Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Chua chát hạt muối Tân Thịnh

09:28, 14/07/2010
Ngày qua ngày, trong nắng gay gắt, bỏng rát của mùa hè, diêm dân Tân Thịnh phải “bán mặt cho muối, bán lưng cho trời”, nhưng mỗi cân muối chỉ bán được với cái giá rẻ mạt: 500 đồng/kg, thì phải mất 300kg muối mới mua được một tẹc nước…

 

Cũng như hàng trăm gia đình khác trong xóm Tân Thịnh, ngày lại ngày, vợ chồng  anh Nguyễn Xuân Phượng – với nghề truyền thống làm muối, rời khỏi nhà đi làm từ lúc trời còn tối mịt và trở về khi không thấy rõ mặt người.

 

 

 

Làng Vĩnh Yên xưa kia, nay là làng Tân Thịnh, một vùng quê ven biển Lạch Quèn xã An Hoà, huyện Quỳnh Lưu. Cũng như bao vùng quê xứ của Nghệ, hàng năm, Tân Thịnh phải chịu đựng những đợt gió Lào bỏng rát, những trận bão lũ trắng trời, trắng đất. Trải qua bao biến cố của tự nhiên, cùng với những thế hệ cư dân cha ông cần cù lao động, kiên cường trước thiên nhiên, thông minh, anh dũng và cách mạng trong chiến đấu, dựng xây – bao đời nay đã vun đắp nên nghề diêm dân truyền thống và là nguồn sống chính của mình.

 

 

Trước khó khăn về nguồn nước ngọt sinh hoạt, năm 2006 với phương châm Nhà nước và dân cùng làm, Tân Thịnh được đầu tư thực hiện dự án nước ngọt với số vốn 111 triệu đồng và các hộ dân đóng góp thêm mỗi hộ 50.000 đồng. Xây dựng cho mỗi hộ gia đình hai chiếc lu, mỗi chiếc chứa 3m3 nước ngọt, thế nhưng mới chỉ sử dụng được một năm thì không còn gia đình nào sử dụng nữa vì nguồn nước không có để cung cấp cho sinh hoạt, các lu chứa đã khô kiệt. Không thể sống vì thiếu nước sinh hoạt, bà con diêm dân Tân Thịnh phải mua từng tẹc nước chưa đầy 2m3 với giá 150.000 đồng. Ngày qua ngày, trong nắng gay gắt, bỏng rát của mùa hè, người dân nơi đây phải “bán mặt cho muối, bán lưng cho trời” nhưng mỗi cân muối chỉ bán được với cái giá rẻ mạt 500 đồng/kg, thì phải mất 300kg muối mới mua được một tẹc nước. Ông Phan Liên Đại người xóm Tân Thịnh gia đình nhiều đời làm muối, than vãn: Ở cái thời điểm này mà giống cái thời báo cấp, không nước, không điện, bà con đi làm về nhìn nhau mà lau nước mắt, chị em phụ nữ không có nước tắm giặt. Không biết bao giờ đời sống của bà con diêm nghiệp nơi đây mới thoát được cảnh này. Thời bao cấp thì 10 kg muối được một kg gạo, ở thời điểm giữa năm 2010 này phải mất 15-16 kg muối mới được một kg gạo. Chúng tôi cũng muốn chuyển đổi sang nghề nghiệp khác, từ bỏ cái nghề múc nước biển kiếm sống. Lo ăn hàng ngày không đủ, tiền đâu mà cải tạo ô nại, kho bãi còn nói gì đến đầu tư cải thiện nghề truyền kiếp mà cha ông để lại. 

 

 

Bà con Tân Thịnh nguồn sống chính là làm muối, với 200 hộ 350 lao động làm muối, chưa kể những lao động phụ làm thêm như các cháu học sinh ngoài buổi học ở trường, phải lăn lộn với mẹ trên ruộng muối. Từ năm 2001, Tân Thịnh xây dựng dự án sản xuất muối sạch với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng trong đó Nhà nước hỗ trợ 370 triệu đồng, đã đưa vào sử dụng có hiệu quả chất lượng cao, muối sạch, mở ra hướng làm ăn mới. Đầu tư làm ra hạt muối sạch thì giá thành cao hơn. Nhưng chưa có một cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất, nhất là tiêu thụ sản phẩm và giá cả thì trôi nổi phụ thuộc vào thương lái, sản phẩm làm ra dân tự giao thương là chủ yếu nên cơ cực đủ điều.

 

 

 

Năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài nên được mùa muối, thuận lợi cho người làm muối, nên mới chỉ nửa năm thôi mà Tân Thịnh đã thu hoạch hơn 4000 tấn muối, đạt 2/3 sản lượng muối kế hoạch cả năm, nhưng chỉ mới tiêu thụ được chưa đầy 2000 tấn. Bà con diêm dân thấy muối rẻ, không tiêu thụ được, nên cánh đàn ông Tân Thịnh đã bỏ nghề làm muối đi làm ăn xa, lao động bám trụ trên đồng muối chỉ còn chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em. “Biết cái khổ của bà con đó mà không làm chi được”, anh Phạm Ngọc Lập - Chủ nhiệm HTX Tân Thịnh đã phải thốt lên như vậy. Cái nghề muôn thuở, từ bao đời nay nên phải bám vào mà sống, không làm không có cái ăn hàng ngày, rồi những ngày mưa lấy gì mà trang trải.

 

 

Bữa cơm của gia đình anh Phượng, là một hộ thuộc diện gia đình không phải là đông người, nhưng thật vô cùng đạm bạc như bao gia đình làm muối trong làng. Trời nắng, lao động vất vả, nhưng tiền đâu để mua thức ăn cải thiện bữa ăn, nếu có mua chịu thì cũng làm tăng thêm nợ nần hàng tháng, không biết khi nào trả hết nếu cứ giá muối rẻ mạt như thế này. Biết chúng tôi là những nhà báo, bà con xúm lại vây quanh, bao nhiêu điều cùng cực đều tuôn ra hết, có chị nói lời chua chát “có lẽ kiếp sau thì cả nhà tôi từ bỏ nghề này”.

 

Chia sẻ trước những khó khăn của diêm dân Nghệ An, Công ty cổ phần muối và thương mại Nghệ An đã chủ động trong huy động vốn kinh doanh linh hoạt, thay đổi cách mua truyền thống, điều chỉnh gia mua bán linh hoạt cho từng thời kỳ và thị trường cụ thể nên cũng đã góp một phần giải quyết cho bà con diêm nghiệp. Duy trì và mở rộng các địa bàn tiêu thụ truyền thống ở các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2009 nên đã góp phần tiêu thụ được 33.000 tấn tại các địa phương này, nhưng số lượng muối tồn kho chuyển sang năm 2010 của Công ty vẫn đang còn lớn. Công ty đang tiếp tục mở rộng thị trường điểm bán hàng tại các địa bàn như: Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Việt Trì, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai …và các địa bàn miền núi trong tỉnh, làm sao mở rộng quan hệ khách hàng, giải quyết đầu ra sản phẩm cho diêm dân. Tuy vậy, từ ảnh hưởng của cơ chế sản xuất kinh doanh, từ việc muối nhập khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng rất lớn nên mọi cố gắng cũng không thể giải quyết được khó khăn về giá và tiêu thụ sản phẩm cho bà con làm muối ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu.  

 

 

Người dân Tân Thịnh ước ao làm sao giá muối làm sao trở về như năm 2008, thu nhập bình quân của lao động làm muối đạt đỉnh cao gần 20 triệu đồng/năm. Nếu bỏ rẻ thì giá một cân muối ít nhất cũng được chín trăm đồng đến một ngàn đồng, thì mới mong cầm cự ổn định sản xuất lâu dài. Thế nhưng ước mong là ước mong, đều nằm ngoài ý muốn của người sản xuất muối.

 

Đời sống nhân dân làm muối nói chung, ở làng Tân Thịnh nói riêng khó khăn đủ bề, bởi giá muối lên xuống thất thường, năm 2010 đã tụt dốc chỉ còn 500 đồng một kg muối, bằng 1/3 giá năm 2008 và bằng nửa giá muối năm 2009. Muối làm ra không bán được, mặc cho tư thương ép giá, cân đong thua thiệt đủ đường. Điện mất, nước sinh hoạt không đủ, các nhu yếu phẩm khác đều tăng giá, rồi tiền thuốc men chữa bệnh, học hành của con cái, tiền đóng góp các loại quỹ nhà nước, quỹ địa phương, đoàn thể … đủ các thứ đều nhìn từ hạt muối. Là một HTX có truyền thống sản xuất muối đạt năng suất cao, lại là vùng muối được thực hiện quy trình công nghệ sạch, nhưng còn đó bao nỗi gian truant, 100% thu nhập của người dân Tân Thịnh, 60 % nguồn thu nhập chính của xã An Hoà dựa vào diêm nghiệp. Nghệ An là tỉnh có diện tích đồng muối đứng thứ hai Miền Bắc (sau tỉnh Nam Định). Mỗi năm diêm dân Nghệ An sản xuất và cung cấp ra thị trường từ  80.000 - 90.000 tấn muối, giải quyết việc làm cho 12.250 lao động. Đây là nguồn lực có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế biển.

 

 

 

Mục tiêu phát triền kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân của các xã vùng bãi ngang Quỳnh Lưu như An Hoà, Quỳnh Thuận, An Hải và  Diễn Vạn, Diễn Bích, Diễn Ngọc của huyện Diễn Châu đang đứng trước nhiều thách thức nhất là vừa phát triển ngành nghề truyền thống và chuyển đổi mở rộng ngành nghề mới phù hợp. Bố trí lao động hợp lý, đào tạo nghề và chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con diêm dân là một bài toán khó. Người làm muối đang đứng trước nhiều thách thức trước cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế thế giới, đảm bảo muối sạch, năng suất và công nghệ cao. Vì thế cần lắm sự vào cuộc không chỉ ngành nông nghiệp phát triển nông thôn, các chính sách kinh tế địa phương mà cả tầm vĩ mô của Chính phủ và các Bộ ngành trung ương và chính sách của địa phương giúp đỡ người dân nghề muối. Ban hành một hệ thống chính sách đồng bộ khuyến khích nông dân để mục tiêu xoá được đói, giảm được nghèo sớm trở thành hiện thực đối với bà con diêm dân. Để hạt muối Tân Thịnh và bao vùng quê làm muối khác trong cả nước không phải chịu cảnh sống từ hạt muối chua chát như thế này.

 

(Trần Lan Anh - Việt Anh)