Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Toan tính mới của Nga ở Syria

08:52, 01/11/2018

Gây sức ép buộc EU hỗ trợ cho quá trình tái thiết và tìm cách để Mỹ rút quân khỏi Syria là những toan tính mới của Nga ở quốc gia này.

 

Sau một vài trì hoãn, Hội nghị Thượng đỉnh Istanbul cuối cùng đã diễn ra ngày 27/10, đưa các nhà lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Pháp và Đức ngồi vào bàn đàm phán thảo luận về vấn đề hòa bình ở Syria. Hội nghị 4 bên từng được dự tính tổ chức vào đầu tháng 9 nhưng những khác biệt giữa các bên đã khiến cuộc gặp này không diễn ra theo tính toán.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham gia họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh ngày 27/10. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham gia họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh ngày 27/10. Ảnh: Reuters

Hội nghị Thượng đỉnh Istanbul có sự tham gia của cả các đại diện trong Tiến trình Astana (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran) và Nhóm làm việc Syria (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Saudi Arabia, Jordan và Ai Cập) nhưng cuộc gặp này không thể xóa tan những khác biệt giữa các bên.

Ngoài một tuyên bố chung nhấn mạnh đến việc cần thiết của một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột Syria, không có bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra để thực hiện sáng kiến này. Vấn đề gây chia rẽ chính giữa các bên tiếp tục là vận mệnh chính trị của ông Bashar al-Assad, sự hiện diện của quân đội nước ngoài, câu hỏi về vấn đề người tị nạn và quá trình tái thiết Syria cũng như tương lai khu vực của người Kurd ở vùng đông bắc quốc gia này.

"Quân bài" người tị nạn của Nga

Sau khi thực hiện được các mục tiêu quân sự chính là đánh bại phe đối lập và đảm bảo chế độ cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, Nga đang nỗ lực biến "chiến thắng" này thành những lợi ích chính trị. Nga tìm cách bình thường hóa tình hình ở Syria qua việc tập trung vào quá trình tái thiết và đưa những người tị nạn trở về Syria.

Hiện tại, mục tiêu chính trị chính của Nga là thuyết phục các bên hỗ trợ tiềm năng, chủ yếu là EU và các nước vùng Vịnh "đổ tiền" vào nền kinh tế Syria đang kiệt quệ để giúp tái thiết quốc gia này. Lời kêu gọi những người tị nạn quay trở về Syria của Moscow có những ảnh hưởng nhất định ở EU. Với lời kêu gọi này, Nga đang tìm cách thuyết phục Đức - hiện có hơn 1 triệu người tị nạn Syria sinh sống, dẫn đầu EU tham gia vào một thỏa thuận tái thiết.

Trước đó, Nga cũng từng sử dụng quân bài người tị nạn để “mặc cả” với Thổ Nhĩ Kỳ và EU. Vấn đề người tị nạn thực sự là một vấn đề quan trọng trong chính trị EU khi nó là nguyên nhân gây ra sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc cực đoan khắp châu lục này.

Nhiều quốc gia EU, bao gồm cả Đức sẵn sàng tài trợ cho quá trình tái thiết Syria nhưng chỉ sau khi quốc gia này đạt được một giải pháp chính trị. Các nhóm làm việc Syria cũng tin rằng sau chiến thắng về mặt quân sự của chính quyền ông Assad do Nga ủng hộ, việc tài trợ cho quá trình tái thiết là công cụ duy nhất để các quốc gia này gây sức ép lên Tổng thống Syria và các đồng minh của ông chấp nhận một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.

Trái lại, Nga muốn quá trình tái thiết phải tách riêng với tiến trình chính trị. Sự bất đồng trong vấn đề này đã phủ bóng lên Hội nghị Istanbul, được phản ánh rõ trong cuộc họp báo sau đó.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến những khác biệt này gia tăng khi khẳng định rằng thỏa thuận Sochi về khu vực phi quân sự ở Idlib là một "giải pháp tạm thời", hàm ý rằng lựa chọn quân sự vẫn có thể được cân nhắc. Nhiều người hiểu rõ tuyên bố này hàm chứa lời đe dọa tới Thổ Nhĩ Kỹ, Đức và Pháp, rằng: Nếu các nước này không đồng ý với các kế hoạch của Nga, họ nên chuẩn bị cho việc 3 triệu dân thường hiện sống ở Idlib sẽ chạy sang biên giới của họ.

Tại sao Nga muốn Mỹ rút khỏi Syria?

Những bình luận của ông Putin về Idlib ám chỉ mục tiêu cuối cùng của ông ở Syria là chấm dứt mọi sự hiện diện quân sự nước ngoài tại đây, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và đặc biệt là Mỹ. Đầu tháng 10/2018, ông Putin khẳng định: "Chúng ta nên theo đuổi một mục tiêu là sẽ không có lực lượng nước ngoài hay sự hiện diện của bên thứ 3 nào ở Syria nữa".

Thực tế là Nga không hài lòng với kế hoạch duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria sau khi cuộc chiến chống IS kết thúc.

Các mục tiêu của Mỹ trong quyết định ở lại vùng đông bắc Syria đã được khẳng định rõ ràng hồi tháng 9/2018. Theo đó, Washington muốn ngăn chặn sự hồi sinh của IS, kiềm chế Iran và ngăn chặn quốc gia này thành lập một hành lang trên đất liền qua Iraq và Syria tới Lebanon, đồng thời sử dụng sự hiện diện quân sự như một quân bài “mặc cả” nhằm thúc đẩy một giải pháp chính trị trong cuộc xung đột Syria.

Hiện tại, Mỹ kiểm soát 1/3 lãnh thổ Syria qua việc liên minh với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), Nga (qua chính quyền Syria) kiểm soát hơn một nửa quốc gia này và phần còn lại Syria được đặt dưới sự giám sát của Thổ Nhĩ Kỳ (qua việc ủng hộ các lực lượng đối lập Syria).

Khu vực do lực lượng SDF kiểm soát chứa 90% trữ lượng dầu và khí đốt của Syria, bao gồm cả mỏ dầu lớn nhất Syria al-Omar cũng như hầu hết nguồn nước, các con đập lớn và các nhà máy điện. Khu vực đông bắc này cũng là "giỏ bánh mì" đảm bảo nguồn cung lương thực của Syria. Nếu khu vực này nằm ngoài tầm kiểm soát, không chính phủ nào ở Damascus có thể tồn tại độc lập nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Nga, dù hào hứng với các lợi ích kinh tế từ sự can thiệp quân sự ở Syria nhưng không muốn và cũng không thể cung cấp sự hỗ trợ về mặt tài chính cho quốc gia này. Vì thế, việc Mỹ rút quân khỏi Syria là điều cần thiết để đảm bảo cho sự tồn tại của chính phủ Syria và đánh dấu cho sự thành công trong "cuộc phiêu lưu" của Nga ở Syria.

Nếu không có một thỏa thuận Mỹ - Nga thì cũng không có bất kỳ tiến triển đáng kể nào đạt được về một giải pháp chính trị ở Syria.

Do đó, Hội nghị Thượng đỉnh Istanbul là sự thất bại đã được định sẵn bởi vì không có sự tham gia của Mỹ. Có lẽ vì lý do này mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo rằng ngày 11/11, ông sẽ tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ về vấn đề Syria ở Paris.

Tương lai chính trị của người Kurd

Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở bờ đông sông Euphrates đang khiến Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại. Mỹ ủng hộ và tài trợ cho lực lượng SDF mà nòng cốt là Lực lượng Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) - một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn có xung đột với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong hàng thập kỷ qua. Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng việc Mỹ tiếp tục hiện diện gần biên giới phía nam với Syria sẽ củng cố sức mạnh cho người Kurd và tăng cường tham vọng đòi độc lập của họ.

Pháp cũng ủng hộ lực lượng người Kurd ở phía đông Syria. Đây là nguyên nhân cho những bất đồng giữa Paris và Ankara trước và trong Hội nghị Thượng đỉnh Istanbul. Gần đây, Pháp đã mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực nhằm ủng hộ Lực lượng SDF trong cuộc chiến chống lại IS.

Để thể hiện sự không hài lòng, quan chức tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đã tiết lộ vị trí của Lực lượng đặc biệt Pháp tại các vùng lãnh thổ mà SDF kiểm soát. Trong khi đó, Pháp cho rằng Lực lượng SDF nên có một vị trí trong bất kỳ ủy ban hiến pháp nào nếu nó được thành lập để viết lại hiến pháp Syria trong tương lai. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã thẳng thừng bác bỏ ý kiến này.

Dù vậy, không phải chỉ có Pháp và Mỹ ủng hộ Lực lượng SDF. Nga cũng đang gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải chấp nhận sự hiện diện của các lực lượng đại diện người Kurd trong các cuộc đàm phán chính trị về tương lai của Syria.

Với những chương trình nghị sự, những lợi ích và mục tiêu khác nhau, thật khó để các cường quốc liên quan đến cuộc xung đột Syria đạt được một thỏa thuận. Thậm chí cả khi các quốc gia thông qua một thỏa thuận thì người dân Syria cũng không có nhiều lợi ích khi mà họ còn không được lên tiếng trong các cuộc đàm phán về tương lai của chính đất nước mình./.

Theo VOV