Thủ tướng Thái từ chức
Ông Somchai Wongsawat tuyên bố rút lui sau khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan giải thể đảng của ông vì gian lận trong cuộc bầu cử vừa qua.
Thủ tướng Thái Lan Somchai Wongsawat vẫy chào người ủng hộ và báo giới sau khi tuyên bố thôi chức, tại Chiang Mai chiều nay. Ảnh: Reuters. |
Somchai chiều nay cho hay phán quyết của tòa án "không phải chuyện gì rắc rối cả. Tôi không làm việc cho bản thân. Giờ tôi có thể là một công dân một cách trọn vẹn".
Ông đột ngột chấm dứt phiên họp nội các ở thành phố Chiang Mai hôm nay, sau khi Tòa án Hiến pháp ra tuyên bố giải thể đảng cầm quyền PPP và hai đảng đồng minh. Phán quyết này đồng thời cấm Somchai tham gia chính trường trong 5 năm.
Quyết định của tòa án cũng mở đường cho việc người biểu tình chấm dứt cảnh bao vây hai sân bay ở Bangkok. Cuộc biểu tình khiến hơn 300 nghìn du khách bị mắc kẹt ở Thái Lan. Nền kinh tế vốn dựa vào du lịch và xuất khẩu của nước này bị thiệt hại nặng nề. Ước tính, mỗi ngày ngành xuất khẩu Thái Lan thiệt hại 85 triệu USD.
Sau khi tòa án hiến pháp ra phán quyết, đám đông ủng hộ chính phủ đứng bên ngoài tòa phản ứng dữ dội. Họ buộc tội các thẩm phán đã hủy hoại nền dân chủ và chống lại ý nguyện của dân chúng. Mặc cho sự hiện diện dày đặc của cảnh sát chống bạo động, người biểu tình nhanh chóng bao vây lối vào tòa nhà và không cho phép các thẩm phán ra ngoài.
Một cựu bộ trưởng Thái Lan cho biết nhiều đảng viên PPP không bị cấm tham chính và có thể nhóm lại, thành lập một chính phủ liên minh khác. "Chúng tôi không hề ngạc nhiên trước phán quyết này", ông Jakrapod Penkair cho hay. "Các thành viên PPP quyết định sẽ thành lập một chính phủ khác".
"Chúng tôi sẽ chuyển sang một đảng khác - đảng Puea Thai - và bầu ra thủ tướng mới vào ngày 8/12", Japuporn Prompan, cựu thành viên của PPP, nói.
Tờ Bangkok Post nhận định rằng các mối lo về bạo lực, thậm chí tồi tệ hơn thế nữa, đang tăng lên. "Dường như không thể nào tránh được bạo lực nữa. Một số người thậm chí còn dự đoán nội chiến sắp diễn ra. Liệu Thái Lan có một chính phủ đang lãnh đạo hay không?", bài xã luận trên báo này cho biết.
Thái Lan lâm vào khủng hoảng chính trị từ khi Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Cuộc tổng tuyển cử cuối năm 2007 vốn được kỳ vọng đã không giải quyết được cuộc khủng hoảng này, sau khi một đảng gồm các đồng minh cũ của Thaksin giành chiến thắng và trở lại nắm quyền.
Sau thời gian nhùng nhằng, kể từ tháng 8 năm nay, phe đối lập là Liên minh Nhân dân vì Dân chủ đã mở chiến dịch biểu tình rầm rộ chống chính phủ và chiếm đóng trụ sở của nội các. Căng thẳng lên đến cực điểm kể từ tối 25/11, khi hàng nghìn người biểu tình tràn vào sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, khiến sân bay này tê liệt. Một ngày sau đến lượt sân bay thứ hai của Bangkok là Don Muang cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Hải Ninh (theo AP)