Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Khát khao của chị Huyền

10:11, 01/12/2010
Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, không ai nghĩ rằng chị Trần Thị Huyền, nhóm giáo dục đồng đẳng viên Diễn Châu đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Nụ cười tươi tắn, dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, chị đon đả trò chuyện với những bệnh nhân đến điều trị tại phòng khám ngoại trú HIV Diễn Châu. Chính những người như chị, bằng những việc làm cần mẫn nhỏ bé của mình đã góp phần từng

 

Trần Thị Huyền sinh năm 1981, năm vừa tròn 20 tuổi, tuổi đẹp nhất của người con gái, chị lên xe hoa về nhà chồng. Năm 2002, đứa con gái đầu lòng chào đời, chị vui sướng trong niềm hạnh phúc được làm mẹ mà không hề biết đến mối hiểm nguy đe dọa cuộc sống yên bình của gia đình chị. Chồng chị nghiện chích ma túy, trong một lần dùng chung bơm kim tiêm đã lây nhiễm căn bệnh HIV và anh cũng không ngờ mình đã lây truyền sang cho vợ. Mầm bệnh phát triển nhưng cả hai vợ chồng đều không biết, chỉ đến năm 2006, khi chị đi xuất khẩu lao động ở Malaixia, qua kiểm tra sức khỏe, chị Huyền đã phát hiện đã bị HIV. Ngay lập tức chị bị trả về nước. Trong lúc này, ở nhà, chồng chị qua xét nghiệm cũng đã biết mình bị HIV giai đoạn cuối và chỉ sau 2 năm anh đã mất vì AIDS. Tận cùng của nỗi khổ đau, khi chồng chết, bản thân bệnh tật hành hạ cộng thêm vào đó là ánh mắt thương hại, sự kỳ thị phân biệt của cộng đồng, tưởng chừng như chị không thể gượng dậy được nữa. Tuy nhiên, niềm hy vọng của chị và đó cũng là niềm tin để chị tiếp tục sống chính là đứa con gái bé bỏng của mình. May mắn thay, cháu không bị lây nhiễm từ bố mẹ, qua xét nghiệm do trung tâm phòng chống HIV tỉnh Nghệ An lấy mẫu máu đã cho kết quả âm tính. Thấu hiểu được nỗi khổ của người bệnh như mình nên tháng 4 năm 2009, chị đã tham gia nhóm giáo dục đồng đẳng viên huyện Diễn Châu. Với suy nghĩ góp sức trong phòng, chống HIV/AIDS là để bớt đi những cuộc đời không may mắn như mình, chị đã nỗ lực hết mình vì công việc. Hàng ngày chị gặp gỡ những đối tượng nghiện chích ma tuý, gái mại dâm để vận động, tuyên truyền họ về cách phòng lây nhiễm HIV/AIDS, ân cần rủ rỉ nói với họ về tác hại của ma tuý, của việc dùng chung bơm kim tiêm, mối nguy hiểm của căn bệnh thế kỷ... Chị Huyền đã lấy bài học từ chính cuộc đời mình để làm minh chứng. Thời gian đầu công việc của chị gặp rất nhiều khó khăn, những đối tượng nghiện chích lẩn tránh, đối tượng bị HIV thì e dè, mặc cảm… nhưng sau một thời gian kiên trì tiếp cận, chị đã tạo được lòng tin đối với họ. Chị chia sẻ: Hàng tháng, chị đến nhà, động viên bệnh nhân, chăm sóc và cui chơi với trẻ. Và chị cũng đã là sự chờ đợi của những bệnh này.

 

Hiện tại, ngoài công việc tiếp cận, tư vấn, phân phát bơm kim tiên, bao cao su miễn phí cho đối tượng nguy cơ cao, chị còn thường xuyên tham gia chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV tại gia đình. Chị Nguyễn Thị Anh, một bệnh nhân ở Diễn Phúc cho biết: Chị Huyền chăm sóc bệnh nhân rất nhiệt tình. Không có những người như chị Huyền thì những bệnh nhân này sẽ khó có đủ nghị lực chống đỡ với căn bệnh.

 

Không chỉ tham gia công việc tại phòng khám, chị còn tích cực hoạt động cùng nhóm “Bình minh” gồm 30 thành viên là những người nhiễm HIV, nhằm giúp đỡ nhau trong việc tuân thủ điều trị, tư vấn về dự phòng lây truyền HIV. Với nỗ lực của mình chị đã cùng nhóm giáo dục đồng đẳng viên Diễn Châu góp phần đưa 220 bệnh nhân đến với các dịch vụ tại phòng khám ngoại trú Diễn Châu. Trong đó, có 166 người được điều trị ARV, 733 lượt người nhiễm HIV và trên 800 lượt trẻ có nguy cơ lây nhiễm được chăm sóc tại nhà. Bác sỹ Nguyễn Ngọc Lý, Trưởng phòng khám ngoại trú Diễn Châu nhận xét: Qua các khóa tập huấn và sự cầu tiến của chính bản thân chị Huyền nên chị đã có thuần thục các kỹ năng, làm việc tốt và tích cực.

 

Chị kể cho chúng tôi một câu chuyện xúc động đầy nước mắt. Số là có một bệnh nhân HIV ở huyện Yên Thành chồng vừa mất do AIDS. Khi vừa chôn cất chồng xong, chị này bỗng phát bệnh, khắp người da tróc từng mảng, gãi đến đâu máu chảy đến đó. Quá tuyệt vọng chị này kiên quyến không uống thuốc điều trị nữa. Thấy cảnh ngộ của bệnh nhân, chị Huyền đã đến tận nhà chăm sóc, tắm rửa và ân cần khuyên bảo người bệnh uống thuốc điều trị. Sau khi uống thuốc trở lại, bệnh nhân đã đỡ dần và khỏe trở lại. Hiện nay bệnh nhân đã lên cân, tinh thần ổn định.

 

Bằng lòng nhiệt tình, chị Trần Thị Huyền đã thắp lên ngọn lửa niềm tin, niềm khát khao cháy bỏng được sống, được cống hiến đối với những bệnh nhân HIV. Những việc làm nhỏ bé của chị đã góp phần từng bước giảm số người nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao trong cộng đồng, tạo điều kiện để những đối tượng này được tiếp cận với các biện pháp dự phòng và các dịch vụ chăm sóc điều trị HIV/AIDS, ổn định sức khỏe, tinh thần và sống có ích cho xã hội.

(Hiến Chương)