Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Ký ức về mùa thu lịch sử trên đất Phủ Quỳ

14:55, 19/08/2010
Đã tròn 65 năm kể từ ngày diễn ra cuộc Tổng khởi nghĩa giành lại chính quyền trên cả nước, tại huyện Nghĩa Đàn, ngày 22/8/1945 cũng đã trở thành một ngày lịch sử ghi lại thời khắc vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trên toàn huyện.

 

 

   

Đất Phủ Quỳ hôm nay

 

 

Ngược dòng lịch sử, chúng tôi tìm về hang Rú Ấm ở xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn. Vào năm 1930, đây là nơi chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn ra đời với 6 đảng viên. Sau đó hang trở thành căn cứ hoạt động bí mật của chi bộ, rồi của huyện ủy Nghĩa Đàn thời kỳ tiếp theo. Trong số những đảng viên thời đó, nay chỉ còn lại ông Võ Đức Nhuận người làng Mét, xã Nghĩa Khánh. Sáng ngày 22/8/1945, lúc bấy giờ ông mới 26 tuổi, được giao nhiệm vụ dẫn đầu một mũi diễu hành kéo về huyện lỵ. Nay ở tuổi 91, sức khỏe đã yếu đi rất nhiều, nhưng khi chúng tôi hỏi chuyện về ngày khởi nghĩa ông vẫn rất hồ hởi, nhiệt tình như đang được sống lại trong không khí cách mạng mùa thu năm nào. Ông Nhuận nhớ lại, sáng ngày 22/8, toàn bộ nhân dân các làng Sen, Sẻ, Cự Lâm tập trung tại đây. Sau khi ghe diễn thuyết về tội ác của giặc, về nỗi đau của người dân mất nước, tất cả đã cùng kéo về phía trung tâm huyện, quyết tâm giành lại chính quyền từ tay quân cướp nước.

 

Những năm 1930 - 1931, lá cờ đỏ búa liềm đã tung bay trên ngọn cây đa Làng Trù (hay còn gọi là “cây đa Đồng Đội” ). Vào đúng ngày khởi nghĩa, đây lại chính là nơi tập trung lực lượng gồm hàng ngàn quần chúng nhân dân quyết đồng sức đồng lòng để dành lại tự do.

 

Cũng với khí thế như vùng xã Nghĩa Khánh, Nghĩa Đức, nhân dân các xã ở trung tâm huyện, được sự chỉ đạo của cán bộ khởi nghĩa cũng đã sẵn sàng để hoà vào dòng người đang bừng bừng khí thế, theo tiếng trống Cự Lâm 3 hồi 9 tiếng, tiến về phía trước... Giữa dòng người đó có 2 ông Nguyễn Công Từ và Phan Xuân Khánh - lúc ấy mới chỉ là những chàng trai tuổi 18 đôi mươi căng tràn nhựa sống và khát khao tự do. Ông Nguyễn Công Từ kể lại, khi đó ông đang làm thợ may nhưng ông yêu cầu với ông chủ là khi Cách mạng thì hãy cho ông nghỉ. Ông may cờ đảng, sắm giáo mác tham gia cướp chính quyền. Cũng năm ấy, ông vinh dự  được kết nạp đảng.

 

Khi những tên quan lại bán nước bị bắt, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Toà Đại là khi dân ta đã hoàn toàn làm chủ huyện đường. Trước tất cả quần chúng nhân dân, UBND lâm thời và Uỷ ban Mặt trận Việt Minh huyện Nghĩa Đàn chính thức ra mắt, tuyên bố xoá bỏ vĩnh viễn chế độ đế quốc, phong kiến và bộ máy chính quyền tay sai của phát xít Nhật. Từ thời khắc này, lịch sử huyện Nghĩa Đàn bước sang trang mới. Người dân Nghĩa Đàn thực sự được làm chủ quê hương mình song họ cũng đã phải đánh đổi biết bao mồ hôi, nước mắt và cả xương máu! Cụ Phan Xuân Khánh - đảng viên lão thành khối Tân Tiến, phường Long Sơn, TX Thái Hoà chia sẻ cái cảm giác lúc ấy, từ một con người của đất nước nô lệ đã trở thành con người của đất nước tự do nên trong người thấy rạo rực lắm.

 

Dù ở giai đoạn lịch sử nào, dù mảnh đất quê hương có trải qua bao thăng trầm thì con người TX Thái Hoà vẫn một lòng đi theo Đảng để làm cách mạng. Xưa làm cách mạng đánh đuổi giặc ngoại xâm, dành lại chính quyền, dành lại độc lập cho dân tộc. Nay làm cách mạng để xây dựng quê hương đất nước.

 

(Đàm Thủy - Minh Hợp - Thái Dương)