25/11: Quốc tang Campuchia
09:58, 24/11/2010
Thủ tướng Hun Sen đã gọi vụ giẫm đạp hôm qua là thảm kịch lớn nhất trong lịch sử Campuchia kể từ khi đất nước này thoát khỏi chế độ Khmer Đỏ và cho biết, sẽ lấy ngày 25/11 là ngày Quốc tang.
Người Campuchia tìm người thân sau vụ giẫm đạp tại bệnh viện Preah Kossamak ở Phnom Penh. Ảnh: AP. |
Lễ hội nước là một trong những sự kiện lớn nhất của Campuchia, đánh dấu thời điểm kết thúc mùa mưa và sự đổi dòng chảy giữa sông Tonle Sap và Mekong. Tuy nhiên, Lễ hội nước tối qua đã biến thành thảm hoạ khủng khiếp không bao giờ quên trong tâm trí nhiều người dân.
Những ngày này, người dân Campuchia đang sống trong đau thương sau thảm họa. Theo nhà chức trách Campuchia, con số nạn nhân sẽ còn tiếp tục tăng trong những giờ tới, khi hàng loạt các bệnh viện tại Pnom Penh đang trong tình trạng quá tải.
Tiếp tục tìm kiếm nạn nhân
Trên mặt hồ Tonle Sap, trong suốt cả ngày 23/11, những nhân viên cứu hộ đang giăng lưới để tìm kiếm những thi thể nạn nhân thiệt mạng trong vụ giẫm đạp trên cây cầu nối thủ đô Phnom Penh với đảo Kim Cương. Còn trên cây cầu nơi xảy ra thảm hoạ, người ta vẫn còn thấy hàng trăm đôi giày dép, những chai nước và nhiều đồ vật khác, những chứng tích còn sót lại của một thảm hoạ mà cả đất nước Campuchia đều phải thừa nhận rằng, khủng khiếp nhất kể từ thời Polpot cầm quyền tới nay.
Hàng trăm người đã bị rơi xuống dòng nước khi đám đông hoảng loạn chen lấn xô đẩy nhau tìm cách thoát ra khỏi cây cầu sau khi có thông tin nói về việc cầu sắp gẫy. Họ bị mất phương hướng, cố gắng vật lộn để tìm lối thoát trong một biển người, và xô đẩy nhau về mọi hướng có thể.
“Khi đi đến giữa cầu thì bị kẹt cứng, đi tới cũng không được, lùi cũng không nổi. Một lát sau thì bị ngạt thở, mọi người cố vùng vẫy. Người có sức thì chen lấn, giẫm đạp lên người yếu và nhảy xuống nước. Lúc đó nhiều người bảo rằng, đứng trên cầu cũng chết, thôi thì nhảy xuống sông”.
“Tôi đang đi thì bị người ta xô và giẫm đạp lên. Tôi bị té ngã và bị người ta giẫm đạp đến nghẹt thở và ngất xỉu”. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ giẫm đạp khủng khiếp này. Người ta mâu thuẫn dẫn đến xô xát làm cho một người té ngã. Và mọi người hoảng loạn nên cứ xô đẩy lẫn nhau, giẫm đạp lên nhau. Nhiều người ngất xỉu vì không thể thở được”.
Những hình ảnh kinh hoàng về đêm xảy ra thảm hoạ đã được Đài truyền hình Quốc gia Campuchia phát đi hàng giờ. Những thi thể được phủ vải trắng nằm chồng chất lên nhau. Tại bệnh viện Calmett, bệnh viện chính của thành phố Phnom Penh đầy chật nạn nhân và người thân của họ. Các bác sỹ, y tá và nhân viên y tế, tất cả đều được huy động để cứu chữa cho các nạn nhân.
“Thật đáng thương. Y, bác sĩ ở đây không kể là khoa sản, khoa X quang gì cả, chúng tôi đều dồn hết sức lực để cứu chữa nạn nhân từ lúc đầu cho đến bây giờ. Và bây giờ vẫn chưa xong”. Một bác sĩ cho biết.
Trong khi đó, các xe cứu thương vẫn tiếp tục lao đến hiện trường để chở các nạn nhân tới bệnh viện. Một buổi lễ cầu nguyện đã được khoảng 400 nhà sư tổ chức để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng. Những ngọn nến đã được thắp lên, những lời cầu nguyện cũng được vang lên với mong muốn linh hồn của các nạn nhân sẽ được siêu thoát.
Điểm lại các vụ giẫm đạp dẫm máu
Thảm hoạ giẫm đạp ở Campuchia ngày hôm qua không phải là sự kiện riêng lẻ. Sự hoảng loạn của đám đông thường dẫn đến những cảnh giẫm đạp đẫm máu, và hầu như năm nào cũng có và xảy ra ở bất cứ đâu.
Trong thập kỷ vừa qua, hầu như năm nào cũng xảy ra những vụ chết người do giẫm đạp mà con số người thiệt mạng lên tới hàng trăm người, xảy ra chủ yếu ở các lễ hội hoặc địa điểm tôn giáo. Có thể kể đến:
Tháng 2/2004: 251 tín đồ Hồi giáo hành hương chết trên một cây cầu tại thánh địa Mecca.
Tháng 3/2005: 265 tín đồ Hindu hành hương chết trong cuộc giẫm đạp tại một đền thờ.
Tháng 8/2005: 1000 người chết trên một cây cầu ở thủ đô Baghdad (Iraq) do báo động giả.
Tháng 1/2006: 345 người thiệt mạng trên một cây cầu ở thánh địa Mecca, lập lại đúng kịch bản như vụ giẫm đạp tháng 2 năm trước đó.
Riêng trong năm nay, trên thế giới cũng đã xảy ra một số vụ giẫm đạp lớn khác, bên cạnh vụ giẫm đạp ngày hôm qua ở Campuchia, có thể kể đến:
Tháng 4: Ít nhất 71 người chết và hơn 200 người bị thương tại Đền thờ Ram Janki (Ấn Độ), trong vụ giẫm đạp do hoảng loạn sau khi một cổng vào đền bị sập.
Tháng 7: 21 người chết, 500 người bị thương trong vụ giẫm đạp lên nhau trong đường hầm dẫn đến địa điểm tổ chức Nhạc hội Tình yêu tại thành phố Duisburg (Đức).
Bên cạnh đó, cũng đã xảy ra rất nhiều vụ giẫm đạp khác, tuy thương vong về người không quá lớn, nhưng nguyên nhân xảy ra lại vô cùng đáng tiếc. Ngay trong tháng trước: Ít nhất 6 fan hâm mộ bóng đá ở Kenya đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp trước cổng sân vận động ở thủ đô Nairobi, nơi diễn ra trận bóng đá giữa hai đội bóng địa phương. Còn trong tháng 5, 2 người chết do chen chúc khi tranh nhau lên một đoàn tàu tại ga tàu hoả New Delhi (Ấn Độ).
Tháng 11/2007, 3 người chết, 30 người bị thương tại siêu thị Carefour ở Trùng Khánh (Trung Quốc) khi người dân chen chúc mua dầu ăn giảm giá.
(Theo vtv.vn)