Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Làm giàu ở quê hương

10:42, 02/08/2010
Rời bỏ quê hương vào miền Nam lập nghiệp là thực trạng đang diễn ra ở nhiều vùng nông thôn trong tỉnh. Nhiều lao động trẻ nuôi ước vọng thoát khỏi cuộc sống vất vả nơi quê nhà đi thật xa làm thuê. Nhưng không phải là một ước mơ trọn vẹn mà cuộc sống lại cơ cực hơn và khi trở về tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Đó cũng là tâm sự của anh Lê Anh Tuấn ở xóm 12 xã Lĩnh Sơn huyện Anh

 

 

Năm 2005, Lê Anh Tuấn về quê ở xã Lĩnh Sơn huyện Anh Sơn để lập nghiệp. Bằng sức vóc của tuổi trẻ, anh Tuấn đã làm đơn xin thuê 2,5ha đất hoang hoá ở xóm 12 xã Lĩnh Sơn để cải tạo làm kinh tế trang trại. Không thể kể hết những khó khăn trong buổi đầu lập nghiệp nhưng ý chí và nghị lực đã giúp vợ chồng anh Tuấn, chị Minh thành công. 2,5ha đất bỏ hoang ngày đó bây giờ đã trở thành một trang trại chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp. Vợ chồng anh Lê Anh Tuấn và chị Trần Thị Minh đã dành phần lớn diện tích để đào 4 ao nuôi các loại cá thương phẩm. Đồng thời làm chuồng trại chăn nuôi gia súc và gia cầm. Mỗi năm, gia đình anh Tuấn xuất bán gần 20 tấn lợn hơi, thu hoạch hơn 5 tấn cá. Ngoài ra, với gần 800 con vịt đẻ mỗi ngày đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập rất cao và ổn định.

 

 

Bên cạnh chăn nuôi, trang trại của Anh Tuấn, chị Minh còn đầu tư trồng các loại cây ăn quả. Từ 2 bàn tay trắng, giờ đây gia đình anh Lê Anh Tuấn đã có thu nhập từ trang trại mỗi năm trên 100 triệu đồng. Anh Tuấn tâm sự: “Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Xuất phát từ hoàn cảnh đó nên lớn lên tôi quyết định vào miền Nam làm thuê kiếm sống, đỡ đần gia đình. Thế nhưng, miền Nam không phải là vùng đất hứa. Sau 8 năm bươn chải, làm đủ nghề ở các tỉnh phía Nam, cuối cùng năm 2005, tôi quyết định đưa vợ con về quê ở xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn để làm lại từ đầu. Bởi khi ra đi tay trắng, giờ về vẫn trắng tay. Vợ chồng tôi đã thuê vùng đất 2,5ha của xã để làm kinh tế trang trại. Nơi đây, trước đây vốn là đất bỏ hoang, mồ mả rất nhiều. Sau khi cất bốc hết mồ mả, vợ chồng tôi đã vay mượn hơn 100 triệu đồng để đầu tư cải tạo, đào ao, xây dựng chuồng tại chăn nuôi. Chúng tôi đã làm việc quần quật, không kể đêm ngày để sau 5 năm nơi đây mới được như thế này...”

 

 

Trước đây, kinh tế của xã Lĩnh Sơn chủ yếu là trồng chè thương phẩm. Từ thành công của mô hình kinh tế trang trại của gia đình anh Tuấn, xã Lĩnh Sơn đã có chủ trương khuyến khích các hộ dân làm kinh tế trang trại trên diện tích đất hoang hoá và đất cao cưỡng sản xuất kém hiệu quả. Xã sẽ cho thuê đất và ưu tiên những năm đầu không thu thuế. Hiện nay, toàn xã đã có hơn 10 mô hình kinh tế trang trại chủ yếu chăn nuôi tổng hợp và trồng rừng nguyên liệu cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng.

 

 

Tuổi đời chưa phải là nhiều, bởi Lê Anh Tuấn sinh năm 1973 nhưng kinh nghiệm làm kinh tế trang trại thì Tuấn được nhiều người trong xã Lĩnh Sơn và huyện Anh Sơn đến học tập. Quan trọng hơn, mô hình kinh tế trang trại của Lê  Anh Tuấn đã minh chứng cho quan điểm: Làm giàu không nhất thiết phải rời bỏ quê hương. Sức trẻ và ý chí, nghị lực sẽ giúp những người trẻ tuổi thành công nếu họ có tâm huyết.

 

(Bài: Vân Anh; Ảnh: Trần Duy Ngoãn)