BHXH Nghệ An: CCHC vì an sinh xã hội
Từ việc thí điểm mô hình "Một cửa"
Đến BHXH huyện Yên Thành, điều đầu tiên thu hút sự chú ý của mọi người dân là Danh sách phân công cán bộ của bộ phận một cửa giải quyết các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được niêm yết công khai tại trung tâm giao dịch “Một cửa”. Nhìn vào bảng danh sách này, khách hàng sẽ biết cụ thể họ tên, chức vụ, số điện thoại, lĩnh vực công việc giải quyết của từng cán bộ được phân công phụ trách mà không cần phải hỏi bất kỳ ai. Vấn đề tưởng chừng như đơn giản đó đã làm cho người dân mỗi lần đến đây thực hiện các thủ tục hành chính xin hưởng chế độ, chính sách cho mình và người thân đều cảm thấy hài lòng.
Do yêu cầu công việc nên chị Lê Thị Anh - cán bộ của Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Yên Thành thường xuyên đến cơ quan BHXH để làm thủ tục cấp đối thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Từ khi bộ phận “Một cửa” ra đời, không bao giờ chị còn phải chờ đợi lâu hay đi lại nhiều lần nữa. Chị cho biết: “Có những trường hợp trẻ em chưa có thẻ bảo hiểm y tế nhưng bị ốm phải đi bệnh viện thì hồ sơ được kiểm tra, trình ký và cấp thẻ ngay để đảm bảo quyền lợi cho đối tượng...”
Là huyện thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, hoạt động kinh doanh, dịch vụ phát triển chậm nên việc triển khai thực hiện công tác BHXH, BHYT ở Yên Thành còn gặp không ít khó khăn. Xác định giải quyết chi trả các chế độ, chính sách một cách kịp thời, đầy đủ sẽ tạo niềm tin vững chắc cho người lao động, từ đó, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn, những năm qua, công tác cải cách hành chính đã được BHXH huyện Yên Thành triển khai nghiêm túc và hiệu quả. Chi bộ đã ban hành Nghị quyết chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” tại BHXH huyện; xây dựng quy trình tiếp nhận, luân chuyển và thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính; tổ chức tập huấn cho cán bộ trực tiếp làm công tác BHXH, bảo hiểm y tế của 364 cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn huyện. Với số lượng trên 160.000 người tham gia BHXH, BHYT, hàng tháng BHXH huyện Yên Thành phải giải quyết chi trả lương hưu và trợ cấp cho trên 7.000 người; chi khám chữa bệnh BHYT bình quân khoảng 8 tỷ đồng mỗi quý. Từ khi chính thức đi vào hoạt động đến nay, bộ phận “Một cửa” của BHXH huyện Yên Thành đã tiếp nhận và giải quyết 1.080 hồ sơ xin hưởng chế độ mà không có bất kỳ đơn thư khiếu nại nào.
Bà Hoàng Thị Chín - Giám đốc BHXH huyện Yên Thành khẳng định: Kết quả nổi bật nhất của công tác cải cách hành chính là đã giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng tham gia một cách đầy đủ, chính xác; nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức. Thời gian tới, cơ quan BHXH huyện sẽ tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương; Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức; Đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ chính sách BHXH, BHYT đến với mọi người lao động và nhân dân; Làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo...
Bộ phận “Một cửa” ở BHXH huyện Nghi Lộc |
Là một trong 3 đơn vị được chọn triển khai thực hiện thí điểm mô hình cải cách hành chính theo cơ chế “Một cửa”, BHXH huyện Nghi Lộc đã được BHXH Nghệ An hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu như: phòng làm việc, thiết bị, phương tiện làm việc cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính; phân công cán bộ có trách nhiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân; niêm yết công khai quy trình thủ tục hành chính tại nơi tiếp dân, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng cá nhân trong việc giải quyết chính sách nhằm chi trả đúng, kịp thời quyền lợi cho mọi đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Năm 2011, bộ phận “Một cửa” của BHXH Nghi Lộc đã tiếp nhận và giải quyết trên 5.000 hồ sơ; 4 tháng đầu năm 2012 giải quyết gần 7.500 hồ sơ. Thời gian giải quyết các chế độ BHXH, BHYT đều được rút ngắn hơn so với trước; chẳng hạn như thời gian cấp thẻ BHYT theo quy định là không quá 7 ngày, nhưng có những trường hợp không thể chờ lâu thì sẽ được các cán bộ ở đây giải quyết ngay trong ngày.
Ông Nguyễn Văn Kiện - Giám đốc BHXH huyện Nghi Lộc cho biết: BHXH huyện Nghi Lộc là đơn vị triển khai cải cách hành chính theo cơ chế “Một cửa” trước nên chưa có mô hình mẫu để học tập rút kinh nghiệm. Hiện nay, cái khó khăn nhất là chưa có đủ cơ sở vật chất và phương tiện làm việc tại bộ phận giao dịch “Một cửa”; cán bộ chưa qua tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về cải cách hành chính, nghiệp vụ giao tiếp ứng xử và phương pháp xử lý công việc. Đề nghị BHXH Nghệ An mở lớp bồi dưỡng công tác cải cách hành chính và tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận “một cửa”; trang bị thêm cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu công việc...
Hướng đến mục tiêu BHXH cho người lao động và BHYT toàn dân
Với nhiệm vụ chính là giải quyết chế độ, chính sách cho hơn 150.000 người tham gia BHXH bắt buộc và trên 1,7 triệu người tham gia BHYT, những năm qua BHXH Nghệ An luôn chú trọng đến công tác cải cách hành chính nhằm rút ngắn thời gian đi lại và chờ đợi của người dân, chi trả các chế độ kịp thời và chính xác. Hệ thống văn bản thuộc thẩm quyền quản lý, thực hiện của ngành BHXH thường xuyên được kiểm tra, rà soát để kiến nghị bổ sung, sửa đổi và đơn giản hóa; đảm bảo các thủ tục hành chính đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tham gia, thụ hưởng chính sách trên địa bàn.
Giao dịch tại bộ phận “Một cửa” ở cơ quan BHXH Nghệ An |
Một trong những yếu tố quan trọng, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính ở BHXH Nghệ An, đó là ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn và quản lý, điều hành. Đến nay, toàn ngành đã được kết nối mạng Internet, tạo điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi thông tin phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ. Trang thông tin điện tử BHXH tỉnh Nghệ An được xây dựng và đưa vào sử dụng nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu-chia sẻ-khai thác thông tin của các tổ chức, cá nhân về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Với phương châm “Chuyển đổi phong cách hành chính sang tác phong phục vụ”, BHXH Nghệ An là một trong những đơn vị bảo hiểm xã hội đầu tiên trên cả nước tiến hành chi trả qua ATM và chi trả tại nhà, đưa chính sách BHXH đến với các đối tượng là người lao động trong hộ kinh doanh cá thể.
Sau khi thực hiện thành công mô hình cải cách hành chính theo cơ chế “Một cửa” tại văn phòng tỉnh và áp dụng thí điểm tại TP Vinh, Nghi Lộc, Đô Lương; từ ngày 1/4/2012, tất cả các đơn vị BHXH cấp huyện đều đã triển khai mô hình “một cửa”; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân. Với nguyên tắc: đơn giản, rõ ràng, đúng pháp luật, các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành được công bố công khai tại trung tâm giao dịch một cửa và đăng tải trên Website của BHXH Nghệ An. Tất cả hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính về BHXH, BHYT của các tổ chức, cá nhân đều phải nộp và nhận kết quả tại bộ phận “một cửa”, những hồ sơ nào không tiếp nhận tại đây sẽ không được xem xét giải quyết. Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính của công chức, viên chức được tiến hành đúng thủ tục, kịp thời và đúng hẹn.
Trên thực tế, do khối lượng hồ sơ BHXH, BHYT nhiều, nhất là đối tượng lao động ngoại tỉnh đề nghị giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp một lần, trong khi biên chế của ngành còn thiếu nên việc giải quyết chế độ cho đối tượng có lúc, có nơi còn chậm. Sự phối hợp giữa BHXH với các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn có lúc còn chưa đồng bộ. Cơ sở vật chất của BHXH các huyện được xây dựng trước khi sát nhập BHYT và bảo hiểm nông dân nên còn chật hẹp. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác bảo hiểm xã hội của các cơ quan, đơn vị thường thay đổi nên không nắm bắt kịp thời các chế độ, chính sách mới đã phần nào gây khó khăn trong việc hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ giải quyết chế độ chính sách cho người lao động.
Qua việc kiểm tra thực hiện cải cách hành chính tại BHXH Nghệ An, Đoàn công tác liên ngành đã ghi nhận sự nỗ lực và những kết quả mà Bảo hiểm xã hội Nghệ An đạt được trên các lĩnh vực: cải cách thể chế, cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đồng thời, chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà BHXH Nghệ An cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới để thực hiện tốt mục tiêu của ngành đã đề ra; đó là: đồng hành cùng doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội.
Về những giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính tại BHXH Nghệ An, ông Lê Trường Giang - Phó Giám đốc BHXH Nghệ An cho biết: Trong thời gian tới, BHXH Nghệ An sẽ thường xuyên cải tiến hồ sơ, quy trình tác nghiệp, đảm bảo đơn giản, thuận tiện; Khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, thu đúng, thu đủ; Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 32 của TTCP “về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và danh nghiệp”; Thường xuyên giáo dục ý thức, tinh thần thái độ phục vụ của CBCCVC để giải quyết kịp thời, đúng chế độ; rà soát cắt giảm bớt và kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ các loại giấy tờ không cần thiết, tiết kiệm thời gian, tài chính cho đối tượng khi đến giải quyết chế độ BHXH, BHYT nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định của ngành và quy định của pháp luật...
BHXH là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước mang tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, nhằm bảo đảm đời sống cho mỗi người lao động và mọi người dân. Những nỗ lực của BHXH trong việc triển khai công tác cải cách hành chính thời gian qua đã thực sự phát huy hiệu quả để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn của ngành, phát triển nhanh số người tham gia BHXH, BHYT, giải quyết kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho đối tượng thụ hưởng; từng bước tiến tới mục tiêu BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân; góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc.
(Kim Thoa)