Thủ tướng đốc thúc quyết liệt CCHC
Thủ tướng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh điều này tại buổi làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH) sáng 31/3.
Các Phó Thủ tướng: Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ, ngành hữu quan tham dự cuộc họp.
Nhấn mạnh CCHC là một trong những trọng tâm công tác của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực cố gắng phấn đấu của các bộ, ngành trong quán triệt, nghiêm túc chấp hành, đề cao tinh thần trách nhiệm trong triển khai thực hiện Nghị quyết 19; cho rằng qua thực hiện Nghị quyết, công tác CCTTHC trong lĩnh vực thuế, BHXH đã đạt được những kết quả tích cực, có thể đo đếm được bằng những con số cụ thể, góp phần thiết thực vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc của xã hội, của người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cũng như tăng cường và củng cố lòng tin của người dân, doanh nghiệp đối với các cơ chế, chính sách, đối với bộ máy công quyền, đồng thời cũng góp phần thiết thực trong công tác phòng chống nhũng nhiễu, tiêu cực.
“Chúng ta phải thấy được hết ý nghĩa công cuộc cải cách này. Chính phủ cũng đặt ra đây là một trọng tâm trong công tác điều hành. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ, cải cách thể chế, CCHC trong đó có TTHC, là một khâu đột phá. Việc chúng ta đang làm không có gì mới, vẫn là quán triệt Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa thêm và quyết tâm thực hiện. Do đó, phải coi đây là một trọng tâm công tác, phải quyết tâm cho tới từng cán bộ, công chức, hết sức làm với tinh thần phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nhấn mạnh phải coi CCHC là một trọng tâm công tác. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Vấn đề là khâu tổ chức thực hiện
Theo Thủ tướng, vấn đề đặt ra trong công tác CCHC là ở khâu tổ chức thực hiện; phải thực hiện quyết liệt, triệt để; phát huy cao độ ý thức phục vụ, tinh thần trách nhiệm để quyết tâm làm. “Cá nhân nào không đáp ứng được yêu cầu này thì đưa ra khỏi bộ máy, tuyển người khác có đủ năng lực, điều kiện vào làm”.
Thủ tướng yêu cầu, phải quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết 19 đặt ra, trong đó có các chỉ tiêu cụ thể về CCTTHC trong lĩnh vực thuế và BHXH.
“Thuế, bảo hiểm xã hội phải giảm mạnh. Lĩnh vực thuế năm 2015 không chỉ giảm xuống 171 giờ mà phải phấn đấu giảm sâu hơn nữa, bởi các nước ASEAN-6 đã tiến lên rất nhiều rồi. Tương tự, bảo hiểm xã hội cũng phải giảm sâu hơn nữa. Chúng ta nói hoàn toàn không phải lạc quan tếu mà chúng ta thấy các mục tiêu đưa ra là khả thi; không phải đầu tư gì lớn mà chỉ đòi hỏi trách nhiệm và nỗ lực, phải thực hiện cho bằng được các mục tiêu, vì đất nước, vì nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ nhận thức rõ ý nghĩa của CCTTHC, các bộ, ngành phải có hành động cụ thể, việc làm cụ thể, đưa ra những quy trình, quy chế cụ thể. Phải đổi mới cách thức làm việc, không nói theo kiểu chung chung như “đã tiến lên một bước”, “có cải thiện hơn”, “được đẩy mạnh”, “được tăng cường”… Vấn đề đặt ra là phải nói cụ thể được bao nhiêu, được cái gì; chẳng hạn như ví dụ cuối năm nay thuế, bảo hiểm đã cải cách được bao nhiêu nhóm thủ tục, giảm được bao nhiêu giờ, so với mục tiêu đề ra cụ thể như thế nào.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng quy trình, quy chế cụ thể. Thủ tướng đưa ra ví dụ, “nói quy trình nộp thuế, hoàn thiện quy trình nộp thuế chỉ mấy bước thôi; nếu có quy trình này rồi, cán bộ nào nhũng nhiễu đặt thêm là phải xử lý ngay”.
Một việc giao cho 1 cơ quan chủ trì
Với tinh thần quyết liệt, đồng bộ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, để thực hiện nhiệm vụ chung liên quan đến CCTTHC, trong đó có CCTTHC về thuế, BHXH, nguyên tắc một việc giao cho một cơ quan chủ trì, nhưng không phải là tách rời mà phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan liên quan.
Cơ quan chủ trì phải đưa ra yêu cầu, đưa ra đầu bài cải cách đối với các bộ, cơ quan khác. Ví dụ, Bộ Tài chính chủ trì trong thực hiện CCHC về thuế, hải quan, bảo hiểm thì đưa ra yêu cầu đối với các bộ, ngành liên quan phối hợp làm theo yêu cầu của Nghị quyết 19; phải kết nối, phải phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ chung. Nếu không thỏa thuận được, yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời xử lý.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trong cải cách, cần tiếp tục rà soát văn bản pháp quy (luật, nghị định, thông tư, quyết định), các quy định, quy trình, quy chế có tính chất văn bản pháp quy để qua đó cắt giảm, loại bỏ những quy định không còn phù hợp, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cải cách phải bằng tất cả tấm lòng và tinh thần phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp làm ăn, phát triển.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý Nhà nước, hiện đại hóa nền hành chính theo hướng thuê dịch vụ và tập trung cho xây dựng Chính phủ điện tử; đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo để sớm có Báo cáo chuyên đề về tiến độ thực hiện Chính phủ điện tử.
Thủ tướng cũng lưu ý thực hiện cải cách, quản lý thông thoáng nhưng cũng phải làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, biểu dương, khen thưởng và xử lý nghiêm những sai phạm. Tuy nhiên, thanh tra, kiểm tra cũng phải đơn giản hóa, nhưng vẫn phải bảo đảm quản lý chặt chẽ. Phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể trong hoạt động giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật.
Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT, các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm tuyên truyền sâu rộng và hiệu quả hơn nữa công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng vừa để mọi người dân, doanh nghiệp biết chủ trương, chính sách, quy định, đồng thời chỉ rõ nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt để biểu dương, khen thưởng cũng như khắc phục, xử lý kịp thời những hạn chế vướng mắc còn tồn tại.
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phấn đấu rút số giờ hoàn thành thủ tục nộp thuế còn 171 giờ trong năm 2015
Theo Báo cáo của Bộ Tài chính tại cuộc họp, để đạt được mục tiêu Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt ra về rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp thuế của doanh nghiệp còn 171 giờ thì cơ quan thuế phải giảm được 415,5 giờ, còn 121,5 giờ và cơ quan BHXH phải giảm được 285,5 giờ còn 49,5 giờ.
Bộ Tài chính đã thực hiện đồng bộ các giải pháp làm giảm số giờ tuân thủ thuế của doanh nghiệp. Trong đó, đã làm việc với một số tổ chức quốc tế trong việc khảo sát, đánh giá thời gian kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp Việt Nam để xác định số giờ kê khai nộp thuế chênh lệch giữa Việt Nam với các nước ASEAN-6; trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật Thuế và Luật Quản lý thuế, trong đó sửa đổi, bổ sung về các loại thuế có tác động làm giảm số giờ nộp thuế cho người nộp thuế.
Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 1/10/2014 sửa đổi, sung một số điều tại 04 Nghị định quy định về thuế và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2014, trong đó có sửa đổi, bổ sung về các loại thuế có tác động làm giảm số giờ nộp thuế; ban hành Thông tư 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 sửa đổi, bổ sung 7 Thông tư của Bộ Tài chính, những nội dung sửa đổi, bổ sung tại Thông tư đã có tác động tích cực làm giảm số giờ nộp thuế cho người nộp thuế (tổng số giờ nộp thuế giảm được khi thực hiện các giải pháp của Thông tư 119 là 201,5 giờ).
Tính chung đến thời điểm 1/1/2015, sau khi thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, số giờ tuân thủ về thuế giảm được 369,86 giờ/năm (làm tròn là 370 giờ/năm). Với kết quả đã đạt được, năm 2015, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát để cắt giảm 45,5 giờ, để đạt được mục tiêu 171 giờ trong năm 2015 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
BHXH: Giảm số giờ thực hiện thủ tục xuống còn 49,5 giờ
Về cải CCHC trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, trong năm 2014, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật BHYT và Luật BHXH sửa đổi. Đề xuất đưa vào Luật BHXH nhiều nội dung cắt giảm thủ tục hành chính, giảm hồ sơ, biểu mẫu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục… Đồng thời đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam về CCTTHC; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các thủ tục hành chính về BHXH; chủ động trong công tác thông tin truyền thông…
BHXH khẳng định quyết tâm mạnh mẽ phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ giảm được số giờ thực hiện thủ tục xuống còn 49,5 giờ, bằng mức bình quân của các nước ASEAN-6 thông qua thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm số giờ do CCTTHC; giảm giờ do ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện giao dịch điện tử.
(Theo VGP)