Phân công thực hiện CCHC liên quan trực tiếp tới công dân, doanh nghiệp
Theo đó, Thủ tướng giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên rà soát các quy định, thủ tục hành chính đang là rào cản đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, địa phương theo các tiêu chí về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và tính hiệu quả; kịp thời sửa đổi, cụ thể các chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật gắn với việc giải quyết TTHC trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tạo khuôn khổ pháp lý công khai, minh bạch để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện…
Quyết định cũng nêu rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành, trong đó: Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các cơ quan nhà nước theo quy định hiện hành để đảm bảo việc thực hiện cải cách TTHC trong một số lĩnh vực liên quan đến người dân và doanh nghiệp; đồng thời huy động các nguồn lực quốc tế phục vụ việc cải cách hành chính, cải cách TTHC.
Bộ Tài chính có nhiệm vụ nghiên cứu các nội dung kiến nghị về lĩnh vực thuế, hải quan nêu tại Báo cáo số 378/BC-UBTVQH12 ngày 18/10/2010 của Ủy ban thường vụ Quốc hội để triển khai, áp dụng, đồng thời bố trí đủ và kịp thời kinh phí bảo đảm yêu cầu đẩy nhanh công tác cải cách hành chính, nhất là việc cải cách TTHC liên quan đến tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
Các bộ, ngành, địa phương định kỳ hàng quý (trước ngày 15 của tháng cuối quý) gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo đánh giá, kiểm điểm trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương mình trong việc thực hiện công tác cải cách TTHC đã được phân công để Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và xây dựng nội dung trong báo cáo công tác hàng năm của Chính phủ trước Quốc hội.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
(Nguồn: Chính phủ)