Vụ đập phá công ty TNHH Thái Dương: Hậu quả được báo trước?
>>>Đập phá vì không chịu nổi môi trường bị ô nhiễm
Triển khai từ năm 20003 và chính thức đi vào sản xuất năm 2005, dự án chăn nuôi lợn nái ngoại tại xã Đại Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) có tổng số vốn 200 tỷ đồng do Công ty thức ăn chăn nuôi Thái Dương làm chủ đầu tư là một trang trại lợn giống ngoại có quy mô lớn, kỹ thuật cao, không chỉ cung cấp nguồn giống tốt cho các địa phương mà còn góp phần tạo công ăn việc làm và đóng góp một phần ngân sách đáng kể cho tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, qua hơn 6 năm hoạt động, do quy mô sản xuất vượt nhiều lần công suất của hệ thống chất thải, quy trình và công nghệ xử lý chất thải cũng chưa đáp ứng nên đã làm ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường khiến dư luận bất bình, bức xúc.
Trước tình trạng gây ô nhiễm của công ty TNHH chăn nuôi lợn nái ngoại Thái Dương, thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền địa phương mà đặc biệt là người dân chịu tác động trực tiếp của hậu quả ô nhiễm môi trường do chất thải từ trang trại chăn nuôi này đã kịch liệt lên tiếng phản đối. Các phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc. UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan ban ngành hữu quan đã có nhiều văn bản, giấy tờ chỉ đạo song công ty TNHH Thái Dương vẫn chưa thật sự tích cực trong việc khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường. Liên tục từ đầu tháng 6 năm 2010 đến nay, người dân đã nhiều lần kéo lên UBND xã Đại Sơn và trụ sở của Công ty TNHH Thái Dương để phản đối và ngăn cản không cho công ty tiếp tục sản xuất. Trong khi vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm thì tối ngày 29- 9, hàng trăm người dân xã Đại Sơn lại kéo vào trang trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH chăn nuôi lợn nái ngoại Thái Dương, đập phá văn phòng, nhà xưởng cùng nhiều máy móc, thiết bị văn phòng.
Bể chứa chất thải của Công ty TNHH Thái Dương |
Theo ông Nguyễn Đình Bá - Bí thư Đảng uỷ xã Đại Sơn thì nguyên nhân xẩy ra tình trạng đáng tiếc này là do phía Công ty TNHH Thái Dương không giữ đúng như lời cam kết với người dân. Trước đó, do ô nhiễm môi trường từ trại chăn nuôi của công ty, cấp uỷ, chính quyền địa phương và nhân dân xã Đại Sơn đã nhiều lần kiến nghị phía công ty và các ngành liên quan có phương án xử lý. Ngày 12 - 06 -2010, hàng trăm hộ dân thuộc 5 xóm của Xã Đại Sơn, nơi phải chịu hậu quả nặng nề về tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải từ trang trại chăn nuôi lợn của công ty TNHH Thái Dương gây ra cũng đã kéo nhau lên bao vây và yêu cầu trang trại này phải ngừng hoạt động nếu không có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Tại thông báo số 244 ngày 30/7/2010, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Phan Đình Trạc cũng đã nêu rõ: "Nguyên nhân gây ra sự cố môi trường vừa qua là do quy mô sản xuất vượt quá xa công suất của hệ thống xử lý chất thải, hệ thống xử lý chất thải lại bị sự cố, các công trình xử lý chất thải chưa được xử lý tốt, công ty chưa quan tâm đúng mức công tác xử lý môi trường" và yêu cầu phía công ty TNHH Thái Dương phải tiến hành các giải pháp khắc phục như giảm tổng đàn theo đúng dự án đã phê duyệt, tập trung xử lý nhanh, dứt điểm tình trạng dịch bệnh, xử lý hệ thống chất thải theo đúng tiêu chuẩn đồng thời lập phương án hỗ trợ thoả đáng cho các hộ dân bị thiệt hại do công ty gây ra. Tiếp đó, ngày 2/08, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Chi có văn bản 4631 giao công ty này khẩn trương hoàn thành dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải; hoàn thành các thủ tục liên quan đến việc khai thác nước ngầm, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, thẩm định phê duyệt. Phía công ty TNHH Thái Dương cam kết sẽ thực hiện chỉ đạo của chủ tịch UBND Tỉnh Nghệ An trước thời hạn 30/8/2010. Thế nhưng, đến thời điểm này tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục tái diễn và còn có chiêu hướng gia tăng khiến người dân bức xúc. Ông Trần Xuân Thành - giám đốc Công ty TNHH Thái Dương cho rằng, sở dĩ có sự chậm trễ này là do phía người dân ngăn cấm không cho người dân đưa phương tiện máy móc vào để sữa chữa hệ thống xử lý nước thải? Còn phía công ty chưa cho giảm đàn như ý kiến chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An là do thời gian gần đây xẩy ra dịch bệnh nên không thể vận chuyển đàn lợn đi nơi khác. Trả lời câu hỏi: Vì sao trong qúa trình sản xuất, công ty TNHH Thái Dương chăn nuôi vượt quá nhiều lần quy mô tổng đàn đã được phê duyệt, ông Thành, cho rằng: do Công ty không đọc lại hồ sơ của sở tài nguyên môi trường và tỉnh Nghệ An!
Rõ ràng, ngoài việc không thực hiện đúng theo quyết định đã được phê duyệt và để xẩy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, công ty TNHH Thái Dương còn chậm trể trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND Tỉnh Nghệ An và các sở ngành liên quan trong việc khắc phục hậu quả khiến cho người dân bức xúc. Ông Nguyễn Đình Bá - Bí thư Đảng uỷ xã Đại Sơn nhấn mạnh "Bây giờ chúng tôi nói nhân dân không nghe nữa, họ bảo cán bộ mà không giúp dân giải quyết được vấn đề môi trường thì dân biết trông cậy vào ai". Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Toàn - Phó chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho rằng: "Để yên lòng dân, việc trước mắt là phải dừng hoạt động tại trang trại chăn nuôi để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, mong mỏi của người dân là sớm xử lý ô nhiễm để đảm bảo sức khoẻ và ổn định đời sống…".
Đập Chợ Ràng - nơi cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất của người dân xóm 5,6,7,8 xã Đại Sơn bị Công ty TNHH Thái Dương xả trộm nước thải |
Theo phản ánh của ông Lê Công Hoà - xóm trưởng xóm 9 xã Đại Sơn thì không những phía công ty không thực hiện cam kết đảm bảo môi trường mà còn xả trộm chất thải ra đập Chợ Ràng nơi phục vụ nước tưới cho gần 70ha lúa và phục vụ sinh hoạt cho nhân dân 5 xóm 6 ,7, 8, 9 và 10 xã Đại Sơn. Xã Đại Sơn có 11 xóm thì đến thời điểm này đã có 5 xóm với gần 1000 hộ phải chịu tác động bởi tình trạng ô nhiễm do chất thải từ trại chăn nuôi lợn của công ty TNHH Thái Dương. "Nhà nào ở đây đều sử dụng nước giếng khoan, nhưng bây giờ bơm lên giếng nào cũng bị nhiễm bẩn, mùi hôi không thối bốc lên nồng nặc!" Chị Liên - một người dân xóm 9 bức xúc. Ông Nguyễn Văn Hà - cán bộ văn phòng UBND xã Đại Sơn xác nhận: Mấy tháng nay, nhiều hộ dân ở xóm 9 phải đi xin từng can nước vì nguồn nước hiện tại đã nhiễm bẩn!
Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt mà sản xuất nông nghiệp của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Đặng Văn Toàn - Phó chủ tịch UBND xã Đại Sơn thừa nhận: nguồn nước thải cũng đã làm cho trên 70ha đất 2 lúa của nhân dân các xóm 7, 8, 9, 10 không thể sản xuất được, nhân dân và chính quyền xã Đại Sơn đã nhiều lần gửi đơn lên UBND huyện Đô Lương, đề nghị lên tỉnh và các ngành liên quan nhưng vẫn chưa thấy cơ quan nào, ngành nào đưa ra phương án khả thi…."
Ước tính thiệt hại sau đêm bị người dân Đại Sơn đập phá là gần 1 tỷ đồng |
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, kể tù ngày 12/6 đến nay, đã 5 lần một số người dân Đại Sơn ở các xóm lân cận Công ty TNHH Thái dương đã vào gây mất trật tự trong công ty, còn ông Lê Công Hoà - xóm trưởng xóm 9, xã Đại Sơn (nơi được đánh giá là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải từ trang trại chăn nuôi) cho rằng: hậu quả đáng tiếc từ sự cố người dân quá khích kéo nhau vào đập phá trụ sở công ty TNHH Thái Dương có một phần lỗi của chính quyền địa phương bởi tính chất phức tạp của vụ việc đã được dự báo trước, và nếu không giải quyết dứt điểm thì sẽ còn nhiều chiều hướng phức tạp. Bí thư Đảng uỷ Nguyễn Đình Bá thừa nhận: Để xẩy ra sự cố này là không đúng, chính quyền địa phương đã không kịp thời tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân…”
Ngay sau khi xẩy ra sự cố người dân kéo vào đập phá tại công ty TNHH Thái Dương, lực lượng chức năng huyện Đô Lương đã vào cuộc để ổn định tình hình. Theo ông Trần Xuân Thành, giám đốc công ty TNHH Thái Dương thì chưa có con số chính thức nhưng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng gần 1 tỷ đồng. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An điều tra, làm rõ.
(Hữu Đức)