Dự luật gây xôn xao nước Mỹ
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama ký ban hành Dự luật Cải cách tài chính |
Bộ Luật cải cách tài chính dày 2.300 trang, xuất xứ từ hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 là bộ luật cải cách quan trọng nhất của Hoa Kỳ kể từ thời Đại suy thoái 1930. Bộ Luật mới qui định việc thành lập một cơ quan bảo vệ người tiêu thụ có nhiệm vụ đề ra những luật lệ qui định cung cách phát hành thẻ tín dụng, tài trợ nhà cửa cho các ngân hàng, đồng thời thiết lập một Hội đồng mới chuyên theo dõi việc thi hành luật lệ, lượng định những mối hiểm đe dọa hệ thống tài chính.
Nói chung, Bộ Luật cải cách tài chính đã trao cho chính phủ quyền lực mới để theo dõi và ngăn chặn những đổ vỡ có thể khiến thị trường sụp đổ theo, chẳng hạn vụ suy sụp trước đây của đại tổ hợp tài chính Lehman Brothers, hãng đầu tư và bảo hiểm American International Group Inc. và đại hệ thống ngân hàng Citigroup Inc. đã khiến chính phủ phải đổ 700 tỉ USD vào công cuộc cứu trợ để tránh cho Hoa Kỳ khỏi suy sụp toàn diện kinh tế.
Dự luật tác động tới người dân
Mọi giới quan sát đánh giá sự kiện như là một thắng lợi lớn lao của Tổng thống Obama vốn là người đã đề xướng cải cách tài chính từ năm ngoái. Do đó, chắc chắn Tổng thống Obama, Phó Tổng thống Joe Biden, Bộ trưởng tài chính Timothy F.Geithner... sẽ liên tục rầm rộ quảng bá thắng lợi cải cách tài chính này trong cuộc tranh cử giữa nhiệm kỳ vào mùa thu tới để so sánh phân biệt chiều hướng và thành tích giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Trong lúc các cơ quan liên bang sửa soạn công cuộc soạn thảo và thi hành các luật lệ tài chính mới, thì giới ngân hàng Mỹ cũng đang chuẩn bị tung ra những đợt vận động mạnh mẽ với hi vọng tạo áp lực và chiếm được ảnh hưởng trên các dân biểu và nghị sĩ ở Quốc hội Liên bang. Các giới chức chính quyền Obama đã long trọng hứa hẹn là sẽ tìm đủ cách để thi hành luật lệ nghiêm minh trong sạch tối đa, song theo giải thích của Diana Farrell, Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia thì chưa thể thi hành ngay toàn diện luật cải cách, bởi lẽ mọi sự cần có thời gian.
Tác động trực tiếp đến hoạt động ngân hàng
Cũng vào thời điểm này, người ta đang quan tâm tới bản báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ Ben Bernake. Bản báo cáo này được đưa ra vài giờ sau khi Tổng thống Obama ký ban hành luật cải cách tài chính.
Nhận định về triển vọng cải cách, Bernake vắn tắt nói rằng, còn nhiều việc phải làm dù tin tưởng là nhờ có luật lệ cải cách này mà hệ thống tài chính Mỹ sẽ vững vàng hơn ba năm qua.
Thống đốc Bernake giải thích cặn kẽ, một số biện pháp tiền tệ mà NHTƯ có thể sử dụng để kích thích kinh tế trong lúc này, dù lãi suất hiện hành đã gần bằng không và trong kho tàng trữ NHTƯ đã chất đống những trái phiếu địa ốc và công khố phiếu của chính phủ. Cách thứ nhất, ông Bernake cho biết, NHTƯ có thể gia hạn, duy trì lâu hơn nữa lãi suất qua đêm giữa các ngân hàng hiện nay là 0,25%. Cách thứ hai, NHTƯ có thể hạ thấp lãi suất trả cho các dự trữ thặng dư ký thác của các ngân hàng - nhiều hơn số qui định của NHTƯ.
Vị Thống đốc NHTƯ cũng cảnh báo, trong vài tháng qua, toàn cảnh kinh tế đã trở nên rất mong manh và tình trạng tài chính không hề thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế do khủng hoảng nợ nần quốc gia đã bộc phát ở Âu Châu.
Một thông tin đáng chú ý nữa đó là, một giờ đồng hồ sau khi Chủ Tịch Bernanke trấn an Quốc hội và quần chúng về triển vọng kinh tế, thị trường chứng khoán lên được 20 điểm. Vài phút sau đó, chứng khoán mất ngay 145 điểm. Rõ ràng là trấn an của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương không có mấy hiệu lực thuyết phục đối với thị trường.
Kinh tế thật mong manh, dù đa số kinh tế gia không tin chuyện giảm phát, nhưng nhiều vị lãnh đạo NHTƯ đã bắt đầu lo lắng về tình trạng suy sụp giá cả. Vì thất nghiệp cao, nhà cửa tiếp tục bị tịch thu mất giá, các hãng có nhiều tiền mặt nhưng không chịu đầu tư vì thấy quá nhiều bất trắc. Bernanke cam kết, NHTƯ sẽ bám sát tình hình, sẽ can thiệp bằng mọi cách để tránh cho kinh tế khỏi bị rơi tụt xuống đáy trở lại. Tuy thế, Chủ tịch Ngân hàng quốc gia vẫn không cho biết sẽ thi hành biện pháp nào.
(Theo vtv.vn)