loại máy tạo nguồn điện khác không có tác dụng.

Chị Thắng, chủ kho đông Hải Thắng nói với chúng tôi: Mỗi ngày kho đông nhập hàng nghìn tấn cá. Cá sau khi được chuyển về từ Long Hải, Quảng Bình, Bạc Liêu, Cà Mau, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa...thường được các công nhân làm sạch, sau đó chuyển vào kho đông sâu, với nhiệt độ dưới 30 âm độ C. Ở nhiệt độ này, cá được bảo quản từ 3 - 5 tháng và chờ đến mùa biển động để xuất sang thị trường Trung Quốc, các nước Đông Dương và các tỉnh trong cả nước.  

 

 

 Cá  ươn vì không có đá  để ướp.


Không có điện, các hoạt động của kho hoàn toàn tê liệt. Thiếu điện để tiếp nhận hàng mới là một lẽ, nhưng nghiêm trọng hơn là những hàng đang bảo quản trong kho hoặc hàng mới đóng đang chờ để được làm đông nếu không có điện rất dễ bị hư, thối.

Đầu tháng 6, vì bị cắt điện thường xuyên nên hầu hết các kho đông ở đây không hoạt động dù lượng hàng rất nhiều. Nhiều gia đình vì tiếc hàng nên có hàng, có điện là huy động nhân công làm cả đêm dù tiền công cho công nhân làm ngoài giờ gấp đôi ngày thường. Chị Thắng cho biết thêm: So với mọi năm thì chi phí cao hơn nhiều lần.


Ngoài thiệt hại về lượng hàng, chúng tôi phải tăng thêm tiền nhân công và tiền mua đá lạnh để ướp đá nếu chẳng may hàng về lúc chưa có điện. Đá lạnh bình thường chỉ 4 - 5000/cây, nay cao gấp 10 lần. Còn công nhân vì sợ mất địên phải huy động họ làm việc suốt đêm cũng phải trả tiền công gấp đôi. Cùng tâm trạng với chị Thắng là chị Bình ở Tiến Thủy (Quỳnh Lưu). Suốt một tháng nay gia đình chị như ngồi trên đống lửa vì điện bị cắt liên tục. Không có điện, hai cái kho đông của chị bỏ không, còn chị thì ngày nào cũng phải chi tiền triệu để đi mua đá về ướp cá. Nhìn ngán ngẩm: Nếu ngày trước một xe cá cần mua cả chục cây đá là bình thường, nay chỉ dám mua hai ba cây để tạm giữ lạnh. Đã phải chấp nhận mua đá đắt rồi mà
vẫn còn bị ép giá vì cá ươn quá, không được tươi.  

 

Tại bến cá Nghi Thủy, mặc dù ngay bên cạnh bến là một cơ sở sản xuất đá lạnh, nhu cầu của các chủ thuyền rất cao nhưng chủ cơ sở cũng phải lắc đầu "không có điện không sản xuất đá được". Đá đắt, lại không có hàng nên nhiều chủ thuyền chọn giải pháp "ở nhà" vì theo  ông Mai Hồng Thái (xóm 4, xã Nghi Thủy) cho biết: Nhiều nghịch lý lắm cô à. Đá đắt thế nhưng chúng tôi bán hàng vẫn bị mất giá vì hàng về không được tươi, được ngon... Biết là thế nhưng chúng tôi vẫn không dám mua nhiều đá, trước đây một chuyến mua mười - 15 cây cây đá là chuyện thường, nay chỉ dám mua 5-6 cây, chỉ vừa đủ để ngâm nước lạnh thôi chứ làm gì có nhiều mà ướp. 

 

Ít thuyền ra khơi, người buôn cá, hải sản đứng chen cả bến tàu để tranh cướp cá. Như gia đình vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh, anh Võ Văn bảy (khối 2, phường Nghi Thuỷ), ngày trước mỗi ngày mua được 10 tấn cá, nay mua được 3 tấn là đã "mướt mồ hôi". Chỉ vào mớ cá ươn choẹt chị Minh nói thêm: Cá này chỉ dám bán cho Trung Quốc để làm thức ăn gia súc thôi. Cá,  hải sản  không dám buôn vì không có đá để ướp. 

 

Cầu cứu...điện lực

 

Gần hai tuần bị cắt điện liện tục, thiệt hại về kinh tế của các kho đông ở Nghi Tân vô cùng to lớn. Quá lo lắng, 35 hộ gia đình nơi đây đã đồng loạt viết đơn để "cầu cứu" điện lực. Đơn gửi đi gửi lại vài lần, người dân Nghi Tân cuối cùng đã có thể thở phào vì cuối cũng đã có kết quả. Điều may mắn nhất của Nghi Tân là các trạm điện của Nghi Tân lại ăn theo nhánh điện từ Nghi Lộc nên không phải "ưu tiên số 1" điện cho thị xã du lịch Cửa Lò. Vì lẽ đó, theo văn bản mới kí kết giữa điện lực Nghi Lộc và điện lực Nghi Tân, việc cắt điện ở Nghi Tân sẽ được thực hiện theo kiểu "một tháng cắt 10 ngày" chứ không phải cắt điện cách nhật như điện sinh hoạt do "đặc thù của thời vụ và công ăn việc làm của người dân Nghi Tân".



 

 Người dân Nghi Tân đã có  thể làm việc vì không còn cắt  điện.

 


Điện lực Nghi Lộc cũng thống nhất thời gian cắt điện cũng không máy móc mà sẽ linh hoạt cho người dân, tùy theo nhu cầu của người sử dụng. Đáp lại, người dân Nghi Tân cũng tích cực nâng cấp máy móc, kho đông lạnh để giảm tải điện. Các hộ có kho đông cũng thống nhất,  những gia đình trong thời gian không có hàng, không chạy kho đông sẽ chủ động báo cho điện lực cắt điện để tập trung cho những kho đang hoạt động.


Nhờ sự linh hoạt này, những ngày gần đây phường Nghi Tân đã bắt đầu "dễ thở" hơn, tuy nhiên ở những phường có kho đông nằm rải rác như Nghi Hải, Nghi Thủy...nỗi lo vẫn đang thường trực vì tất cả điện đều đang tập trung phục vụ chủ yếu cho thị xã Cửa Lò. Không ít kho thời gian này với những đơn hàng nhỏ lẻ đã từ chối xuất hàng vì sợ mở kho, ảnh hưởng đ
ến dự trữ đông lạnh.

 

Trước những thiệt hại do thiếu điện gây ra, ông Hoàng Minh Sơn, chủ tịch UBND phường Nghi Tân đã bắt đầu nghĩ đến phương án giảm thuế cho các hộ có kho đông. Việc làm này tuy nhỏ nhưng cũng là giải pháp tích cực để động viên người dân cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

(Theo Báo Nghệ An)