Người con của bản
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất biển huyện Quỳnh Lưu, năm 2004 Hồ Trung Kiên tham gia quân ngũ, sau đó được phân công vào đội vận động quần chúng, thuộc đồn biên phòng 515, đóng quân ở xã biên giới Thông Thụ – huyện Quế Phong. Là người con miền xuôi lên công tác ở vùng cao, trung úy Hồ Trung Kiên tích cực gần dân, bám địa bàn trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước đã bà con nơi đây yêu mễn và tin tưởng.
Cà Na là bản cực Bắc của xã Thông Thụ, Bản có 44 hộ với 189 nhân khẩu, gồm hai dân tộc Thái và Kinh, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, tỉ lệ hộ đói nghèo chiếm đến 57%, trình độ dân trí thấp, đội ngũ cán bộ đảng viên vừa thiếu lại vừa yếu, hoạt động cầm chừng, phong tục tập quán còn nhiều phức tạp, vì thế một thời gian dài bản Cà Na đứng trước cái đói nghèo lạc hậu.
Nhận nhiệm vụ tại bản Cà Na, xác định khi về cơ sở là nhiệm vụ nặng nề, nhưng với bản lĩnh tiên phong của người cán bộ đảng viên, trung úy Hồ Trung Kiên đã tham mưu với cấp ủy chính quyền xã phối hợp với chi bộ Bản, muốn đẩy lùi đói nghèo, trước tiên phải nâng cao dân trí, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đồng thời hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, phát triển kinh tế, khai hoang ruộng nước… nhằm đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ.
Bộ đội biên phòng giúp dân trồng lúa nước (Hình chỉ mang tính minh hoạ) |
Trung úy Hồ Trung Kiên nhớ lại, vài năm trước, anh đã vận động bà con bỏ bớt rẫy về trồng lúa nước để có được nhiều lúa mà lại giữ được rừng, nhưng bà con chưa thấu nên chưa theo. Anh đành xin Trưởng bản cho mượn 10ha ruộng trồng cho bà con xem, sau mấy tháng trồng lúa lai cao sản với sự chăm bón theo quy trình kỹ thuật và kinh nghiệm làm lúa của người miền xuôi , lúa đã cho thu hoạch gần 6 tạ. Nhìn ruộng lúa của anh ai cũng trầm trồ khen ngợi, bà con mới bắt đầu hỏi han cách làm và làm theo.
Bà Vi Thị Dung là một trong những người được bộ đội giúp đỡ trong việc phát triển kinh tế, hôm nay, gia đình bà có của ăn của để, con cái đi học có nghề ổn định. Bà Dung mừng lắm vì gia đình không còn bị đói mà còn có tiền cho con đi học.
Mạnh dạn đem đến thành công, đó là bí quyết mà trung úy Kiên rút ra để tiếp nối những dự định của mình đang còn ấp ủ. Anh đã vận động tuyên truyền bà con xây dựng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư nên các hủ tục lạc hậu được xóa bỏ, chuồng trại chăn nuôi được đưa ra khỏi nhà ở… Bản Cà Na có một diện mạo mới. Đời sống nhân dân thực sự được cải thiện, tỷ lệ hộ đói nghèo năm 2010 giảm xuống còn 47%, số hộ mua sắm được vật dụng sinh hoạt trong gia đình như ti vi, xe máy ngày một nhiều thêm.
Đến bản Cà Na hôm nay, không ai là không bết Trung úy Hồ Trung Kiên, anh là người con của bản làng, người bạn của thế hệ trẻ và người thầy của đàn em nhỏ. Đó chính là sự ghi nhận cho những công lao, đóng góp của anh trong việc xây dựng bản làng, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng thế trận an ninh vững chắc – Thế trận trong lòng dân.
Vân Thanh – Cà Dinh