Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

65 năm thảm hoạ Hiroshima

07:57, 06/08/2010
Hôm nay (6/8), tròn 65 năm một sự kiện buồn đã đi vào lịch sử nhân loại, thảm hoạ Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản).

 

65 năm thảm hoạ Hiroshima

 

 

65 năm đã trôi qua, nhưng cái tên Hiroshima vẫn luôn nhắc nhở thế giới về những đau thương từ thảm hoạ bom nguyên tử và sự cần thiết phải giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.

 

Ngày 6/8/1945, khi thành phố Hiroshima vừa bước sang một ngày mới, một thứ vũ khí huỷ diệt khủng khiếp nhưng được đặt tên là “Cậu bé nhỏ”, một quả bom nguyên tử, đã được thả xuống Hiroshima . Thành phố 350 nghìn dân đã trở thành một thành phố chết, cứ 5 người thì có 2 người chết vì vụ ném bom. Khoảng 1 nửa trong số 140 nghìn người thiệt mạng qua đời ngay trong ngày đầu tiên, chủ yếu do bỏng nặng. Nhiều tháng và thậm chí nhiều năm sau đó, danh sách các nạn nhân vẫn tiếp tục dài ra, do bỏng, do nhiễm phóng xạ và những vết thương khác.

 

Bà Sadae Kasaoka, Người sống sót trong vụ ném bom Hiroshima nói: “Những ước mơ của họ, những niềm hy vọng, và cả thân thể họ, tất cả đã bị quả bom giết chết”.

 

65 năm qua, cứ đến ngày 6/8, cả thế giới lại hướng về Hiroshima , với một mong ước thế giới sẽ không bao giờ phải chứng kiến những thảm kịch như thế nữa.

 

Hoà bình và giải trừ hạt nhân, đó là những thông điệp từ Hiroshima, và cũng là từ chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Ban Ki Moon tới dự lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ ném bom.

 

Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon phát biểu: “Giải trừ hạt nhân phải là một phần căn bản của hoà bình và an ninh quốc tế. Giải trừ hạt nhân là tối cần thiết cho một thế giới an toàn hơn cho tất cả chúng ta”.

Lễ kỷ niệm năm nay sẽ chứng kiến một sự khác biệt. Cùng với sự tham dự lần đầu tiên của Tổng Thư ký LHQ, lễ tưởng niệm Hiroshima sẽ còn có sự tham dự của một đại diện Mỹ, đại sứ Mỹ tại Nhật Bản John Roos.

 

Ông Stephen Leeper, Chủ tịch Quỹ văn hoá hoà bình Hiroshima: “Sự có mặt của đại sứ Roos, của Tổng Thư ký Ban Ki Moon, vị Tổng Thư ký LHQ đầu tiên tới dự lễ tưởng niệm là một sự kiện mang ý nghĩa rất lớn. Nó có thể đánh dấu một sự thay đổi trong quan niệm của thế giới về vũ khí hạt nhân”.

 

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày này, những lời cầu nguyện cho hoà bình lại vang lên, nhắc nhở thế giới về sự huỷ diệt của vũ khí hạt nhân, và để lại hướng tới một niềm hy vọng mới - tấn thảm kịch sẽ không bao giờ lặp lại.

 

(Theo vtv.vn)