Chuyện kể về một kiểm sát viên vùng cao
Kiểm sát viên Trần Quốc Việt
|
Năm 1982, sau khi vào sinh ra tử ở nhiều chiến trường, anh Trần Quốc Việt rời quân ngũ, nhưng anh không trở về quê hương Nghĩa Đàn để lập nghiệp mà tình nguyện theo tiếng gọi của Đảng khăn gói lên núi rừng miền tây Nghệ An nhận nhiệm vụ mới tại Viện kiểm sát huyện Quế Phong, thực hành quyền công tố việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội. Những năm tháng khi còn trong quân ngũ, anh thấu hiểu phần nào cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi vùng sâu, vùng xa nên suốt gần 30 năm sống và làm việc tại một huyện biên giới vùng cao của tỉnh, khó khăn chồng chất nhưng phẩm chất của người kiểm sát viên luôn được anh gìn giữ, không bị cám dỗ bởi vật chất, anh liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, “Chiến sĩ thi đua ngành”, bằng khen của TTCP và của Hội luật gia.
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, anh Việt luôn bám sát kế hoạch công tác của đơn vị, thực hiện nghiêm túc quy chế, nghiệp vụ. Trong những năm qua, anh đã trực tiếp thực hành quyền công tố, KSĐT, KSXX sơ thẩm hàng trăm vụ án hình sự. Trung bình mỗi năm anh kiểm điều tra 140 vụ, trong đó có nhiều vụ án phức tạp, nhiều tình tiết phát sinh tại tòa, thuộc loại tội phạm nghiêm trọng được dư luận quan tâm như ma túy, hiếp dâm, cướp của. Trước những vụ án phức tạp, nhiều đêm anh thức trắng tìm tài liệu liên quan, chuẩn bị đầy đủ chứng cứ, đề cương xét hỏi, đề cương tranh luận với luật sư của các bị cáo và chính với bị cáo tại phiên tòa, viện dẫn những chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo và đã chủ động đưa ra quan điểm xử lý được Hội đồng xét xử chấp nhận. Đối với các vụ án phức tạp, bị can không nhận tội hoặc lúc nhận lúc không, anh đếu trực tiếp hỏi cung bị can, nghiên cứu kỹ hồ sơ và có những đề xuất đúng. Các vụ án được khởi tố điều tra, tuy tố, xét xử có sự tham gia của anh Việt đều đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp oan sai người vô tội, không bỏ lọt tội phạm. Đặc biệt năm 1997, anh được bổ nhiệm làm viện trưởng Viện kiểm sát huyện Quế Phong nên luôn phát huy vai trò lãnh đạo và trách nhiệm trong việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn các quy định của cơ quan điều tra.
Không nói ra thì mọi người cũng hình dung được những gian khổ của người cán bộ vùng dân tộc miền núi. Từ huyện lỵ đến các vùng sâu, vùng xa, KSV như anh phải sử dụng nhiều phương tiện khác nhau và phải mất 3-4 ngày mới có thể đến nơi làm nhiệm vụ. Khi thì đi xe máy, khi phải đi xe đạp và nhiều khi phải đi bộ hàng chục km mới vào đến thôn bản. Việc đi bộ hàng ngày để đến khám nghiệm hiện trường hoặc đi tống đạt cáo trạng đối với anh là việc làm thường xuyên trong những năm qua. Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, anh và các đồng nghiệp thật sự khó khăn khi gặp các vụ án có bị cáo là người dân tộc ít người, phiên dịch là khâu khó khăn nhất. Do vậy, anh vừa làm vừa học, kiểm sát viên của VKSND huyện vùng núi cao phải nghiên cứu để tìm hiểu phong tục tập quán của các dân tộc ít người mới làm tốt nhiệm vụ. “Có được một lãnh đạo như Anh Việt, chúng tôi rất đỗi tự hào, anh không chỉ là người mẫu mực trong công việc mà còn là người anh, người bạn chăm lo từng li, từng tí đời sống cho anh em” - Anh Nguyễn Xuân Chung, cán bộ viện kiểm sát huyện Quế Phong nói với chúng tôi.
Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hành quyền công tố, KSĐT, KSXX, các vụ án hình sự, anh Việt cho rằng, kiểm sát viên phải chú trọng đến công tác giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, vì đây là khâu mở đầu cho công tác điều tra. Việc nắm chắc các nguồn thông tin tội phạm sẽ giúp cho việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can được nhanh gọn thì việc tạm giữ không bị kéo dài ảnh hưởng đến quyền công dân. Để trở thành một KSV tốt trước hết phải có tâm.
Sự phấn đấu không ngừng cùng phẩm chất đạo đức công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn của KSV Trần Quốc Việt luôn là tấm gương sáng cho cán bộ nghành kiểm sát học tập và noi theo.
(Hữu Đức - Mai Phương)