Khai mạc Hội nghị cấp cao G20
15:59, 28/06/2010
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến* Thủ tướng tiếp xúc song phương lãnh đạo các nước dự hội nghị
Khai mạc Hội nghị cấp cao G20
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên khai mạc hội nghị cấp cao G20. |
TTXVN.- Sáng 27-6 (giờ địa phương) tại thành phố Tô-rôn-tô, Ca-na-đa đã diễn ra phiên khai mạc Hội nghị cấp cao G20, với chủ đề "Khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng", với sự tham dự của đại diện các nước G20, các nước khách mời (Việt Nam, Ma-la-uy, Ê-ti-ô-pi-a, Tây Ban Nha và Hà Lan), các tổ chức quốc tế (LHQ, IMF, WB, ILO, UNDP, WTO...), Tổng Thư ký ASEAN tham dự hội nghị với tư cách là thành viên của đoàn Việt Nam - Chủ tịch ASEAN 2010. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và thảo luận nêu bật những quan điểm của ASEAN về vấn đề này.
Sau bài phát biểu của Thủ tướng nước chủ nhà X.Ha-pơ, căn cứ nội dung thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 (Bu-san, Hàn Quốc tháng 5-2010) và đóng góp của IMF, nước chủ nhà Ca-na-đa, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã thảo luận báo cáo về các lựa chọn chính sách với nội dung chủ yếu gồm: Khuyến nghị các nước G20 cố gắng đạt được kịch bản cao về triển vọng kinh tế thế giới. Phân loại các nước thành viên G20 thành 5 nhóm nước chủ yếu để đưa ra các biện pháp khuyến nghị chính sách đối với từng nhóm nước. Thúc đẩy chi tiêu tài chính bền vững mà trọng tâm là thúc đẩy củng cố tài khóa tại các nền kinh tế phát triển nhằm giảm nợ chính phủ và các rủi ro tài khóa khác. Hướng tới nền kinh tế toàn cầu cân bằng hơn, trong đó trọng tâm là giảm các mất cân đối toàn cầu. Thúc đẩy cải cách cơ cấu chủ yếu tập trung vào các biện pháp cải cách các thị trường sản phẩm, dịch vụ và lao động tại các nước G20. Lành mạnh hóa khu vực tài chính, bao gồm áp dụng các tiêu chuẩn mới về vốn và thanh khoản, xây dựng các nguyên tắc chung về giám sát tài chính, ngăn ngừa các rủi ro đạo đức, cải cách các công cụ phái sinh, áp dụng các chuẩn mức kế toán toàn cầu thống nhất. Thúc đẩy các khuôn khổ chính sách tiền tệ lành mạnh nhằm bảo đảm ổn định giá cả cũng như bảo đảm cơ chế tỷ giá vận hành phù hợp các quy luật kinh tế...
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các nước ASEAN đánh giá cao việc các nhà lãnh đạo G20 thông qua Khuôn khổ Tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng, tại Hội nghị cấp cao Pít-xbớc (Mỹ), đồng thời ủng hộ các nội dung của Khuôn khổ, đặc biệt là mục tiêu tập trung cao nhất các nỗ lực cho việc phục hồi mạnh mẽ, bền vững và cân bằng và tạo dựng một hệ thống tài chính lành mạnh là cốt lõi của tăng trưởng bền vững. Thủ tướng nhất trí rằng cần thúc đẩy phục hồi đều khắp, ở mọi nhóm nước, kể cả các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển, tạo thuận lợi hơn nữa cho phục hồi và tăng trưởng bền vững ở các nền kinh tế này, nhất là khi các nước này đang là động lực của phục hồi kinh tế toàn cầu. Thủ tướng nêu rõ, các nước ASEAN ủng hộ việc củng cố tài khóa trên cơ sở "thân thiện với tăng trưởng", áp dụng có phân biệt và linh hoạt tùy theo hoàn cảnh mỗi nước, bảo đảm duy trì động lực phục hồi kinh tế và sự lành mạnh của hệ thống tài chính, đồng thời cần tránh tác động tiêu cực đối với tăng trưởng nói chung, cũng như đến ODA và các dòng vốn chảy vào các nước đang phát triển.
Thủ tướng cho biết, Hội nghị cấp cao ASEAN tại Hà Nội tháng 4-2010 đã ra Tuyên bố về phục hồi và phát triển bền vững, khẳng định tiếp tục duy trì các biện pháp hỗ trợ tài chính-tiền tệ trong thời gian tới, đồng thời có kế hoạch chuẩn bị rút các gói kích thích khi đã bảo đảm sự phục hồi kinh tế vững chắc. ASEAN cũng hoan nghênh G20 dành ưu tiên cao cho vấn đề thu hẹp khoảng cách phát triển, ủng hộ việc lập Nhóm công tác về phát triển và đưa chủ đề phát triển thành một mục quan trọng của Chương trình nghị sự Hội nghị cấp cao G20 tại Xơ-un, Hàn Quốc.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các quyết sách của G20 không thể phát huy đầy đủ tác dụng nếu thiếu sự hưởng ứng tích cực của các nhóm nước khác. Vì vậy, sự tăng cường phối hợp và hợp tác giữa G20 với các nhóm nước, trong đó có các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, có ý nghĩa quan trọng, giúp tăng sự tín nhiệm của G20, góp phần thu hẹp khác biệt về chính sách kinh tế giữa các nhóm nước, tạo thuận lợi giải quyết các mất cân đối toàn cầu. Do đó, đề nghị G20 tiếp tục tham vấn rộng rãi trong quá trình triển khai Khuôn khổ với các nước ngoài G20.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, ASEAN ủng hộ và cam kết tiếp tục nỗ lực phối hợp chính sách của mình với các lựa chọn chính sách của G20; đề nghị thiết lập một cơ chế phối hợp chính sách chặt chẽ hơn giữa G20 và ASEAN, bắt đầu từ sự tham gia chủ động và tích cực của ASEAN vào quá trình ra chính sách của G20 (như khách mời) và tiếp theo là quá trình tiếp nhận, thích ứng hóa và hài hòa hóa các lựa chọn chính sách này với chính sách của ASEAN, cuối cùng là cơ chế phản hồi.
* Tối 26-6 (giờ địa phương), Thủ tướng Ca-na-đa X.Ha-pơ đã chủ trì lễ đón chính thức các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị cấp cao G20. Sau lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các Trưởng đoàn G20 đã có buổi làm việc với chủ đề "Kinh tế thế giới: Triển vọng và thách thức".
Các nhà lãnh đạo tham dự phiên họp cho rằng, từ đầu năm 2010, kinh tế thế giới đã có bước phục hồi rõ nét và nhanh hơn dự kiến nhờ những gói kích thích kinh tế và nỗ lực cải cách của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, sự phục hồi diễn ra không đồng đều giữa các nước và khu vực khác nhau. Theo các nhà lãnh đạo, quá trình phục hồi kinh tế thế giới chưa bền vững và còn nhiều rủi ro là do nợ công của hầu hết các nền kinh tế lớn tiếp tục tăng cao so với tỷ lệ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng ở nhiều quốc gia, sự mất cân đối toàn cầu vẫn tiếp diễn dù mức độ hạn chế hơn trước, tình hình tăng trưởng nóng và lạm phát đang gia tăng ở các nền kinh tế mới nổi.
Quan điểm của Việt Nam với tư cách đại diện các nước ASEAN là cơ bản chia sẻ và ủng hộ các nỗ lực của G20 đối phó những thách thức trước mắt (thâm hụt ngân sách, nợ công, lạm phát...) nhằm bảo đảm kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi và tránh nguy cơ bất ổn tài chính tại một số nước lan rộng thành khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, cùng với quá trình này, các nước cần tiếp tục quan tâm các vấn đề mang tính dài hạn và cốt lõi, như bảo đảm sự phát triển bền vững, cân bằng và đều khắp của kinh tế thế giới và các khu vực; giải quyết các vấn đề phát triển, nhất là xóa đói, giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển; đối phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và an ninh năng lượng,... Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 15 tổ chức tại Hà Nội từ ngày 8 đến 9-4-2010, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ra Tuyên bố về phục hồi và phát triển bền vững, theo đó ASEAN nhất trí tiếp tục duy trì các biện pháp hỗ trợ tài chính tiền tệ trong thời gian tới, đồng thời có kế hoạch chuẩn bị quá trình rút các gói kích thích khi đã bảo đảm sự phục hồi kinh tế vững chắc. Tuyên bố cũng khẳng định cam kết của ASEAN thúc đẩy phát triển bền vững, tăng cường mạng lưới an sinh xã hội, thúc đẩy hợp tác giáo dục và đào tạo, nâng cao vai trò của khu vực tư nhân, bảo vệ môi trường và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.
* Cùng ngày, bên lề Hội nghị cấp cao G20, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc với Tổng Thư ký ASEAN Xu-rin Pít-xu-văn, Tổng thống In-đô-nê-xi-a X.Giu-đô-giô-nô, Thủ tướng Hà Lan P.Ban-kê-nen-đơ, Thủ tướng Ê-ti-ô-pi-a M.Dê-na-uy và Phó Thủ tướng Ô-xtrây-li-a U.Xoan.
Tại cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Tổng thống In-đô-nê-xi-a X.Giu-đô-giô-nô và Tổng Thư ký ASEAN Xu-rin Pít-xu-văn, ba bên đều cho rằng, ASEAN cần đóng góp một cách tích cực và xây dựng vào các nội dung thảo luận của Hội nghị cấp cao G20, nhất là việc triển khai Khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng; cải cách các thể chế tài chính quốc tế; chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại, đầu tư; các vấn đề phát triển. ASEAN ủng hộ và hưởng ứng những nỗ lực của các nền kinh tế G20 trong tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu và đối phó những thách thức và mất cân đối toàn cầu, đồng thời thể hiện sự quan tâm của ASEAN nói riêng và các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển nói chung trong tiến trình này. Ðiều đó thể hiện rõ qua Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 15, diễn ra tại Hà Nội, về phục hồi và phát triển bền vững, cũng như các hành động và sáng kiến cụ thể của ASEAN nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, hợp tác tài chính và tiền tệ, thúc đẩy phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển...
Tổng thống In-đô-nê-xi-a X.Giu-đô-giô-nô và Tổng Thư ký ASEAN Xu-rin Pít-xu-văn ủng hộ Việt Nam dự định nêu sáng kiến: Cần thiết lập một cơ chế phối hợp chính sách chặt chẽ hơn giữa G20 và ASEAN, để cơ chế này trở thành hình mẫu thử nghiệm để các nhóm nước ngoài G20 xây dựng cơ chế tương tác phối hợp chính sách với G20; ASEAN và các khối, các tổ chức thương mại tự do và hợp tác kinh tế khác như EU, NAFTA, AU... cùng G20 soạn thảo và ra Tuyên bố chung khẳng định, liên kết và tự do hóa thương mại khu vực và song phương chỉ bổ trợ chứ không làm ảnh hưởng đến quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu trong khuôn khổ WTO.
* Tại cuộc gặp Thủ tướng Hà Lan P.Ban-kê-nen-đơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng P.Ban-kê-nen-đơ bày tỏ vui mừng trước những kết quả quan trọng trong quan hệ song phương, trao đổi thương mại giữa hai nước tăng 15 lần, từ 110 triệu USD (năm 1999) lên hai tỷ USD (năm 2008). Năm 2009, mặc dù bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng kim ngạch thương mại song phương vẫn đạt khoảng 1,7 tỷ USD. Hà Lan đứng thứ ba trong số các nước châu Âu đầu tư vào Việt Nam với số vốn ba tỷ USD. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và cảm ơn Hà Lan đã phối hợp với Việt Nam xây dựng Hiệp định Ðối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước, coi lĩnh vực biến đổi khí hậu là lĩnh vực hợp tác ưu tiên với Hà Lan. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Hà Lan, với vai trò là thành viên tích cực của EU, tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong các vấn đề giày mũ da, quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và quá trình đàm phán Hiệp định Ðối tác và Hợp tác Việt Nam - EU (PCA), công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Thủ tướng P.Ban-kê-nen-đơ cho biết, Hà Lan luôn quan tâm hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực mà nước này có thế mạnh như năng lượng sạch, môi trường... Thủ tướng P.Ban-kê-nen-đơ trân trọng mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Hà Lan trong năm nay và tin tưởng rằng chuyến thăm sẽ góp phần tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác giữa hai nước.
* Tại cuộc gặp Thủ tướng Ê-ti-ô-pi-a M.Dê-na-uy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng đảng Mặt trận Cách mạng Dân chủ Nhân dân Ê-ti-ô-pi-a (EPRDF), do Thủ tướng M.Dê-na-uy làm Chủ tịch, đã giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử QH vừa qua. Thủ tướng cho biết, từ ngày 17 đến 19-8-2010, Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam - châu Phi lần thứ hai với chủ đề "Việt Nam - châu Phi: Hợp tác cùng phát triển bền vững". Ðây sẽ là cơ hội để Việt Nam và các nước châu Phi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để tìm ra biện pháp hợp tác hiệu quả. Việt Nam mong muốn Ê-ti-ô-pi-a cử đoàn tham dự và đóng góp tích cực tại hội thảo.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mô hình hợp tác ba bên giữa Việt Nam và các nước châu Phi, như Xê-nê-gan, Ma-li, Mô-dăm-bích, Ghi-nê..., với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các nước phát triển như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), Pháp, Nhật Bản, Nam Phi... là mô hình tốt và đang được triển khai hiệu quả. Ê-ti-ô-pi-a có thể cùng Việt Nam nghiên cứu, đề xuất các dự án để hai bên xây dựng dự án tiền khả thi và tìm nhà tài trợ.
Thủ tướng M.Dê-na-uy cho biết, Ê-ti-ô-pi-a học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm qua những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản. Thủ tướng M.Dê-na-uy cho rằng, chủ đề cuộc Hội thảo quốc tế Việt Nam - châu Phi lần thứ hai, trong đó tập trung thảo luận vấn đề an ninh lương thực và hợp tác phát triển nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, là những vấn đề mà Ê-ti-ô-pi-a rất quan tâm. Ê-ti-ô-pi-a sẽ cử đoàn tham dự và tích cực tham gia đóng góp vào hội thảo. Về mô hình hợp tác ba bên, Thủ tướng M.Dê-na-uy mong muốn Việt Nam cùng Ê-ti-ô-pi-a sớm triển khai mô hình này và đề nghị hai nước tăng cường trao đổi các đoàn, đặc biệt là các đoàn doanh nghiệp; thiết lập các cơ chế trao đổi, phối hợp thường xuyên, tạo môi trường pháp lý, phương tiện thanh toán thuận lợi, nhất là trong thương mại và đầu tư để quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Ê-ti-ô-pi-a thật sự thiết thực và cụ thể.
* Tại cuộc gặp Phó Thủ tướng Ô-xtrây-li-a U.Xoan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ Ðối tác toàn diện vừa được thiết lập giữa hai nước trong chuyến thăm chính thức Ô-xtrây-li-a của Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh tháng 9-2009; đồng thời mong muốn Chính phủ mới của Ô-xtrây-li-a tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, trước mắt là xúc tiến ký kết Chương trình Hành động để triển khai cụ thể và có hiệu quả khuôn khổ hợp tác Ðối tác toàn diện.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Ô-xtrây-li-a là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Ô-xtrây-li-a cũng là địa bàn có số lượng sinh viên Việt Nam sang du học nhiều nhất. Hợp tác song phương trong các lĩnh vực du lịch, văn hóa, an ninh, quốc phòng,... cũng đang ngày càng được mở rộng và phát triển mạnh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định dẫn độ, Hiệp định tương trợ tư pháp, Hiệp định hợp tác khoa học - công nghệ, Thỏa thuận về hợp tác hải quan.
Phó Thủ tướng U.Xoan khẳng định mong muốn hợp tác chặt chẽ giữa Ô-xtrây-li-a với Việt Nam và ghi nhận những đề xuất nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước như: xem xét thực hiện thủ tục công nhận lẫn nhau về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt đối với các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo cán bộ, cung cấp thiết bị kiểm tra, lập trung tâm kiểm định tại Việt Nam; phối hợp tích cực triển khai Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục; xem xét ký kết thỏa thuận tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc theo Chương trình Kỳ nghỉ...
(Theo Nhan Dan)