Các công trình thủy lợi đối phó với hạn hán và mưa lũ
Hồ Cao Sang (huyện Anh Sơn) sau khi nâng cấp đã phục vụ khá hiệu quả. |
Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ
Hồ Tràng Đen là một trong những điểm xung yếu nhất trong hệ thống thủy lợi
Không ít dự án xây dựng cơ bản phải thi công xuyên suốt mùa mưa bão. Vì thế việc đảm bảo an toàn cho các công trình này, nhất là công trình thủy lợi hết sức quan trọng. Bởi quá trình thi công dang dở gặp mưa lũ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, hoặc sẽ tổn thất, thiệt hại lớn nếu có sự cố. Chính vì thế, ngoài sự giám sát của chính quyền, chủ đầu tư thì các nhà thầu trên lĩnh vực xây dựng thủy lợi phải ý thức rõ điều đó để có phương án chống lũ, điều chỉnh kế hoạch, đảm bảo tiến độ. Và quan trọng là phải xác định được hạng mục nào cần hoàn thành trước để vượt lũ an toàn.
Cùng với Tràng Đen, hồ Khe Dứa ở xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ cũng là một trong hàng chục công trình thủy lợi xung yếu được ngành nông nghiệp đầu tư nâng cấp, xây dựng trong năm nay. Tuy chỉ thuộc loại hồ vừa và nhỏ nhưng Khe Dứa lại phục vụ tưới cho 180ha, và có vị trí trọng yếu trong điều tiết lũ, bảo vệ hạ du. Anh Đinh Trí Lam, cán bộ giám sát BQL dự án ngành nông nghiệp và PTNT cho biết, ngành ưu tiên các hạng mục trọng yếu của công trình, có thể toàn bộ công trình chưa hoàn thành nhưng những điểm xung yếu phải đảm bảo an toàn nếu có lũ.
Báo động đỏ
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 625 hồ chứa nước, ngoài nhiệm vụ tích nước tưới cho 39.000 ha/ năm, thì các công trình này còn có nhiệm vụ cắt lũ, làm chậm lũ, bảo vệ an toàn dân sinh kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn các hồ đập này đều xây dựng và đưa vào khai thác trên 30, 40 năm mà chưa một lần được nâng cấp, sửa chữa, nay đã xuống cấp nghiêm trong. Những hồ chứa được đầu tư xây dựng như Tràng Đen, Khe Dứa, Vực Mấu, và mới đây là Khe Lại không nhiều, vì nguồn kinh phí còn hạn hẹp. Vì thế cùng với đảm bảo an toàn các công công trình đang thi công dang dở, thì vấn đề đáng quan tâm hiện nay chính là bảo vệ sự an toàn cho các hồ đập chưa có điều kiện gia cố. Bởi số lượng các hồ đập này lớn, lại rải rác trong các vùng dân cư. Ngay như hồ Đồng Kho thuộc địa bàn xã Đồng Văn – Tân Kỳ này, mái thượng lưu chỉ hoàn toàn bằng đất, mặt đập nhỏ, mong manh, cống lấy nước đã hư hỏng nặng vậy nhưng địa phương vẫn phải khai thác mà chưa thể đầu tư gia cố. Và tất nhiên, Đồng Kho chỉ là một trong số hàng trăm hồ chứa nước nhỏ và vừa hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đã xuống cấp, và không đảm bảo an toàn để vượt lũ. Anh Võ Văn Tuấn, phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Tân Kỳ lo lắng sẽ khó đảm bảo an toàn hồ chứa này nếu có mưa lũ vì hồ đã xuống cấp nghiêm trọng.
Những công trình thủy lợi được nâng cấp như thế này chưa nhiều vì thiếu kinh phí |
Một trong những khó khăn của ngành thủy lợi năm nay là thời tiết diễn biến bất thường, không có khoảng cách giữa hạn hán và mưa lũ. Mưa lũ đến chậm nhưng lại đúng lúc hạn hán đang gay gắt nên các công trình thủy lợi chưa thích ứng kịp với thời tiết. Nắng nóng lâu ngày, thậm chí có nhiều công trình ngừng hoạt động một thời gian dài nay đưa vào khai thác mùa lũ sẽ phát sinh nhiều sự cố nguy hiểm. Do vậy, ngành thủy lợi luôn phải chủ động đối phó với cả 2 phương án chống hạn và chống lũ đồng thời.
Mặc dù ngành nông nghiệp, chính quyền các cấp đang khẩn trương triển khai các phương án phòng chống lũ, nhưng thực tế hiện nay ở hầu hết các hồ đập vẫn cạn nước, nhiều hồ còn ở mực nước chết. Tình trạng hạn hán vẫn đang xảy ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của ngành thủy lợi, các hồ đập khô cạn tuy ảnh hưởng đến hiệu quả chống hạn, nhưng lại là điều kiện thuận lợi để các đơn vị quản lý thủy nông, chính quyền và người dân kiểm tra, phát hiện hư hỏng, rò rỉ ở thân đập, cống lấy nước được kỹ hơn và có phương án kỷ thuật tu bổ, tránh những sự cố đáng tiếc trong mùa mưa lũ.
Trong khi chờ kế hoạch đầu tư nâng cấp thì chính quyền và người dân nơi có công trình thủy lợi phải lập phương án phòng chống lụt bão sát thực, mang tính khả thi cao để ứng phó hiệu quả với mưa lũ, và trên hết là bảo vệ tính mạng, tài sản cho chính mình khi mùa lũ đi qua.
(Thanh Huyền)