Lạm phát cao hiện là mối bận tâm hàng đầu ở châu Á
Trong những tháng gần đây, đặc biệt là tháng 2, tháng 3, lạm phát đã tăng ở phần lớn quốc gia châu Á. Nguyễn nhân chính vẫn là giá lương thực và dầu mỏ ở mức cao.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ vẫn quá “lỏng” ở nhiều nước cũng là một yếu tố đứng đằng sau lạm phát. Mặc dù tất cả các ngân hàng trung ương trong khu vực đã bắt đầu tăng lãi suất, nhưng nhìn chung vẫn rất chậm chạp trong việc bình thường hoá chính sách tiền tệ.
EIU cho rằng nếu ngân hàng trung ương các nước không thận trọng thì các nền kinh tế có thể rơi vào vòng luẩn quẩn lạm phát.
Cũng thời gian này, một số tổ chức phân tích kinh tế thế giới cũng đưa ra đánh gia không mấy lạc quan về kinh tế thế giới.
Các nhà lãnh đạo tài chính thế giới dự Hội nghị mùa Xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington cũng lên tiếng cảnh báo rằng giá lương thực tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, đặc biệt diễn biến khó lường của cuộc khủng hoảng nợ công tại các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cùng với cuộc khủng hoảng tại Trung Đông và Bắc Phi có thể là những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình phục hồi kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng 2008- 2009.
Nhân kỷ niệm 25 năm sự cố hạt nhân Chernobyl (1986-2011), một loạt hội nghị quốc tế diễn ra tại Ukraina nhằm giúp cộng đồng quốc tế rút ra những bài học cần thiết để tăng cường an toàn hạt nhân trong tương lai, phát triển các kế hoạch khẩn cấp về phòng ngừa và phản ứng, nâng cao nhận thức và sự tham gia của công chúng trong những trường hợp khẩn cấp về hạt nhân.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có tuy duy toàn cầu về an toàn hạt nhân. Ông Ban Ki -moon nhấn mạnh thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ucraina ngày 26/4/1986 và sự cố rò rỉ hạt nhân tại Nhà máy điện Fukusima số 1 của Nhật Bản mới đây đã cho thấy tác động của tai nạn hạt nhân là không biên giới. Do đó, thế giới cần đảm bảo chắc chắn rằng sử dụng năng lượng hạt nhân vì các mục đích hòa bình với độ an toàn hạt nhân cao nhất.
Trong khu vực Đông Nam Á, tuần qua, hội nghị Ủy ban sông Mekong (MRC) nhóm họp để thảo luận về dự án xây dựng đập thủy điện Xayabury, dự án đầu tiên của Lào trên dòng chính của sông Mekong cũng đã thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là của các nước liên quan (Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia).
Các nước dự hội nghị nói trên đã trình bày quan điểm của mình và sau đó đã nhất trí chuyển việc xem xét quyết định về quá trình tham vấn đối với dự án thủy điện Xayabury lên cấp Bộ trưởng.
Liên quan đến dự án Xayabury, thời gian gần đây, nhiều tổ chức phi chính phủ trong khu vực đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng Lào và Thủ tướng Thái Lan đề nghị ngừng thực hiện dự án trong ít nhất 10 năm, để có thế đánh giá kỹ lưỡng về những tác động của dự án này.
(Theo chinhphu.vn)