Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Mỹ: 151 ngân hàng bị đóng cửa trong năm 2010

09:13, 13/12/2010
Dự báo, con số ngân hàng bị phá sản trong năm nay sẽ cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tín dụng và tiền gửi tiết kiệm hồi năm 1992.

 

Từ đầu năm tới nay, Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) của Mỹ đã đóng cửa 151 ngân hàng, nhiều hơn 11 ngân hàng so với tổng số 140 ngân hàng bị giải thể trong cả năm 2009.

 

Thông báo hôm 10/12 của FDIC cho biết, tuần qua đã có thêm 2 ngân hàng bị đóng cửa do tình trạng làm ăn thua lỗ kéo dài. Đó là Paramount Bank of Farmington Hills có trụ sở chính tại bang Michigan và Earthstar Bank of Southampton tại bang Pennsylvania.

 

Theo dự đoán của FDIC, số ngân hàng bị phá sản trong năm nay sẽ cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tín dụng và tiền gửi tiết kiệm hồi năm 1992. Tổng công ty này có thể phải chi khoảng 22 tỷ USD tiền bảo hiểm cho các ngân hàng bị giải thể, ít hơn năm 2009 vì những ngân hàng bị sụp đổ trong năm nay là những ngân hàng nhỏ hơn. Tổng tài sản của các ngân hàng bị đóng cửa từ đầu năm đến nay là gần 95,5 tỷ USD so với mức 170,8 tỷ USD của năm 2009.

 

Công ty Bảo hiểm Tiền gửi cũng cho biết, số ngân hàng nằm trong danh sách "có vấn đề" trong quý 3 năm nay là 860, tăng 31 ngân hàng so với quý trước đó và đây cũng là con số cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 1992.

 

Cùng với sự gia tăng của số ngân hàng đổ vỡ, số dư quỹ bảo hiểm tiền gửi của Tổng công ty Tiền gửi Liên bang đã rơi vào trạng thái âm từ đầu năm nay, tới mức 8 tỷ USD tính tới cuối quý 3.

 

(Theo TTXVN)