Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Mỏi cổ vì dự án “rùa bò”

15:19, 06/12/2010
Dự án xây dựng đường vào trung tâm xã Quang Phong, huyện Quế Phong với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông góp phần phát triển kinh tế xã hội với quốc phòng an ninh, thu hút đầu tư trên địa bàn huyện Quế Phong có mức đầu tư lên tới trên 34 tỷ đồng. Dự án được gia hạn đến ngày 30/12/2010 phải hoàn thành, nhưng nguy cơ thất hẹn đã hiển hiện trước mắt bởi những bất cập

 

Ban quản lý dự án lơ mơ?

 

Tại quyết định số 877 QĐ-UBND-CN ngày 15/3/2007, tổng dự toán kinh phí dự án được phê duyệt với mức 29.875.990.000 đồng. Đến ngày 27/11/2009, tổng kinh phí của dự án được điều chỉnh lên trên 34 tỷ đồng. Theo kết quả đấu thầu, hai đơn vị liên doanh Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại 423 và Công ty TNHH xây dựng An Thịnh trúng thầu với thời gian thi công 510 ngày, kể từ sau 5 ngày hợp đồng kinh tế được ký giữa Ban QLDA và đơn vị nhận thầu vào ngày 15/11/2007.

 

Thế nhưng, đến thời điểm này, đã hơn 3 năm kể từ ngày khởi công nhưng con đường chưa đầy 10km có đến hàng chục đoạn đang bị cày xới nham nhở. Anh Lịm Văn Minh, người dân ở xã Cắm Muộn nói “Chúng tôi tưởng làm đường thì đi lại thuận lợi, không vì đơn vị thi công dở dang nên đường lầy lội, khổ cho dân quá”. Còn Chủ tịch xã Cắm Muộn, Lô Văn Vinh bức xúc: “Có hôm đi họp ở huyện, đường sá lầy lội, đi vào vũng bùn, tuột luôn cả dày, phải đi chân đất!”

 

Sau hơn 3 năm thi công, người đi bộ qua đoạn đường này dễ bị... mất dép!

 

Sau hai lần gia hạn thời gian thi công, thời điểm cuối cùng mà các bên đưa ra phải hoàn thành và bàn giao tuyến đường là vào ngày 30/12/2010. Tuy nhiên, làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Huệ - giám đốc Công ty CP xây dựng và thương mại 423 (Đơn vị thầu chính) thừa nhận “Chắc chắn công trình sẽ không thể hoàn thành vì đến thời điểm này mặt bằng chưa đâu vào đâu cả…”. Ông Phùng Tiến Thành - trưởng phòng kế hoạch của Công ty này cho biết: Công trình có hơn 10 tỷ đồng mà kéo dài cả mấy năm trời, Ban quản lý dự án yêu cầu thi công, nhưng đưa máy móc, nhân công lên rồi cũng chẳng thi công được vì không có mặt bằng”. Còn ông Đặng Xuân Dũng, giám đốc Công ty TNHH xây dựng An Thịnh cũng không khỏi than vãn: “Vì không có mặt bằng, xe tải không vào được nên công ty cho máy móc chạy không ra hàng chục km nên rất tốn kém…”

 

Trao đổi về  tình trạng chậm trễ của dự án, Chủ tịch huyện Quế Phong Lữ Đình Thi do mới nhận chức nên không được biết rõ mọi vấn đề. Ông thừa nhận: “Tuyến đường có 2 nhà thầu chính là công ty CP 423 và An Thịnh trúng thầu nhưng có đến 5 - 6 nhà thầu khác cùng tham gia thi công con đường này, có những chỗ thì do thiếu mặt bằng, nhưng cũng có chỗ đã có mặt bằng nhưng không hiểu sao đơn vị thầu không chịu thi công”. Ngoài ra, ông Thi còn cho biết một nguyên nhân khác: “Trưởng ban quản lý dự án cũ, ông Nguyễn Duy Quế được điều về công tác tại Sở Y tế Nghệ An không chịu bàn giao cụ thể các công việc liên quan đến công trình mặc dù ông Thi đã yêu cầu nhiều lần”. Về vấn đề này, bà Vi Thị Duyến, Phó Ban Quản lý dự án, người hiện được phân công theo dõi trực tiếp dự án này khẳng định: Đến thời điểm hiện nay, bà không nhận được bàn giao nào từ phía người tiền nhiệm nên về hồ sơ, tiến độ và thực địa của dự án đường Châu Thôn – Quang Phong cá nhân bà vẫn chưa tường…! Đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Duy Quế,  thì ông cho rằng: “Đó là trách nhiệm của ban quản lý dự án mới, trước đây khi tôi nhận làm trưởng ban quản lý dự án, cũng chẳng có ai bàn giao tuyến đường này cho tôi, tôi tự mày mò, bây giờ ban quản lý mới, việc gì chưa biết thì tự tìm hiểu mà làm chứ…!” 

              

Chia nhỏ ăn phần?

 

Theo số liệu của Ban QLDA cung cấp thì đến hết năm 2009 đã giải ngân hơn 17 tỷ đồng cho cả hai đơn vị trúng thầu trên tổng trị giá hợp đồng trên 22 tỷ đồng, phù hợp phụ lục hợp đồng đã được ký giữa nguyên trưởng ban quản lý dự án Nguyễn Duy Quế với hai đơn vị liên doanh trúng thầu. Mức tạm ứng được thỏa thuận tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng.

 

Dư luận đặt câu hỏi: việc các đơn vị trúng thầu được giải ngân một khoản tiền lớn nhưng không chịu thi công thì liệu ban quản lý dự án đã làm tròn trách nhiệm? Trên danh nghĩa chỉ có 2 đơn vị trúng thầu nhưng có đến 5 – 6 nhà thầu phụ tham gia thi công, qua quá trình tìm hiểu về nhân khẩu tạm trú chính quyền các xã, chúng tôi đã rõ điều đó.

 

Không quen biết vẫn phải... dừng lại vì con đường nham nhở này!

 

Trả lời câu hỏi có hay không việc có nhiều nhà thầu phụ tham gia, bà Vi Thị Duyến cho biết bà chỉ làm việc với nhà 2 nhà thầu chính, còn các đơn vị thầu khác bà không cần biết! Còn theo phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong,ông Trương Minh Cương thì “Việc một số nhà thầu không chịu thi công là do sự phân chia giữa nhà thầu chính cho nhà thầu phụ không hợp lý. Huyện đang rà soát lại khối lượng và yêu cầu các đơn vị trúng thầu khẩn trương triển khai để hoàn tất tiến độ…”

 

Qua tìm hiểu các đơn vị nhà thầu, chúng tôi được biết, hai đơn vị thi công là Công ty CP xây dựng và thương mại 423 cũng như Công ty TNHH xây dựng An Thịnh cũng đã có bề dày kinh nghiệm, từng thi công nhiều công trình lớn không chỉ trên địa bàn tỉnh Nghệ An và trên cả nước. Khi được hỏi vì sao một công trình có tổng mức đầu tư chỉ trên 20 tỷ đồng, kết cấu kỹ thuật không phức tạp nhưng lại có nhiều đơn vị tham gia thi công, phải chăng có sự chia nhỏ ăn phần, nhà thầu chính thừa nhận: Đó là có sự tác động của lãnh đạo địa phương để một số nhà thầu phụ cùng tham gia? Thực chất, hai đơn vị nhận thầu chỉ nhận được khoảng trên 10 tỷ đồng còn lại là phần thuộc các nhà thầu phụ trong gói thầu trên 22 tỷ đồng. Việc nhà thầu chính đã nhận tiền và phải chuyển tiền cho các nhà thầu là lẽ đương nhiên và việc chậm thi công công trình là có vấn đề? Khi chúng tôi trao đổi về dự án đường Thôn – Quang Phong, những từ “Lỡ thầu”, “luôn thay đổi trưởng ban điều hành dự án”, và “ phải chịu trách nhiệm chính trong việc thi công công trình”, khiến người nghe rất băn khoăn cho các nhà thầu chính thi công công trình này.

 

Dự án không hoàn thành đúng tiến độ có nhiều nguyên nhân như đã nói ở trên. Trong thời điểm hiện tại, dự án chậm một phần thuộc về trách nhiệm của ban quản lý dự án cũng như lãnh đạo huyện Quế Phong trong việc đốc thúc đơn vị thi công triển khai công việc. Ban quản lý dự án mới thành lập đã hơn 2 tháng nhưng tỏ ra rất mơ hồ, nếu không muốn nói là thờ ơ trong việc thực hiện nhiệm vụ. Lẩn tránh trách nhiệm bằng cách đổ thừa cho việc chưa bàn giao thủ tục với người tiền nhiệm để rồi người dân phải mỏi cổ chờ đợi một dự án “rùa bò”.

 

 

Dự án quá chậm trễ với nhiều dấu hiệu bất thường là câu hỏi người dân địa phương yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An sớm làm rõ.

 

(Hữu Đức)

 

Kỳ 2: Dự án “rùa bò”: Cần sớm mổ xẻ những khuất tất


Xem thêm