Sau cống hiến là nghị lực...
Đại biểu về dự Hội nghị biểu dương Người có công tiêu biểu toàn quốc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh |
Ấm tình đồng đội
Người đầu tiên vinh dự được đọc tham luận về quá trình hoạt động của bản thân tại Hội nghị là Thượng tá Trần Hữu Lưu, Đội 584, Phòng chính trị, Bộ chỉ huy quân sự Quảng Trị. Anh sinh ra và lớn lên trên tuyến lửa Vĩnh Linh, mảnh đất ác liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Tháng 2 năm 1982, anh tình nguyện lên đường nhập ngũ, sau đó làm nhiệm vụ trên đất bạn Lào. Do ảnh hưởng của chiến tranh và những năm tháng chiến đấu, anh đã bị nhiễm chất độc da cam. Chính vì vậy, sau khi lập gia đình, 2 đứa con của anh ra đời lần lượt đều bị nhiễm chất độc da cam và bị mất trí nhớ hoàn toàn. Năm 1996, hoàn cảnh lúc đó còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng khi có thông báo nhận nhiệm vụ mới quy tập hài cốt liệt sỹ, anh vẫn sẵn sàng tìm kiếm đồng đội.
Trải qua biết bao khó khăn, lúc lửa rừng, lúc bão lũ, lúc hết lương thực, lúc cạn kiệt nước uống, nhưng anh và đồng đội vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. 15 năm trên cương vị của mình, anh Trần Hữu Lưu đã cùng đồng đội quy tập được trên 2.000 hài cốt liệt sỹ ở Lào và trên 500 hài cốt liệt sỹ trong nước, bàn giao trên 200 hài cốt an tang tại quê hương. Những cố gắng, nỗ lực đó đã làm giảm đi phần nào nỗi đau mất mát người thân của các gia đình liệt sỹ, làm ấm lòng hương hồn các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập tự do cho tổ quốc.
Sự nghiệp lớn trên đôi vai gầy
Còn đối với Chị Phạm Thị Ngắn, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình lại là một tấm gương tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam đảm đang, tần tảo, sống vì chồng vì con. Lấy chồng chưa tròn một năm thì chồng chị lên đường nhập ngũ, đó là vào năm 1972. Bản thân chị lúc đó cũng đang tham gia trực chiến pháo 37 ly ,đại đội nữ dân quân Tiền Hải. Nhưng khi chồng ra trận, chị xin về địa phương để tiện chăm sóc mẹ già và các con nhỏ.
Năm 1974, chồng chị trở về với thân thể đầy thương tích, hỏng 1 mắt và 65% sức khỏe. Không cam lòng để chồng tại trại điều dưỡng, chị đón anh về với hy vọng tình yêu thương của gia đình sẽ làm chồng chị dịu đi phần nào nỗi đau của những vết thương. Năm 1986, cơn bão số 6 cuốn đi tất cả tài sản của gia đình, khó khăn chồng chất khó khăn tưởng như không vượt qua được. Gắng gượng vượt qua những khó khăn chưa kịp vực dậy cho gia đình, thì năm 1996, vết thương tái phát đã cướp đi sinh mạng của người chồng thân yêu của chị, để lại 4 đứa con còn nhỏ và khoản nợ trên 20 triệu đồng. Cho nước mắt chảy ngược vào long, chị đứng dậy vì những đứa con của mình bằng nghề đan lát. Đến nay, nghề đan lát của chị ngày càng đứng vững trên thị trường và còn chiếm lĩnh cả ở thị trường khó tính như Châu Âu. Không chỉ có vậy, doanh nghiệp làm mây tre đan của chị còn tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, doanh thu mỗi năm của đơn vị hàng năm lên đến hàng chục tỷ đồng.
Khát vọng làng nghề
Người dân Nghệ An đã rất quên thuộc với cái tên Thái Đại Phong, một công ty chuyên sản xuất và xuất khẩu hàng mây tre đan nổi tiếng, doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho 3.000 lao động là con em của địa phương. Đứng mũi chèo lái con thuyền đó là thương binh 4/4 Thái Đại Phong. 15 năm công tác trong quân đội, trong đó có 10 năm công tác tại chiến trường Cam Pu Chia đã giúp anh có thêm ý chí, nghị lực để vượt quan những khó khăn, tìm hướng làm ăn mới để cải thiện cuộc sống gia đình và làm giàu cho xã hội.
Bên cạnh việc tập trung sản xuất nghề mây tre đan, anh Thái Đại Phong còn mở các lớp học để truyền nghề cho bà con lao động, góp phần hình thành các làng nghề tiêu biểu cho tỉnh. Những đóng góp đó, anh được Bộ LĐTBXH tặng bằng khen, được chủ tịch UBND Tỉnh phong tặng doanh nhân xứ Nghệ v.v…
Những tấm gương vượt lên những nỗi đau, mất mát của chiến tranh để rèn luyện tu dưỡng đạo đức, lao động sản xuất giỏi, chăm lo đời sống cho gia đình, đóng góp cho xã hội thật đáng trân trọng. Họ thật sự là những tấm gương cho chúng ta học tập và noi theo.
(Thu Vinh)