Cần xử lý nghiêm những vi phạm trong đánh bắt hải sản
Nghệ An có 82km bờ biển, ngư trường khai thác nguồn lợi hải sản rộng lớn. Bà con ngư dân đánh bắt, khai thác chủ yếu là hai vùng lộng và khơi. Cả tỉnh có trên 4.000 tàu công suất dưới 20 sức ngựa đến trên 90 sức ngựa chuyên bám biển. Nghị định 123 của Chính phủ quy định về phân tuyến khai thác: tàu 20 sức ngựa khai thác cách bờ 6 hải lý; tàu 20 đến 90 sức ngựa khai thác cách bờ 20-24 hải lý; và tàu 90 sức ngựa trở lên khai thác trên 24 hải lý. Quy định này nhằm tránh tình trạng khai thác gần bờ, là nơi trú ẩn, sinh sôi của nhiều loài hải sản.
Cần xử lý nghiêm những vi phạm trong đánh bắt hải sản
|
Thực tế ở các vùng biển trong tỉnh, tình hình khai thác có nhiều diễn biến phức tạp, vi phạm các quy định của nhà nước. Đó là nghề lưới kéo dã đôi, nghề te của nhiều bà con ngư dân Diễn Châu, Nghi Lộc và Cửa Lò. Nguyên nhân do bà con không đủ phương tiện đánh bắt xa bờ nên dùng phương án đánh bắt này. Mặt khác, một số tàu thuyền làm nghề te ở phường Nghi Thuỷ, thị xã Cửa Lò còn sử dụng thuốc nổ để khai thác cá.
Nguồn tin từ Sở NN và PTNT cho biết: Trong 2 tháng đầu năm nay, tàu kiểm ngư thuộc Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An đã ra quân tuần tra, kiểm soát và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động khai thác thủy sản của các phương tiện tàu cá trên vùng biển Nghệ An. Trong đợt tuần tra, kiểm soát từ ngày 14/2 đến ngày 24/2/2011, đã phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của một số tàu đánh cá hoạt động trên vùng biển Quỳnh Lưu. Đa số các phương tiện vi phạm là của ngư dân Thanh Hóa làm nghề lưới kéo ven bờ, lắp máy 15 CV. Vào hồi 5h00 ngày 18/2/2011, lực lượng chức năng đã phát hiện các phương tiện TH-3774-TS của ông Mai Văn Thiết, TH-2440-TS của ông Mai Hưng Quy thường trú xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa tàng trữ và sử dụng kích điện để khai thác thủy sản; vi phạm khoản 6, điều 12 của Nghị định số 31 ngày 29/3/2010 của Chính phủ. Đội tàu kiểm ngư đã bàn giao các phương tiện vi phạm cho đồn Biên phòng 148 xử phạt mỗi phương tiện 4 triệu đống và tịch thu toàn bộ hệ thống kích điện và tang vật vi phạm.
Chưa hết, qua thông tin từ người dân về hiện tượng các phương tiện tàu cá Thanh Hóa vẫn tiếp tục sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản trên vùng biển Nghệ An, trong những ngày cuối tháng 2 vừa qua, Đội tàu Kiểm ngư lại tiếp tục truy quét các đối tượng vi phạm và đã phát hiện các đối tượng các phương tiện tàu cá sử dụng kích điện thường trú ở xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa và tàu cá NA-94658-TS của chủ tàu Trần Văn Hồng, sinh năm 1988, trú tại thôn Phú Lợi 2, xã Quỳnh Dị, huyện Quỳnh Lưu (Tàu mua của ông Lê Bá Long xóm Rồng, xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu chưa làm thủ tục sang tên, đổi chủ) do Trần Văn Kỷ, sinh năm 1988, thường trú tại thôn Phú Lợi 2, xã Quỳnh Dị, huyện Quỳnh Lưu có chứa 8 kg thuốc nổ công nghiệp, 80 kíp nổ và 6,5 mét dây cháy chậm. Đây là hành vi tàng trữ trái phép chất nổ, kíp nổ và dây cháy chậm trên tàu cá. Đối tượng vi phạm đã được chuyển hồ sơ cho đồn Biên Phòng 144 và Công an huyện Quỳnh Lưu xử lý. Một vài vụ việc vi phạm trên chứng tỏ: việc đánh bắt hải sản trên vùng biển Nghệ An rất lộn xộn, chưa được kiểm soát chặt chẽ!
Về hoạt động của mình, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản chủ yếu chỉ tập trung làm nhiệm vụ kiểm tra, đăng kí đăng kiểm của các tàu đánh cá, còn việc bảo vệ nguồn lợi hải sản, đánh bắt hải sản như thế nào thì chưa được quan tâm đúng mức. Đơn giản vì phương tiện tàu kiểm ngư của ngành là quá ít, hiện chỉ 2 chiếc; lực lượng kiểm ngư mỏng, chức năng nhiệm vụ bị phân chia.
Thực trạng khai thác, đánh bắt hải sản ở các vùng biển Nghệ An có thể nói diễn ra hết sức tuỳ tiện. Ngư dân mặc sức khai thác miễn sao là thu được sản phẩm. Chi cục nguồn lợi thuỷ sản cũng thừa nhận điều này, vì không thể nào có đủ phương tiện, con người để thường xuyên tổ chức kiểm tra suốt chiều dài 82km bờ biển.
Luật khai thác, đánh bắt hải sản còn quy định về hình thức lưới, mắt lưới đánh bắt, để những loài hải sản nhỏ tiếp tục sinh sôi, phát triển, tái tạo nguồn lợi. Luật cũng quy định, nghiêm cấm mọi hành vi đánh bắt hải sản bằng xung điện, thuốc nổ. Như vậy, nếu không có sự phối hợp với chính quyền các địa phương vùng biển, và tăng cường lực lượng, biện pháp kiểm tra ngư cụ đánh bắt trước khi ngư dân bám biển, e rằng, việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản của Chi cục nguồn lợi thuỷ sản Nghệ An không thể nào thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Thiết nghĩ, để bảo vệ, tái tạo nguồn lợi hải sản ở vùng biển Nghệ An, đảm bảo tiềm năng nguồn lợi kinh tế biển lâu dài, thì cần phải có ngay các biện pháp mạnh, xử lí nghiêm những vi phạm trong đánh bắt, đồng thời tuyên truyền sâu rộng tới bà con ngư dân làm nghề bám biển về những quy định của nhà nước, cụ thể là pháp luật khai thác, đánh bắt hải sản.
(Dương Cầm)