Nhìn lại 5 năm thi thành Luật công chứng ở Nghệ An
Hiệu quả của XHH hoạt động công chứng.
Giải thích và tư vấn pháp luật cho người dân trước khi tiến hành làm thủ tục công chứng, đó là công việc bình thường mỗi ngày của công chứng viên Văn phòng công chứng Trung tâm. Khi người dân đến đây để yêu cầu công chứng Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất hay làm thủ tục mở di chúc, chia thừa kế... không chỉ được giải quyết kịp thời, nhanh chóng mà còn được công chứng viên tuyên truyền những quy định của văn bản pháp luật có liên quan, từ đó, nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân. Từ khi thành lập vào ngày 1/2/2010 đến nay, Văn phòng công chứng Trung tâm đã tiến hành công chứng trên 2.600 hợp đồng, giao dịch các loại. Với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại và phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, văn phòng công chứng trung tâm đã thực sự tạo niềm tin cho nhân dân. Ông Nguyễn Đình Hòe -Trưởng Văn phòng công chứng Trung tâm cho biết: Sự ra đời của Văn phòng công chứng đã mở ra hành lang pháp lý cho mỗi người dân, tổ chức, pháp nhân trong giao dịch dân sự. Trong quá trình thực hiện Luật Công chứng và thực tiễn hoạt động Văn phòng Công chứng có nhiều thuận lợi. Trước đây, cả tỉnh chỉ có một Phòng Công chứng, người dân muốn đến cơ quan nhà nước để thực hiện ý chí, nguyện vọng của mình trong giao dịch dân sự phải đến Sở Tư pháp, mà đến đó thì phải xếp hàng... Một số chức năng giao cho phường, xã thì không hội tụ đủ điều kiện về pháp lý để thực hiện. Hiện nay, mở các Văn phòng Công chứng thì các văn phòng đã có trình độ nghề nghiệp nhất định để thực hiện các quyền, nghĩa vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho dân...
Nhân viên Văn phòng Công chứng Hồng Sơn hướng dẫn khách hàng làm thủ tục công chứng |
Mô hình Văn phòng công chứng đă có từ rất lâu trên thế giới, c̣òn ở Việt Nam, Văn phòng công chứng chỉ xuất hiện sau khi Luật Công chứng có hiệu lực thi hành. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thừa nhận một mô h́ình Văn phòng công chứng, tồn tại song song bên cạnh Phòng công chứng nhà nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 24 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó, ngoài 2 phòng công chứng mà người dân vẫn quen gọi là “công chứng nhà nước” còn có 22 văn phòng công chứng. Với sự ra đời của Luật Công chứng, hoạt động công chứng ở Nghệ An trong thời gian qua đã có những bước phát triển, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước; khẳng định ngày càng rõ hơn vai trò, vị trí quan trọng của công chứng trong đời sống xã hội; đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về công chứng của nhân dân; đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch; góp phần phòng ngừa những tranh chấp và vi phạm pháp luật có thể xảy ra. Các Văn phòng công chứng được thành lập đã tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động công chứng. Tùy thuộc vào nhu cầu của mình, người dân có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc chứng nhận các hợp đồng. giao dịch...
Nằm ở trung tâm thành phố Vinh, Văn phòng công chứng Hồng Sơn có lợi thế về vị trí thuận tiện, dễ tìm để thu hút nhiều người dân đến làm thủ tục công chứng. Các nhân viên nghiệp vụ của văn phòng đều có trình độ cử nhân Luật, tận tình hướng dẫn cho người dân về những giấy tờ cần thiết khi công chứng. Các danh mục, quy định hồ sơ yêu cầu và mức thu phí công chứng đều được niêm yết công khai, minh bạch để khách hàng có thể biết và thực hiện giao dịch dễ dàng… Từ ngày 13/10/2010 đến ngày 1/7/2012, văn phòng công chứng Hồng Sơn đã công chứng 2.336 hợp đồng, giao dịch với tổng số phí thu được trên 1,6 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 73 triệu đồng. Ông Đặng Văn Việt- Trưởng Văn phòng công chứng Hồng Sơn khẳng định: Từ khi Luật Công chứng ra đời, người dân được hưởng các chính sách thông thoáng của nhà nước, các văn phòng được cơ quan Đảng, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để hoạt động... Thuận lợi nữa là tạo được việc làm cho một số sinh viên mới ra trường...
Ông Việt cũng cho biết: Khó khăn của hoạt động công chứng là người dân hiểu về công chứng còn ít lắm. Ví dụ: họ hiểu Công chứng tư cũng như trường tư thục, không có giá trị lắm... Hay một số ngân hàng chỉ đạo phải đến Văn phòng Công chứng nhà nước để Công chứng chứ không được đến Văn phòng Công chứng tư cho nên không tạo điều kiện cho các Văn phòng Công chứng tư hoạt động tốt. Bên cạnh đó, do nhận thức pháp luật của dân còn hạn chế, cho nên nghĩ đến Công chứng là phức tạp, khó khăn nên họ không đến. Mới đây, nhất là quy định về công chứng hợp đồng mua bán xe máy đòi hỏi thủ tục rất phức tạp, trước đây làm ở phường xã chỉ lên đóng dấu chứng nhận là xong, nhưng đến Văn phòng Công chứng đòi hỏi phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh nhân thân và tài sản, làm như vậy người dân lại nghĩ là văn phòng công chứng phiền hà...
Những vấn đề đặt ra.
Một trong những khó khăn của các văn phòng công chứng tại thời điểm hiện nay, đó là khi các giao dịch về nhà đất, vay vốn, thế chấp tài sản giảm xuống thì số lượng công việc của các văn phòng công chứng đều ít hơn so với trước. Bên cạnh đó, mặc dù các văn phòng công chứng đều có cơ sở vật chất khang trang, thái độ phục vụ của công chứng viên tận tình, chu đáo, thủ tục nhanh gọn nhưng không ít người dân vẫn cho rằng “công chứng Nhà nước” có giá trị hơn, nhất là chứng nhận các giấy tờ giao dịch liên quan nhà đất và ngân hàng. Tâm lý này dường như đã “ăn sâu” trong ý thức mọi người. Hệ thống các tổ chức hành nghề công chứng vẫn còn thiếu sự liên kết thông qua mạng nội bộ để chia sẻ thông tin, do đó, không có cơ sơ dữ liệu chung để kiểm soát thực trạng các hợp đồng; dẫn đến tình trạng một căn nhà bán cho hai người, mang đi công chứng hợp đồng ở hai văn phòng công chứng khác nhau; hay một tài sản đem thế chấp, bảo lãnh ở nhiều nơi, nhiều người...
Ông Đặng Văn Việt - Trưởng Văn phòng công chứng Hồng Sơn cho biết: Về công chứng thế chấp, mua bán đất đai thì các Văn phòng công chứng và bộ phận “một cửa” không có thông tin liên lạc với nhau. Ví dụ: người ta mua bán một mảnh đất thì mình không biết tra cứu thông tin ở đâu, mà coi trên bìa đất thì bằng mắt thường có khi không phát hiện được, máy móc thì không có nên rất dễ dẫn đến sai sót...
Việc xã hội hóa hoạt động công chứng đã thực sự nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Tuy nhiên trong quá trình hình thành và phát triển hệ thống Văn phòng Công chứng đã tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Sự tăng nhanh về số lượng các Văn phòng công chứng đã dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh. Để thu hút khách hàng, nhiều văn phòng công chứng đã tiến hành các giao dịch ngoài trụ sở, dễ dãi trong thẩm định hồ sơ hay chi hoa hồng, chiết khấu cho khách hàng...
Trong quá trình tìm hiểu và thu thập thông tin về hoạt động của các văn phòng công chứng, chúng tôi đã được “tiếp cận” với Công văn chỉ đạo của một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn thành phố Vinh, gửi Trưởng phòng kế hoạch kinh doanh và giám đốc các phòng giao dịch. Công văn giao trách nhiệm cho tất cả các cán bộ tín dụng khi thực hiện cho vay vốn có thế chấp bằng tài sản đối với khách hàng phải thực hiện tại một Văn phòng công chứng đã được chỉ định. Nếu hợp đồng công chứng tại văn phòng công chứng khác thì nhất thiết không được phê duyệt cho vay. Đổi lại, văn phòng công chứng đó có trách nhiệm “thanh toán trực tiếp 50% hoa hồng cho cán bộ tín dụng để phụ thêm xăng xe, phần còn lại thanh toán hàng tháng hoặc hàng quý theo thỏa thuận”!
Ông Nguyễn Đình Hòe – Trưởng Văn phòng công chứng trung tâm cho rằng: Là cơ quan công chứng thì thực hiện theo Luật. Hiện nay, nhiều Văn phòng công chứng mở ra thì có thuận lợi nhưng cũng có cạnh tranh nhất định. Một số cơ quan giao dịch, cá nhân, ví dụ các ngân hàng có yêu cầu sách nhiễu trích thưởng. Chính cái này kéo theo các tổ chức, cơ quan công chứng, nếu chỉ theo thị trường thì sai lệch hồ sơ, dẫn đến sai phạm. Ở TP Vinh có hiện tượng này. Khách hàng nào yêu cầu như thế chúng tôi không làm vì đây là cơ quan nhà nước, cơ quan pháp luật. Tổ chức công chứng là cái cân, trọng tài đại diện cho hai bên tại sao lại bắt chia sẻ quyền lợi và làm sai luật như thế.
Thời gian qua, hoạt động của các Văn phòng Công chứng theo Luật công chứng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, đó là thiếu các cơ sở pháp lý để xử lý những vấn đề mới phát sinh của văn phòng, chưa có quy định cụ thể cho việc chuyển đổi mô hình văn phòng công chứng một công chứng viên sang mô hình văn phòng công chứng có từ hai công chứng viên trở lên. Tại các văn phòng công chứng, bên cạnh một số Công chứng viên đã có kinh nghiệm thì vẫn còn một số công chứng viên thiếu kinh nghiệm về nghề. Sự thiếu kinh nghiệm đó bắt nguồn từ điều kiện bổ nhiệm Công chứng viên được quy định khá mở trong Luật Công chứng. Cụ thể là những người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, tiến sỹ luật, luật sư đã hành nghề ba năm trở lên… được miễn đào tạo nghề công chứng và miễn tập sự nghề công chứng. Quy định này khiến những người nêu trên thiếu đi một số kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết khi hành nghề công chứng.
Ngày 04/11/2009, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 5791, phê duyệt đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo Đề án này, dự kiến đến hết năm 2012 trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ có tối đa 90 tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quy hoạch phát triển các văn phòng công chứng theo đề án có nơi vượt quá số lượng, có nơi lại chưa có hoặc không đủ số lượng như đề án đã ban hành… Đến nay, các huyện miền núi chưa phát triển được văn phòng công chứng nào. Vì thế, đã xảy ra tình trạng một số văn phòng công chứng đã có những hình thức cạnh tranh, thu hút khách hàng không phù hợp với nghề nghiệp, làm giảm đi lòng tin của người dân đối với mô hình văn phòng công chứng, làm xấu đi hình ảnh của Công chứng viên trong xã hội. Trong quá trình hoạt động các công chứng viên đang hành nghề ở Việt Nam chưa có được bản quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, nên sẽ khó có thể nói là công chứng viên nào đó có vi phạm đạo đức hành nghề công chứng mà chỉ chính công chứng viên đó mới xác định chính xác rằng họ có đạo đức khi hành nghề hay không.
Mặc dù c̣òn nhiều khó khăn trong tổ chức, hoạt động, song các Văn phòng công chứng đã tạo môi trường pháp lý cho các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại phát triển; góp phần mở rộng dân chủ, tạo điều kiện để người dân bước đầu hình thành ý thức, thói quen sử dụng các công cụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình trong cuộc sống hằng ngày. Để các tổ chức công chứng hành nghề đúng pháp luật, nâng cao uy tín và chất lượng dịch vụ, chính quyền các cấp và ngành tư pháp cần tăng cường hơn nữa hoạt động quản lý nhà nước; có sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thường xuyên về mặt nghiệp vụ công chứng; nâng cao trách nhiệm và thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định hồ sơ thành lập văn phòng công chứng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành và nhân dân thực hiện tốt các quy định của Luật Công chứng, góp phần làm lành mạnh các quan hệ giao dịch và ổn định xã hội.
(Trung Thảo - Kim Thoa)