Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An: Cải cách hành chính để phát triển

18:10, 25/05/2011
Nhằm thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, công cuộc CCHC nhà nước ở Nghệ An đã và đang có sự đổi mới mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp và hiện đại hoá.

 

Công cuộc CCHC đã bắt đầu thực hiện từ nhiều năm trước nhằm hướng tới việc thay đổi trạng thái của cơ chế hành chính hiện hành, làm cho nó thay đổi phù hợp và đáp ứng với yêu cầu của thời kỳ phát triển mới của đất nước. Trong thời gian qua, nhất là giai đoạn 2006-2010, chương trình CCHC NN ở Nghệ An đã đạt nhiều kết quả đáng kể, có tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.

Xác định CCHC là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, lãnh đạo  tỉnh,  cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan đơn vị trong tỉnh đã quan tâm và có quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị đã có nhiều Chương trình, Đề án cụ thể nhằm đẩy mạnh CCHC. Quá trình triển khai công tác này cũng nhận được sự đồng tình, quan tâm, ủng hộ, giám sát của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Trong cải cách thể chế, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đã được nâng lên một bước. Công tác rà soát văn bản QPPL đã được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện. Quá trình rà soát đã phát hiện những nội dung không còn phù hợp qua đó đã có nhiều kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ những văn bản không còn hiệu lực thi hành.

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, số thủ tục hành chính có kiến nghị đơn giản hóa là 67,5%. Đặc biệt, việc thực hiện cơ chế một cửa đã góp phần làm minh bạch quy trình hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch của nhân dân, doanh nghiệp... Các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước đã được niêm yết công khai về thành phần hồ sơ, trình tự giải quyết, các quy định về thời gian giải quyết, các vấn đề về phí và lệ phí (nếu có) tại các cơ quan nhà nước các cấp. Nhìn chung, hiệu quả trong việc thực hiện cải cách thể chế là nhân dân, doanh nghiệp đã tiết kiệm được nhiều công sức, thời gian và tiền của trong giao dịch với cơ quan nhà nước. Cán bộ, công chức nhà nước đỡ mất thời gian vào công việc sự vụ; năng lực, kỹ năng hành chính được nâng lên.

Trong cải cách tổ chức bộ máy, thực hiện các Nghị định nêu trên tỉnh đã tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy một số cơ quan Nhà nước. Đã có nhiều điều chỉnh về chức năng quản lý nước của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh cũng như cấp huyện hoặc thành lập các tổ chức mới đáp ứng yêu cầu quản lý. Cùng với quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị đã được rà soát lại và quy định cụ thể, rõ ràng, đầy đủ hơn.

Sau khi tách thị trấn Thái Hoà cùng 7 xã phụ cận lập thành thị xã Thái Hoà, huyện Nghĩa Đàn được thành lập với 24 xã, quy mô diện tích trên 61.750 ha đất tự nhiên. Để nhanh chóng ổn định cơ cấu tổ chức, lãnh đạo nhân dân xây dựng địa phương giàu mạnh, vấn đề kiện toàn và chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, công chức và thực hiện cải cách hành chính là một trong những mục tiêu được Đảng bộ và chính quyền huyện đặt lên hàng đầu. Hoạt động này được thực hiện tốt không chỉ tránh ùn tắc công việc, tạo niềm tin trong nhân dân vào hoạt động của chính quyền mà còn góp phần không nhỏ vào sự ổn định xã hội, khai thác tiềm năng và lợi thế phát triển, đưa huyện nhanh chóng trở thành Trung tâm phát triển mới vùng Tây Bắc của tỉnh.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cả về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác cũng được nâng lên. Ngoài tăng cường đào tạo bồi dưỡng đội ngũ CB, CC, các chính sách thu hút lao động trình độ cao đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC ở địa phương. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng chương trình bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở, với phương châm cầm tay chỉ việc; các tài liệu nghiệp vụ từ huyện đến cở sở được cung cấp đẩy đủ, kịp thời. Trong thời gian qua, các địa phương đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, quản lý nhà nước, dân chủ cơ sở cho cán bộ công chức cấp xã. Nhờ vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã ngày càng được nâng lên.

Đối với cải cách tài chính công, thực hiện các quyết định, nghị định của Chính phủ trong tăng cường tính chủ động cho các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp trong việc sắp xếp tổ chức, biên chế, thực hành tiết kiệm và nâng cao thu nhập cho cán bộ công chức, năm 2002, UBND tỉnh Nghệ An đã tiến hành khoán thí điểm biên chế, kinh phí quản lý hành chính cho 4 ngành: Giao thông Vận tải, Xây dựng, Công nghiệp, Thương mại; 3 đơn vị cấp huyện: Hưng Nguyên, Anh Sơn và Thành phố Vinh. Đồng thời, tỉnh cũng thí điểm khoán quyền tự chủ về tài chính cho 3 xã: Thượng Sơn, Nam Anh và Quỳnh Đôi.

Sau khi sơ kết rút kinh nghiệm, năm 2004 Nghệ An đã tiếp tục mở rộng khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính cho 9 ngành, 33 đơn vị sự nghiệp và 33 xã. Quá trình thực hiện các Nghị định này, các cơ quan, đơn vị đã chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy và biên chế theo hướng tinh gọn. Xây dựng và triển khai thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, sử dụng lao động và kinh phí có hiệu quả, chống lãng phí, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức. Tỷ lệ kinh phí tiết kiệm được là 3,17%.

Trong những năm qua, ngành GD&ĐT đã triển khai thực hiện có kết quả công tác cải cách hành chính, trong đó tập trung cải cách thể chế và thủ tục hành chính và xem đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Ngành đã gắn nhiệm vụ chính trị với việc thực hiện chương trình cải cách hành chính tổng thể của Chính phủ, của tỉnh ở các giai đoạn. Kết quả bước đầu đã góp phần tích cực vào việc đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc thực hiện XHH giáo dục và đào tạo đã mang lại nhiều tác động tích cực trong lĩnh vực này. Thông qua công tác xã hội hóa đã huy động được các nguồn lực của xã hội đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các tổ chức, hoạt động của ngành, góp phần giảm gánh nặng cho các đơn vị sự nghiệp công lập và giảm chi phí ngân sách Nhà nước. Đồng thời, ngành giáo dục đã từng bước việc hoàn thiện cơ chế phân cấp, đảm bảo quản lý thống nhất về quy hoạch, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra. Nhờ vậy, đề cao được vai trò chủ động, tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực của từng cấp phòng, từng đơn vị, phát huy bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, phẩm chất của từng cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành.

Trong công tác CCHC, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan hành chính là 1 trong những mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, thúc đẩy cải cách hành chính theo hướng Chính phủ điện tử. Thời gian qua, Nghệ An đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Việc ứng dụng Công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước được bắt đầu bằng việc thực hiện Đề án 112 và đến cuối năm 2005 đã hoàn thành nối mạng LAN tại 46 sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Có thể nói việc ứng dụng ứng dụng công nghệ thông tin đã từng bước đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính...., trong xử lý quy trình công việc trong nội bộ cơ quan hành chính, trong giao dịch với các cơ quan hành chính khác và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trong hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính công.

Đối chiếu các công việc đã  thực hiện với hoạt động hiện tại của nền hành chính tỉnh cần phải khẳng định CCHC đã thu được nhiều kết quả tích cực. Các nội dung của Chương trình Tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001-2010 đã được triển khai toàn diện trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện CCHC vẫn còn những tồn tại như một số văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng ở các cấp chưa tuân thủ đúng quy định và tiến độ, nội dung ít phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn rườm rà, chồng chéo, khó khăn trong thực hiện. Một bộ phận cán bộ, công chức năng lực công tác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành chính, ngoại ngữ, tin học còn hạn chế; trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, đạo đức công vụ của một số cán bộ, công chức còn yếu. Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính tại một số cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp còn hạn chế; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách ở một số cơ quan, đơn vị kết quả thấp....

Tiếp nối mục tiêu của Chương trình Tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001-2010, công tác CCHC của tỉnh trong giai đoạn 2010-2020 hướng đến mục tiêu xây dựng một nền hành chính có tính chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất nhằm khơi dậy tiềm năng sẵn có đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ hội nhập.

Muốn thực hiện CCHC thành công theo định hướng của chính phủ, Nghệ An còn phải vượt qua nhiều thách thức, khó khăn với nhiều giải pháp thích hợp, trong đó việc thay đổi cơ chế vận hành bộ máy nhà nước có thể xem là then chốt. Những giải pháp tốt, phù hợp sẽ tạo ra một cơ chế vận hành mới, chất lượng vận hành của bộ máy chính quyền các cấp sẽ được nâng cao, từ đó tạo động lực đưa Nghệ An tiến nhanh trong quá trình đổi mới.

 

(Việt Anh)