Nghệ An xây dựng chính quyền điện tử
Tại Nghệ An, trong những năm qua, việc phát triển hạ tầng viễn thông, Internet và ứng dụng công nghệ thông tin đã có những bước tiến vượt bậc. Hệ thống mạng và dịch vụ viễn thông phát triển mạnh, không chỉ ở thành phố mà còn vươn rộng ra các vùng nông thôn, miền núi. Đến cuối năm 2012, đã có trên 2.300 trạm BTS hoạt động, cáp quang đến 100% trung tâm huyện, bưu cục 3. Mật độ thuê bao điện thoại đến tháng 6/2013 đạt trên 147 thuê bao/100 dân. Thuê bao internet tăng nhanh. 100% đơn vị có mạng LAN, 100% cơ quan nhà nước có kết nối diện rộng (WAN) và internet.
Hiện, ở Nghệ An, 100% đơn vị có mạng LAN, 100% cơ quan nhà nước có kết nối diện rộng (WAN) và internet |
Các điều kiện tối thiểu cho hoạt động của chính quyền điện tử đã được hình thành với hệ thống giao ban trực tuyến được triển khai kết nối 24 điểm từ tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở thông tin-truyền thông, Cục thuế đến tất cả UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Hệ thống Cổng thông tin điện tử vận hành liên tục với 1 cổng cấp 1 và 58 cổng cấp hai, lượt truy cấp đạt trên 4000 lượt/ngày.
Hiện tại, cổng đã cung cấp 1467 dịch vụ công cấp 1 và 2, trong đó có 1107 dịch vụ công cấp tỉnh, 229 dịch vụ công cấp huyện, 131 dịch vụ công cấp xã cho người dân và doanh nghiệp, tạo lập được hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng cung cấp 21 dịch vụ công cấp 3, góp phần minh bạch các thủ tục hành chính của các cơ quan đơn vị.
Hệ thống thư điện tử công vụ hoạt động khá hiệu quả; đến nay, đã có 27 tên miền hộp thư, 298 nhóm thư và trên 6.700 tài khoản được kích hoạt và sử dụng. Các trung tâm giao dịch một cửa được hiện đại hóa với hệ thống một cửa liên thông điện tử được triển khai thành công tại Sở KH-ĐT, Cục thuế, công an và kho bạc. Các bệnh viện, trường học đã từng bước được kết nối Internet băng thông rộng và trang bị các phần mềm ứng dụng chuyên ngành. Trình độ tin học của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước ngày càng được nâng cao. Nghệ An cũng đã có một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ phần cứng, phần mềm, công nghiệp nội dung số...
Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT của Nghệ An đứng thứ 7 trong cả nước |
Với những kết quả đạt được, chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của Nghệ An liên tục tăng, năm 2013 đạt vị trí thứ 7 so với 63 tỉnh thành trong cả nước.
Mặc dù đã có hạ tầng công nghệ thông tin tốt và các điều kiện tối thiểu cho hoạt động của chính quyền điện tử, tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng do thiếu nhiều yếu tố, lĩnh vực hành chính công chưa phát huy hết hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc, điển hình như vấn đề cung cấp thông tin và sự tương tác hai chiều chưa thực sự đem lại hiệu quả cho cả lãnh đạo tỉnh và người dân. Vấn đề thủ tục hành chính đang là vấn đề người dân, doanh nghiệp than phiền và tạo nên những bức xúc trong xã hội.
Để đạt được mục tiêu xây dựng tỉnh Nghệ An trở thành Trung tâm công nghệ thông tin của vùng Bắc Trung Bộ theo Nghị quyết số 26 ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị và tiến tới xây dựng một chính quyền Nghệ An điện tử với sự vận hành, trao đổi thông tin thông suốt giữa các cơ quan nhà nước, giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, với công dân thì việc ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin trong các đơn vị, địa phương còn rất nhiều khó khăn. Những yêu cầu này đòi hỏi tỉnh phải có một kiến trúc tổng thể, phải có một lộ trình đầu tư phát triển hạ tầng, ứng dụng phù hợp và có nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Chính vì vậy sự tìm kiếm hợp tác giữa Nhà nước với một doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin là một giải pháp tỉnh Nghệ An hướng đến và FPT là một lựa chọn đúng đắn.
UBND tỉnh Nghệ An và Tập đoàn FPT ký kết hợp tác xây dựng chính quyền điện tử |
Đề án Chính quyền điện tử tỉnh Nghệ An xác định mục đích: giúp tỉnh thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính; thể hiện ý chí, quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc tiến tới nền hành chính minh bạch, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, phục vụ người dân và doanh nghiệp; làm cơ sở để xác định mô hình, kiến trúc xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh, xác định các nội dung, hạng mục đầu tư, bố trí và thu hút mọi nguồn lực, lộ trình để xây dựng thành công Chính quyền điện tử và đưa Nghệ An trở thành tỉnh dẫn đầu về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.
Nội dung của đề án bao gồm xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu; hoàn thiện mạng diện rộng đến cấp phường, xã; hoàn thiện kênh giao tiếp nội bộ; mở rộng các kênh giao tiếp với người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khối chính quyền, đoàn thể và các cơ quan khối Đảng…
Việc xây dựng chính quyền điện tử theo đề án sẽ giúp tiết kiệm chi phí vận hành dịch vụ công, chi phí đi lại, hội họp và một chính quyền điện tử mạnh sẽ giúp hạn chế được tối đa sự nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.
Theo nội dung ký kết hợp tác chiến lược giữa Nghệ An và FPT, tỉnh Nghệ An sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Cổ phần FPT khảo sát, nghiên cứu và tìm hiểu thực trạng về nghiệp vụ, nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ trên địa bàn Nghệ An; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực hợp tác với FPT; ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Cổ phần FPT được tham gia thực hiện các dự án đáp ứng nhu cầu về phát triển công nghệ thông tin - viễn thông cũng như nhu cầu ứng dụng khoa học công nghệ khác vào công tác quản lý, điều hành.
Công ty Cổ phần FPT ưu tiên áp dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến nhất, phù hợp với thực tiễn để đầu tư vào tỉnh Nghệ An; hỗ trợ tỉnh Nghệ An xây dựng Đề án tổng thể về hệ thống Chính quyền điện tử; cam kết cung cấp các nguồn lực, trí tuệ và kinh nghiệm tốt nhất trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông để xây dựng Đề án tổng thể hoàn thành đảm bảo chất lượng kỹ thuật và tiến độ.
Thông thường, việc xây dựng chính quyền điện tử cho một tỉnh cần khoảng thời gian 5 năm, nhưng Nghệ An theo đề án chỉ xây dựng trong 3 năm từ 2013 đến 2015. Vì vậy, để đạt được mục tiêu đã đặt ra, ngoài sự hỗ trợ, hợp tác của doanh nghiệp có kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử thì lãnh đạo tỉnh cũng như các cán bộ, công chức phải đặt quyết tâm chính trị rất cao về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm để cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền minh bạch, hiệu quả.
Việc hợp tác với tập đoàn FPT trong ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống chính quyền điện tử là một bước đi đúng đắn, kịp thời, thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo Nghệ An trong cải cách thủ tục hành chính - một trong những rào cản của quá trình phát triển KT-XH địa phương. Xây dựng chính quyền điện tử thành công sẽ là động lực thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển, tạo tiền đề đưa Nghệ An trở thành Trung tâm công nghệ thông tin của vùng Bắc Trung Bộ theo Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị.
(Hương Giang)