Chia sẻ một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi Luật Công an nhân dân năm 2018, trên báo QĐND, Đại tá Trần Nguyên Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính - tư pháp (Bộ Công an), thành viên tổ soạn thảo dự án luật cho biết: Qua tổng kết thi hành Luật Công an nhân dân năm 2018, thực tiễn thực hiện nhiệm vụ cho thấy, Luật Công an nhân dân đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Việc sửa đổi luật lần này tập trung vào quy định về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn, cấp bậc hàm của chức vụ, chức danh trong Công an nhân dân.
Đồng thời, dự thảo kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục khó khăn, vướng mắc để đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác
Dự thảo luật gồm 2 Điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định sĩ quan Công an nhân dân được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác. Trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định.
Đồng thời, dự thảo luật cũng bổ sung quy định: Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác.
Việc bổ sung nội dung này nhằm xác định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác để làm căn cứ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định thăng cấp bậc hàm cấp tướng theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Công an nhân dân.
7 vị trí mang hàm Thượng tướng Công an nhân dân
Đáng chú ý, dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi quy định 7 vị trí mang hàm Thượng tướng bao gồm:
- Thứ trưởng Bộ Công an, số lượng không quá 6;
- Sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Như vậy, dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi đã đề xuất bổ sung thêm 1 vị trí mang hàm Thượng tướng trong Công an nhân dân là sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Căn cứ đề nghị sửa đổi, bổ sung, theo Bộ Công an, hiện nay, Bộ Công an có một đồng chí Thứ trưởng biệt phái được phê chuẩn chức vụ này.
Theo đó, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 25 theo hướng: Sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có cấp bậc hàm Thượng tướng.
Sĩ quan Công an biệt phái đảm nhận chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có vị trí tương đương với Bộ trưởng
Tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, cho ý kiến về quy định trần cao nhất là Thượng tướng đối với sĩ quan Công an biệt phái đảm nhận chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ vị trí này trong xếp hạng phân loại về chức danh, chức vụ trong hệ thống chính trị tương đương với Bộ trưởng và do Ủy viên Trung ương Đảng đảm nhiệm chức vụ, nhằm bảo đảm đầy đủ hơn, tương xứng với vị trí chức vụ này.
Nói thêm về nội dung này, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, lần đầu tiên lực lượng Công an nhân dân có cán bộ biệt phái giữ chức vụ này nên đã đề xuất bổ sung thêm trường hợp này trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân để bảo đảm hoàn chỉnh.
Bổ sung 5 vị trí mang hàm Thiếu tướng Công an nhân dân
Dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi cũng đề xuất bổ sung 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm d khoản 1 Điều 25 theo hướng quy định từ 157 vị trí lên 162 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng.
5 vị trí được đề xuất bổ sung gồm:
- Hiệu trưởng trường Đại học Cảnh sát nhân dân và Hiệu trưởng trường Đại học An ninh nhân dân, bảo đảm tương ứng với cấp bậc hàm của hiệu trưởng các trường đại học trong Công an nhân dân;
- 1 đồng chí trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an;
- 2 vị trí Phó cục trưởng và tương đương của 2 đơn vị trực thuộc Bộ Công an, trừ đơn vị có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 25.
Nói về cơ sở thực tiễn của đề xuất trên, Đại tá Trần Nguyên Quân nêu rõ: Hiện nay, Luật Công an nhân dân mới chỉ quy định cụ thể 199 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng (1 Đại tướng, 6 Thượng tướng, 35 Trung tướng, 157 Thiếu tướng), còn các vị trí khác chưa được quy định hoặc mới quy định trên cơ sở nguyên tắc nên thực tiễn thi hành luật gặp khó khăn, vướng mắc.
Mặt khác, triển khai thi hành Luật Công an nhân dân và các văn bản liên quan, tổ chức bộ máy các cấp công an đã được đổi mới căn bản, toàn diện, ở Bộ bỏ đơn vị cấp tổng cục, chỉ tổ chức đơn vị cấp cục và tương đương.
Trong đó, hầu hết Thủ trưởng các đơn vị cấp Cục và tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng nhưng vẫn còn Thủ trưởng của một số đơn vị tương đương cấp Cục chưa được quy định có trần cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng nên thiếu đồng bộ, thống nhất trong quy định về cấp bậc hàm đối với các chức vụ, chức danh...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin