Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Ẩn hoạ từ lấn chiếm đê điều

09:53, 08/08/2010
Tình trạng người dân lấn chiếm hành lang đê điều để làm nhà ở, lều quán kinh doanh trên địa bàn một số huyện ở tỉnh ta đang diễn ra khá phức tạp. Việc làm này đã làm nhiều đoạn đê biến dạng, gây nguy hiểm không những cho thân đê mà còn cho chính các hộ gia đình vi phạm khi đê phải chịu áp lực lũ, bão và triều cường.

 

 

Đê Nam Trung có chiều dài 6km nằm trên địa phận 3 xã Nam Trung, Nam Cường và xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn. Đây là tuyến đê cấp 4 rất quan trọng, có nhiệm vụ ngăn lũ cho 5 xã vùng Năm Nam . Thế nhưng, từ lâu, nhiều hộ dân trong xã đã xây nhà kiên cố ngay trên hành lang bảo vệ đê, thậm chí mặt đê cũng trở thành “mặt tiền” buôn bán nhiều hàng hoá khác nhau. Không chỉ thế, trên tuyến đê Nam Trung thuộc địa phận xã Khánh Sơn quản lý, nhiều đoạn còn bị người dân địa phương sử dụng để làm nơi tập kết nguyên vật liệu, đổ rác thải hoặc chăn nuôi gia súc. Gia đình anh Hồ Đình Hùng ở xóm 9 xã Khánh Sơn huyện Nam Đàn là 1 trong 15 hộ được xã Khánh Sơn cấp đất từ năm 1997 trong hành lang bảo vệ đê. Cũng như những hộ gia đình khác, gia đình anh đã xây nhà kiên cố để ở và kinh doanh buôn bán. Anh Hùng phân trần, vì không thấy xã tuyên truyền gì nên gia đình vẫn xây dựng nhà ở bình thường.

 

Ngôi nhà của anh Hồ Đình Hùng được xây dựng kiên cố trên đê Nam Trung

 

Điều đáng nói là trong khi tuyến đê Nam Trung thuộc địa phận xã Khánh Sơn quản lý hiện đang xuống cấp nghiêm trọng và đang bị nhiều hộ lấn chiếm mái đê, hành lang đê, thậm chí cả thân đê để xây nhà ở kiên cố và làm nơi buôn bán mà chính quyền xã vẫn không hề có sự nhắc nhở hay xử phạt nào.

 

Không chỉ xã Khánh Sơn mà nhiều xã khác trên địa bàn huyện Nam Đàn, tình trạng các hộ dân vi phạm luật đê điều khá nhiều. Ngoài ra, ở các tuyến đê Quai Vạc, đê 32 ở huyện Nam Đàn, hiện tượng đê bị sạt lở, xuống cấp vẫn thường xuyên xảy ra.

 

Đê còn là nơi tập kết nguyên vật liệu xây dựng

 

Theo báo cáo của chi cục đê điều và phòng chống lụt bão, tính đến thời điểm hiện nay, Nghệ An có 473km đê, gồm đê sông Tả Lam cấp 3, đê bao tả, hữu Lam cấp 4, đê bao nội đồng, đê bao cửa sông, đê kè, đê biển. Trong đó, chi cục đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh chỉ quản lý 68,2km đê cấp 3, còn lại đê cấp 4 do chính quyền địa phương quản lý. Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2010, đã xảy ra 30 vụ vi phạm tuyến đê Tả Lam cấp 3. Đây là tuyến đê có nhiệm vụ hết sức quan trọng, ngăn lũ cho các huyện các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Nghi lộc và thành phố Vinh. Đô Lương là huyện đứng đầu với 13 vụ vi phạm. Tuy nhiên chi cục đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh cũng chỉ xử phạt được 3 vụ trên tổng số 30 vụ vi phạm tuyến đê Tả Lam. Các vụ vi phạm còn tồn đọng chủ yếu là xây nhà ở cấp 4, công trình phụ, lều ốt, cải tạo ao, xây bờ rào, đào xen đê làm đường vào nhà. Ngoài vi phạm lấn chiếm đê điều, tình trạng kinh doanh, khai thác cát sỏi trong phạm vi bảo vệ đê điều ở một số huyện trong tỉnh vẫn tồn tại lâu nay nhưng phần lớn các vụ việc này đều không được giải quyết dứt điểm. Riêng hạt quản lý đê Hưng Nguyên 1 từ đầu năm 2010 đến nay đã phát hiện 9 vụ vi phạm xây dựng nhà ở lấn chiếm đê Tả Lam và 20 vụ khai thác cát sỏi, làm xưởng cưa, tập kết nứa mét trên đê, kè.

 

Trước thực trạng đó, để bảo vệ các tuyến đê và đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, hằng năm, chi cục quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh đều triển khai công tác tu bổ, duy tu đê điều thường xuyên. Năm 2010, tổng mức đầu tư thực hiện tu bổ đê điều là 5 tỷ 800 triệu đồng gồm 5 hạng mục tu bổ cho tuyến đê Tả Lam. Duy tu bảo dưỡng đê thường xuyên 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác chống sạt lở ở các bờ sông cũng được quan tâm đầu tư đúng mức. Ông Nguyễn Hữu Nhung - phó chi cục đê điều và PCLB tỉnh thừa nhận những ẩn hoạ từ việc lấn chiếm đê điều là rất lớn, chính quyền địa phương cần tuyên truyền và xử lý nghiêm khắc những hộ vi phạm để tránh xảy ra sai sót, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.

 

Hằng năm, nguồn kinh phí do trung ương và tỉnh cấp cho việc giải toả vi phạm, duy tu đê điều khá lớn. Tuy nhiên tình trạng vi phạm đê điều kéo dài từ năm này sang năm khác, cùng với đó là sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương đã làm ảnh hưởng đến hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh. Mùa mưa bão năm 2010 đã đến, những biến đổi khí hậu và hệ luỵ của nó là mưa lũ không theo quy luật và ngày càng khó lường, chính vì vậy, người dân sống trong khu vực có đê cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm bảo vệ đê điều. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ và áp dụng triệt để các chế tài xử phạt theo các nghị định của chính phủ quy định xử phạt hành chính về đê điều để xử lý dứt điểm các vi phạm nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều trong tỉnh.

 

(Vân Anh)