Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Người con của Họ Vi

15:08, 22/06/2010
Bà con thương yêu tôi nên “Đổi họ” cho tôi … Thượng tá Thái Doãn Hiệu, Trưởng Công an huyện Quỳ Châu nói với tôi như vậy.

Khi tôi ngồi chuyện trò với bà con ở bản Cọc, xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu thì mọi người reo lên: Vi Văn Hiệu đến!

Một người có khuôn mặt tròn, đôi mắt hiền lành và cái miệng cười cười, trong bộ trang phục Công an. Hôm ấy trong ồn ào của tiếng mời chào, cũng như bao người, tôi đã chan vào tình cảm của anh và thật sự bị cuốn hút bởi con người này.

 

Thượng tá Thái Doãn Hiệu, Trưởng Công an huyện Quỳ Châu

 

Thái Doãn Hiệu không thích kể về mình khi tôi có ý định viết một cái gì đó trong phong trào “Người chiến sĩ công an được Đảng tin dân yêu”. Anh có ý “đùn đẩy” câu chuyện cho thượng tá Lang Văn Dung, cấp phó của anh. Anh nói nhỏ với tôi, chú Dung có nhiều thành tích lắm. Đầu năm nay, chú ấy vừa trực tiếp làm một vụ có tiếng vang lớn đấy.

Đó là một vụ buôn bán phụ nữ. Cái mụ đầu mối kia thật ghê gớm, đang tâm lừa cả cô cháu, con của người em ruột mình để đem đi bán lấy tiền. Mụ ta người Con Cuông, lấy chồng Quỳnh Lưu. Lợi dụng lòng tin, lợi dụng sự túng thiếu của bà con mường bản để làm điều ác. Nghèo đói, lạc hậu cũng là kẽ hở cho những tiêu cực len lỏi vào mỗi người. Thêm nữa, sự nhẫn tâm, suy thoái đạo đức của nhiều kẻ làm cho xã hội thêm phức tạp. Đường dây buôn bán phụ nữ này trên quy mô rộng và gây 8 vụ liên tiếp với 14 nạn nhân, liên quan 6 tỉnh… Chú Dung đã bỏ cả mấy ngày tết để chỉ đạo anh em phá án, thăm hỏi gia đình các nạn nhân và trả về địa phương những người gặp nạn. Bà con mừng lắm, nhiều nhà đến cám ơn công an Quỳ Châu đã triệt phá được đường dây nguy hiểm trên để đem lại bình yên cho bản mường.

Cả anh Thái Doãn Hiệu và Lang Văn Dung đều tranh luận với tôi những điều tưởng như lên gân, sách vở hay báo cáo. Nhưng đó là những câu chuyện thật, là máu thịt và cử chỉ mà người chiến sĩ công an phải làm.

- Nhưng  nếu không có sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt và dứt khoát từng vụ việc của lãnh đạo đơn vị thì làm sao có được kết quả như vậy – Tôi nói và thượng tá Lang Văn Dung cũng đồng tình với tôi như vậy, nên tất cả mọi câu chuyện lại đổ dồn vào anh Thái Doãn Hiệu.

Câu chuyện ấn tượng mà tôi nghe kể về anh đó là trường hợp anh cảm hóa được Vi Xuân Văn, một tay nghiện có hạng trở thành người có ích.

Hồi đó Vi Xuân Văn là đối tượng nghiện thâm niên, và là đầu mối kết nối của những con nghiện trong vùng thuộc các xã Châu Tiến, Châu Bính, Châu Thuận của huyện Quỳ Châu và Mường Noọc, Châu Kim của huyện Quế Phong, Nghệ An. Chỉ một bản nho nhỏ của Văn thôi, đã có gần 20 người nghiện đã gây náo loạn, hoang mang cả một vùng. Người dân ăn không ngon, ngủ không yên. Cả bản vắng bóng trâu bò lợn gà, vì hễ nuôi là mất. Vườn rau cũng vậy, chỉ nhú lên tí chút, sau vài đêm đã tan hoang. Những người nghiện lại chủ yếu trong độ tuổi lao động, nên mọi công việc bị bỏ bê. Đã thế, những đối tượng này còn rất nguy hiểm trên mọi phương diện… Trước thực trạng đó, Thái Doãn Hiệu đã sắp xếp kế hoạch cho các chuyến công tác để tiếp cận đối tượng. Anh đã chọn Vi Xuân Văn, tay anh chị khét tiếng được coi là đầu nậu tập trung những con nghiện trong vùng để cảm hóa. Sau nhiều lần làm thân, anh nhận thấy con người này vẫn có những tố chất nổi trội có thể thuyết phục thành người có ích. Bởi theo anh, trong mỗi con người, vẻ đẹp phẩm chất luôn tiềm ẩn, nếu như một lúc nào đó con người ta sa ngã, nhưng khi gặp dịp thì cái tốt thường lấn át cái xấu để con người đó hoàn thiện trở thành người tốt. Nếu như Vi Xuân Văn được giác ngộ có khi lại trở thành người có ích cho cộng đồng này. Vì thế, Thái Doãn Hiệu thường có những cuộc gặp gỡ, tâm sự, tỉ tê chan hòa với Văn. Nhiều lần sau chuyến công tác, anh ở lại uống rượu cần, ăn cơm cùng gia đình. Dần dần, Văn thấy công an Hiệu không có khoảng cách, mà dễ gần và hòa đồng nên kết thân từ lúc nào không rõ. Một hôm, Văn mời thầy mo về làm vía buộc chỉ cổ tay cho Thái Doãn Hiệu… và rồi cả bản Cọc này đều gọi anh là Vi Văn Hiệu.

Từ ngày kết thân với Thái Doãn Hiệu, cuộc đời Vi Xuân Văn đã rẽ sang một hướng khác, Văn không còn tụ tập những kẻ nghiện trong nhà, thậm chí thấy những ai còn lén lút hút chích là Văn báo công an. Văn còn xung phong đi cai nghiện vì sợ mang tiếng cho anh trai kết nghĩa. Theo Văn, thương nhau thì không làm phiền, làm khổ nhau.

Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Mấy hôm sau, có người họ Vi lên công an huyện tìm Vi Văn Hiệu để giải mấy cái xe máy bị CSGT huyện bắt giữ. Hôm ấy anh lại lên bản Cọc gặp các già bản. Các già thấy anh, mừng rơn bảo, “có thằng trong họ làm công an cũng sướng, như vậy họ nhà mình cũng đỡ nhục”.

Lúc đó anh ôn tồn:

- Các cụ nhận con là con cháu họ Vi phải không ạ?

- Đúng thế! Nhiều người đồng thanh và nhanh nhảu.

- Thế các cụ, các bác và dòng họ mình có thương tôi không,  hay là chỉ cho tôi nhận họ cho vui?   

Những tiếng nói xì xầm: Ai lại thế bao giờ - Người Thái ta khi đã nhận làm họ hàng rồi thì có làm vua, quan hay tôi tớ, chúng tôi cũng coi là con cháu trong nhà cả.

- Thế thì để tôi nói - Anh lại ồn tồn và nhẹ nhàng - Chúng ta ai cũng phải sống theo sự quản lý của pháp luật, tôi làm sai, các bác và họ hàng sẽ coi khinh, pháp luật sẽ trừng trị. Tôi làm sai quy ước của bản sẽ bị bản đào thải. Tôi vi phạm pháp luật thì bản còn coi tôi ra gì. Vậy thương tôi thì phải giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ chứ. Mấy cháu họ Vi chúng ta không chấp hành luật giao thông, nếu xử lý không nghiêm, bị tai nạn chúng ta sẽ mất cả con người nữa chứ.

Anh còn chứng minh những vụ tai nạn thương tâm do không đội mũ bảo hiểm, do phóng nhanh, đi ẩu không làm chủ tốc độ, do chở người quá quy định, đi sai phần đường… Lúc ấy cả sàn nhà rung lên những tiếng vỗ tay.

- Vi Văn Hiệu nói phải, nói phải lắm!…

Vi Xuân Văn là người đắc lực trong câu chuyện này, Văn cùng Thái Doãn Hiệu làm cho dòng họ và bà con hiểu ra nhiều nhẽ phải, từ đó bà con giúp đỡ, Công an quản lý tốt an ninh trật tự trên địa bàn, khống chế được hàng trăm người nghiện và tổ chức cai nghiện cho hàng trăm người. Trên mặt trận phòng chống ma túy đã góp phần phá nhiều vụ án, trong một quý gần đây nhất, công an Quỳ Châu đã triệt phá được hàng chục điểm bán lẻ về ma túy, lập hồ sơ quản lý 133 người nghiện. Bắt 4 vụ, 6 đối tượng thu 77 gam herôin và 70 viên hồng phiến. Ngăn chặn kịp thời các vụ di dịch cư và truyền đạo trái phép, lập lại an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 48 đoạn đi qua Quỳ Châu.

 

Cho bình yên bản làng

 

Cũng trong quý này, công an huyện Quỳ Châu đã tổ chức được 140 ca tuần tra kiểm soát về ATGT, lập biên bản 760 trường hợp vi phạm, hàng trăm gia đình và hàng chục dòng họ đã tự nguyện tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự bản mường, cùng nhau bảo ban con em mình chấp hành tốt luật lệ an toàn giao thông và ký cam kết không có người vi phạm ATGT. 

Và nữa, công an huyện đã xử lý 10 trường hợp đưa tiền mãi lộ, tạm giữ 47 giấy phép lái xe. Thu nộp kho bạc nhà nước 212 triệu đồng…

Riêng Vi Xuân Văn, Văn đã đầu tầu gương mẫu, hăng hái, năng nổ trong mọi phong trào, bà con đã xóa mặc cảm để bầu anh làm trưởng Bản Cọc. Từ ngày Văn làm trưởng bản, đã không còn hiện tượng mất cắt vặt, không còn người tụ tập đánh bạc, hút chích, người dân no đủ yên ổn lên rất nhiều. Những vườn rau xanh tốt trở lại, lợn gà, chó mèo, ao cá được nhiều hộ chú trọng chăn nuôi.

Tôi nhẩm tính trong lòng bàn tay, như vậy, Vi Văn Hiệu đã “Bỏ quê”  lên đây “Lập họ” đã gần 23 năm. Với những đóng góp tận tâm, tận lực của mình, anh đi đâu cũng được người dân các bản gọi thân mật như người nhà. Khi ngồi với người họ Vi thì anh được “kết nạp” làm họ Vi. Khi ngồi với người họ Lữ thì anh mang họ Lữ, rồi họ Lang, họ Lương v v… Nhiều lắm.  

Tôi có ý rất thán phục. Anh nói, mang họ hay là đổi họ thì đó là tình nghĩa, tình cảm mến yêu mà bà con các dân tộc vùng cao Nghệ An giành cho anh, điều đó làm cho anh rất vinh dự. Nhưng đó cũng là trách nhiệm và niềm tin mà bà con gửi gắm. Anh nghĩ, mình phải làm gì thật xứng đáng với niềm tin đó. Bây giờ lập nghiệp ngay trên mảnh đất Quỳ Châu, làm nhà và định cư ở đây, anh cảm thấy ấm áp cuộc đời. Mảnh đất này chính là đất lành để suốt đời anh gắn bó và rồi đi đâu anh cũng mong trở về, vì đó là nhà mình. Quê hương xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương là nơi anh sinh ra. Nhưng quê hương Quỳ Châu là nơi anh từng được “Mang họ” mới và được cống hiến. Cả hai quê anh đều yêu mến trân trọng, những người thân ở Thanh Chương hay Quỳ Châu, dù là dân tộc Thái hay Thổ, anh vẫn cảm giác đó là những người ruột thịt không thể rời xa. Là chiến sĩ Công an nhân dân, anh luôn lấy lời dạy của Bác Hồ làm nền tảng và kim chỉ Nam cho mọi hành động và hoạt động của bản thân, lấy phương châm dứt điểm cho từng công việc, vụ việc và một điều cốt lõi là hãy biết tin yêu con người, nên anh luôn thành công trên mọi lĩnh vực công tác.

Còn nhiều câu chuyện kể về anh không hết, như những huyền thoại mà người dân Quỳ Châu thường nhắc đến anh một cách trìu mến. Anh xứng đáng là chiến sĩ công an được Đảng tin dân yêu.

Lang Quốc Khánh