Hiểm hoạ từ súng săn tự chế
Theo số liệu thống kê, trong vòng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn biên giới của tỉnh Nghệ An có hơn 20 người chết và bị thương vì súng săn tự chế. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 3 vụ tai nạn làm 1 người chết và 3 người bị thương khi sử dụng súng săn tự chế. Ngày 28-5, anh Moong Phò Minh, 40 tuổi, ở xã Keng Đu rủ bạn là Lương Bá Chuông vào rừng để săn bắn. Minh được phân công ngồi bắt chước tiếng mang để gọi “bạn” đến. Đúng lúc con mồi xuất hiện gần chỗ Minh ngồi thì Chuông giương súng bắn. Vì trời tối, không phân biệt đâu là mục tiêu thật nên Chuông đã bắn nhầm vào Minh, làm anh này chết tại chỗ. Ngày 1-6, nhân dân xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, phát hiện anh Lương Văn Tá, 21 tuổi, người dân bản nằm chết trong rừng bên cạnh khẩu súng săn. Trước đó, anh này đi rừng mang theo khẩu súng săn tự chế của gia đình. Nhiều người dân cho rằng, có thể anh Tá bị trượt ngã, khẩu súng cướp cò, đạn găm thẳng vào đầu.
Các loại súng săn tự chế đã được BĐBP Nghệ An thu giữ |
Xác định được sự nguy hiểm tiềm ẩn từ việc sử dụng súng săn tự chế của đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, BĐBP Nghệ An đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều cuộc vận động để thu gom loại vũ khí chết người này. Đã có hàng trăm khẩu súng được đồng bào trên địa bàn biên giới giao nộp cho BĐBP (chỉ riêng năm ngoái, các đồn biên phòng đã vận động đồng bào giao nộp được 113 khẩu súng các loại, 2 bộ cò, 1 viên đạn cối 60). Tuy nhiên, số lượng súng mà đồng bào tự nguyện giao nộp chỉ là con số rất nhỏ so với thực trạng tồn tại. Sở dĩ, việc vận động giao nộp vũ khí đạt hiệu quả chưa cao là do đồng bào vốn xem khẩu súng săn là một vật dụng không thể thiếu bên mình khi đi rừng, làm nương, làm rẫy. Ngoài việc phục vụ cho việc săn bắn, khẩu súng còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh, là vật để xua đuổi tà ma.
Đặc biệt, trong các gia đình đồng bào dân tộc Mông ở biên giới Nghệ An có quan niệm khẩu súng thể hiện sức mạnh của người đàn ông trong gia đình. Thường, trong một gia đình có bao nhiêu người con trai thì sẽ có từng ấy khẩu súng. Chính vì thế mà trong quá trình vận động đã không ít chủ hộ không chịu giao nộp mà chỉ ký cam kết là không sử dụng. Vì theo họ, lấy khẩu súng ra khỏi nhà chẳng khác nào lấy đi sức mạnh của họ. Thêm nữa, kể cả khi đã giao nộp súng cho BĐBP thì đồng bào vẫn có thể tự “sản xuất” ra những khẩu súng khác rất nhanh chóng. Thượng tá Châu Văn Thao, Tiểu khu trưởng Tiểu khu 50 BĐBP Nghệ An, cho biết: “Với những lí do đó nên lượng súng săn tự chế vẫn còn tồn tại rất nhiều trong nhân dân sinh sống trên địa bàn biên giới huyện Kỳ Sơn nói riêng và biên giới tỉnh Nghệ An nói chung. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương làm quyết liệt hơn nữa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn đáng tiếc do việc sử dụng súng săn tự chế gây ra”.
(Nguyễn Phê)