Đem ánh sáng đến người nghèo
Trong vô vàn chứng bệnh mà con người có thể mắc phải, có lẽ mù lòa là một trong những chứng bệnh gây khó khăn, khổ sở nhất cho người mắc bệnh. Người khiếm thị không những phải sống một cuộc sống khó khăn khi không thấy ánh sáng, tâm hồn của họ dường như cũng phải khép lại khi xung quanh mình chỉ là bóng đêm. Y học tiến bộ đã chứng minh được rằng: trong khá nhiều trường hợp, con người có thể thoát mù bằng biện pháp phẫu thuật thủy tinh thể, tuy nhiên đây là một can thiệp y học tốn khá nhiều tiền của.
Chúng tôi có mặt trong chuyến hành trình lên vùng cao cùng “đội mổ mắt lưu động” trung tâm mắt Nghệ An. Dường như chuyến công tác xa xôi, dài ngày như thế này đã trở nên quen thuộc với các y bác sĩ ở trung tâm mắt. Vậy nên, hành trình đầy vất vả phía trước được xua tan bởi ý nghĩ họ sẽ đem lại nguồn sáng cho người mù nghèo. Địa chỉ đầu tiên mà chúng tôi dừng chân là xã Nga My, một xã nghèo của huyện miền núi Tương Dương. Ông Lương Minh Luyện ở bản Bột là người được báo trước về sự xuất hiện của “đội mổ mắt lưu động”. Và từ sáng sớm, ông đã sốt sắng ngồi chờ để hi vọng rằng ông sẽ lại được nhìn thấy ánh sáng. Sau 24 giờ đồng hồ kể từ khi ông Luyện được phẫu thuật, ông đã nhìn rõ hơn những người đang có mặt trong nhà mình lúc này. Ông biết họ chính là những người đã đem lại ánh sáng cho mình và người mù ở Nga My.
Việc tổ chức mổ mắt lưu động để giải phóng mù cho người nghèo của trung tâm mắt Nghệ An được tiến hành từ năm 1998. Trong hàng trăm chuyến hành trình đến với người mù, các y bác sĩ ở trung tâm mắt Nghệ An đã thực hiện hàng nghìn ca phẫu thuật, đem lại ánh sáng cho người mù. Và họ thực sự trở thành địa chỉ của niềm tin đối với chính quyền và nhân dân các bản làng xa xôi nhất.
Tại trạm y tế xã Nga My, có rất nhiều bệnh nhân bị mù lòa, đục thủy tinh thể. Họ đến đây từ những bản làng xa xôi, các xã lân cận là Xiêng My, Yên Na, Yên Hòa. Thật chẳng dễ dàng để tới được tận đây khi các bệnh nhân hầu hết là người già yếu, thị lực lại không còn bình thường. Tuy nhiên, đây là địa chỉ mà người mù, người bị suy giảm thị lực đặt nhiều niềm tin và hi vọng, bởi có một điều chắc chắn là họ không thể đi xa hơn như xuống thành phố, đến các bệnh viện để phẫu thuật. Thứ nhất là đường sá đi lại vô cùng khó khăn, và điều quan trọng hơn là họ không đủ điều kiện kinh tế để có những can thiệp y học giải phóng mù. Đến với chương trình mổ mắt nhân đạo dành cho người mù nghèo của trung tâm mắt Nghệ An, người dân chẳng mất một khoản kinh phí nào và họ càng không phải tiến hành làm những thủ tục hành chính đầy phiền toái như khi tới các trung tâm y tế, các bệnh viện. Đây chính là chủ trương có ý nghĩa xã hội vô cùng sâu sắc của trung tâm mắt Nghệ An và họ đã được chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận.
Năm nay, trung tâm mắt Nghệ An đã có một quyết định táo bạo khi tiến hành mổ mắt nhân đạo lưu động. Lần đầu tiên, họ đã đem thiết bị mổ phacô đi cơ sở. Đây là một trong những phương pháp mổ mắt hiện đại nhất hiện nay. Bệnh nhân mổ mắt phacô sẽ ít đau và không bị chảy máu. Ý tưởng để cho dân nghèo được tiếp cận với y học hiện đại là cơ sở để các y bác sĩ ở trung tâm mắt Nghệ An vượt qua mọi khó khăn để đem phương pháp mổ phacô lên miền núi.
Trong 6 tháng đầu năm 2010, đội mổ mắt lưu động của Trung tâm mắt Nghệ An đã giải phóng mù cho 241 bệnh nhân ở 3 huyện miền núi cao là Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Họ đã đem ánh sáng về cho người mù và làm sáng ngời thêm phẩm cách của đội ngũ y bác sĩ. Rời Nga My, đội mổ mắt lưu động lại tiếp tục cuộc hành trình đi tìm người mù.
(Ngọc Dũng)