Đối thoại kinh tế Mỹ - Trung: Những tiếng nói “không úp mở”
|
Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc bắt tay Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung - Ảnh: Reuters |
Mở đầu cuộc đối thoại kinh tế với Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã nêu lên những vấn đề ưu tiên của Mỹ, trong đó hàng đầu là vấn đề tỉ giá đồng nhân dân tệ mà Mỹ mong muốn “linh hoạt” hơn.
“Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là nhằm củng cố sự phục hồi kinh tế toàn cầu và làm thế nào để sự phục hồi này bền vững” - ông nhấn mạnh. Theo ông, phía Mỹ có ba vấn đề ưu tiên:
Một là, một tỉ giá linh hoạt hơn và mở cửa rộng hơn cho thị trường các nguồn vốn.
Hai là, cải cách lĩnh vực tài chính (phát triển hơn, đa dạng hơn) cho phép các doanh nghiệp, người dân tiếp cận và tham gia.
Ba là, cạnh tranh công bằng của doanh nghiệp hai nước trên thị trường của nhau.
Đại diện Mỹ ghi nhận Trung Quốc đã “có những tín hiệu thay đổi hứa hẹn trong chính sách kinh tế”, nhất là trong chính sách về tỉ giá, nhưng ông khẳng định Bắc Kinh cần tiếp tục nâng giá đồng nhân dân tệ nhanh hơn để tạo sự cân bằng thương mại Mỹ - Trung. Theo Wall Street Journal, từ mùa hè năm ngoái đồng nhân dân tệ mới chỉ tăng giá 5% so với đồng USD. Phía Mỹ đánh giá tốc độ này là quá chậm và giới doanh nhân Mỹ nhận định đồng nhân dân tệ bị dìm giá khoảng 40%.
Đáp lại, các quan chức Trung Quốc tuyên bố chính sách tiền tệ và tài khóa lỏng lẻo mới là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh khẳng định tiến trình nâng giá đồng nhân dân tệ đã diễn ra một cách lành mạnh.
Dù vậy, các số liệu mới đây cho thấy thặng dư thương mại Trung Quốc tháng 4-2011 tăng lên tới 11,4 tỉ USD, mức cao nhất kể từ tháng 11-2010. “Con số này sẽ càng khiến Washington tăng cường sức ép lên Bắc Kinh đòi nâng giá đồng nhân dân tệ” - Reuters dẫn lời nhà kinh tế Brian Jackson thuộc Ngân hàng Hoàng gia Canada nhận định.
Các nghị sĩ Mỹ tại hạ viện cũng đang tìm cách gây sức ép lên Bắc Kinh về vấn đề đồng nhân dân tệ. Reuters cho biết một nhóm nghị sĩ Cộng hòa đã gửi thư lên Bộ trưởng Geithner và Ngoại trưởng Hillary Clinton, cáo buộc chính sách của Trung Quốc đang làm tổn thương các công ty Mỹ. Các nghị sĩ Mỹ cho rằng Mỹ cần ra đạo luật mới để đối phó với hành vi “thao túng tiền tệ” của Bắc Kinh.
Tại cuộc đối thoại, phía Washington đưa ra một danh sách các than phiền của giới kinh doanh Mỹ đối với Trung Quốc: khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc hạn chế, đặc biệt là đối với các hãng tài chính Mỹ, nạn ăn cắp bản quyền thương mại, tình trạng sử dụng phần mềm lậu tràn lan tại Trung Quốc, thủ tục hành chính và luật pháp rắc rối...
Đáp lại, Phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn yêu cầu Mỹ xây dựng một “lộ trình rõ ràng” để đáp ứng các yêu cầu kinh tế của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn Mỹ giảm kiểm soát xuất khẩu hàng công nghệ cao sang Trung Quốc, công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, tạo cơ hội cho các công ty Trung Quốc đầu tư vào Mỹ và “không chính trị hóa các vấn đề kinh tế, thương mại”.
Giới quan sát bình luận tại Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung, hai nước khó có thể đạt một bước đột phá trong quan hệ kinh tế - ngoại giao, mà đơn giản là chỉ tìm tiếng nói chung giữa những bất đồng.
Trong diễn văn khai mạc, Ngoại trưởng Mỹ Clinton không úp mở: ”Tôi sẽ rất công khai về vấn đề này. Một số người ở Mỹ xem tiến bộ của Trung Quốc (TQ) như là một mối đe dọa đối với nước Mỹ. Một số người ở TQ lo ngại rằng Mỹ đang tìm cách hạn chế TQ tăng trưởng”. Điều mà bà Clinton đề cập là một thực tế còn “nóng hổi” ở Mỹ. Liên tiếp trong các ngày 29-4 và 2-5, tờ Washington Post đã đăng các bài “Chúng ta đã đánh giá thấp TQ như thế nào?” và ”Sự gia tăng sức thống trị của TQ chính là một tiếng chuông đánh thức nước Mỹ”, như để phản ánh một thái độ chính trị của một bộ phận chính giới Mỹ tại thủ đô Washington ngay trước cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung.
Điều đó buộc bà Clinton phải lên tiếng thanh minh: “Chúng tôi bác bỏ cả hai cái nhìn này. Cả hai phía chúng ta có lợi nếu hợp tác nhiều hơn là khi xung đột. Thực tế là một nước Mỹ thịnh vượng thì tốt cho TQ, và một TQ thịnh vượng thì tốt cho nước Mỹ. Song để cộng tác, chúng ta cần có khả năng hiểu ý định và lợi ích của nhau, phải giải tỏa những huyền thoại về các kế hoạch dài hạn và khát vọng của nhau”.
Nôm na mà nói, Ngoại trưởng Clinton ý nói hai bên còn (có ý) dè chừng nhau, nghi kỵ nhau, không muốn chấp nhận bên kia “khá” hơn. Kể cả, nếu như không muốn nói, là về phát triển quân sự. Đó là lý do mà Ngoại trưởng Clinton “lôi” Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates vào trong phát biểu của mình: “Bộ trưởng Robert Gates và tôi từng nhiều lần nói đến tầm quan trọng của việc phát triển (những) giao ước quân sự nhằm tăng cường tính công khai và hiểu biết chặt chẽ nhau. Thành ra, tôi vui vì việc các quan chức quân sự cao cấp của hai bên lần đầu tiên tham gia đối thoại này. Họ sẽ tham gia thảo luận xem làm thế nào chúng ta có thể làm giảm những nguy cơ hiểu lầm nhau để rồi tính toán sai”. Trong đáp từ của mình, Phó thủ tướng TQ Vương Kỳ Sơn lái “câu chuyện” sang lĩnh vực kinh tế. Ông tỏ ra nhất trí với bà Clinton khi phát biểu: “Chúng ta có nhiều lợi ích chung và hợp tác với nhau hơn là khác biệt và tỉ thí”, sau khi đã nhắc khéo rằng “trong các chính sách của mỗi bên nhằm đảm bảo khôi phục kinh tế có cả những bổ sung cho nhau lẫn những va chạm nhau”.
(Danh Đức) |
(Theo Tuổi trẻ)