Nhiều vấn đề “nóng” tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20
Nhiều vấn đề lớn sẽ được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), được tổ chức tối 22/10, tại Hàn Quốc.
Trước thềm Hội nghị, các nước và tổ chức quốc tế kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 tìm giải pháp ổn định hệ thống tài chính thế giới sau khủng hoảng, thúc đẩy đàm phán về tự do hoá thương mại toàn cầu.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo tài chính và ngân hàng G20 cũng chú trọng tới những tranh cãi tiền tệ liên quan tới chính sách của một số nước kiềm chế đồng nội tệ để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, dấy lên những quan ngại về nguy cơ bùng nổ cuộc chiến tranh tiền tệ có thể đẩy thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng mới.
Hội nghị cũng sẽ đề cập vấn đề cải tổ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Hệ thống an toàn tài chính toàn cầu cũng như các cải cách quy định tài chính.
Trước khi diễn ra Hội nghị, nhiều nước và tổ chức quốc tế kêu gọi lãnh đạo G20 tìm ra những giải pháp nhằm ổn định hệ thống tài chính thế giới và thúc đẩy đàm phán về tự do hoá thương mại toàn cầu.
Ngày 22/10, Chính phủ Nhật Bản cho rằng, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm 20 cần đưa vấn đề tiền tệ làm một trong những nội dung chính trong chương trình nghị sự.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Masaki Sirakawa thúc giục Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) thảo luận về vấn đề này.
Trước đó, Tổng thống Brazil Lula Da Silva ngày 20/10 kêu gọi lãnh đạo G20 đưa ra giải pháp đối phó với cuộc chiến tiền tệ đang đe dọa nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng. Theo ông, chính sách đồng nội tệ yếu của một số nước đã gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Brazil.
Phát biểu trước Đại hội đồng WTO ngày 21/10, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 phát tín hiệu chính trị rõ ràng để thúc đẩy tiến trình đàm phán về tự do hóa thương mại toàn cầu. Ông Pascal Lamy nhấn mạnh cần phải "cài số tiến" cho các cuộc đàm phán kéo dài và gặp nhiều trắc trở về mở rộng tự do hóa buôn bán nông sản, hàng công nghiệp và dịch vụ.
Trong khi đó, một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Mỹ muốn các nước G20 kiềm chế sự mất cân bằng trong nền kinh tế thế giới thông qua các cam kết hạn chế thặng dư thương mại, giảm thâm hụt ngân sách và thả nổi tiền tệ. Mỹ cho rằng khi các nền kinh tế lớn định giá đồng nội tệ thấp hơn so với giá trị thực, các nước khác cũng sẽ làm theo. Từ đó sẽ tạo ra một sự cạnh tranh không lành mạnh.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 lần này là bước chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra vào tháng sau tại Seoul (Hàn Quốc), được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới cho đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn hậu khủng hoảng.
Tuy nhiên, việc hội nghị có đạt được kết quả như kỳ vọng hay không phụ thuộc phần lớn vào ý trí chính trị của lãnh đạo G20 nhằm đi đến mục tiêu ổn định hệ thống tài chính thế giới và thúc đẩy tự do hoá thương mại toàn cầu.
(Theo VOVnews)