Hai tuần biểu tình, bạo loạn biến Paris thành "bãi chiến trường"
Cuộc tuần hành tự phát của những người Pháp mặc áo vàng phản đối thuế xăng dầu biến thành bạo lực khi các phần tử cực hữu tham gia.
Thủ đô Paris của nước Pháp hồi cuối tuần chứng kiến làn sóng bạo động, phá hoại tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua, khi hàng trăm nghìn người biểu tình tụ tập ở Khải Hoàn Môn đụng độ với cảnh sát chống bạo động và đập phá cửa hàng, thiêu rụi nhiều xe hơi, hủy hoại các công trình lịch sử, với tổng thiệt hại ít nhất ba triệu USD, theo CNBC.
Cuộc biểu tình bạo lực này khởi phát từ một cuộc tuần hành hòa bình cách đây hơn hai tuần. Hôm 17/11, gần 300.000 người ở nhiều thị trấn nhỏ, thôn quê của nước Pháp tham gia xuống đường phản đối tình trạng sinh hoạt phí tăng cao, đặc biệt là chính sách tăng thuế xăng dầu mà Tổng thống Emmanuel Macron thông báo hồi đầu năm.
Dẫn đầu cuộc tuần hành này là các tài xế mặc áo bảo hộ màu vàng, loại áo người Pháp phải mang theo trong xe và mặc khi xe gặp sự cố cần sửa chữa trên đường. Họ là những người chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc tăng thuế xăng dầu và những lời kêu gọi xuống đường của họ ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội. Cụm từ "áo vàng" xuất hiện ngày một nhiều và trở thành tên gọi cho phong trào biểu tình này trên truyền thông.
Từ nỗi bức xúc ban đầu về thuế xăng dầu, phong trào "áo vàng" dần quy tụ đông đảo mọi giai tầng trong xã hội Pháp, đặc biệt là những người lao động và tầng lớp trung lưu, những người than phiền rằng đời sống của họ ngày một khó khăn do chi phí sinh hoạt đắt đỏ, cũng như sự giận dữ với các chính sách kinh tế của Tổng thống Macron.
Một người biểu tình mặc áo vàng nhìn chiếc ôtô bị đốt cháy gần đại lộ Champs-Elysees hôm 1/12. |
Phong trào biểu tình cứ thế lan nhanh trên khắp nước Pháp mà không có một nhóm lãnh đạo rõ ràng nào, quy tụ chủ yếu những người ôn hòa, nhưng cũng kéo theo không ít phần tử cực hữu lẫn những người thuộc phe cực tả. Những lời kêu gọi trên mạng xã hội ngày một nhiều, khiến quy mô biểu tình tăng lên 106.000 người sau đó một tuần và 136.000 người vào hôm thứ bảy tuần trước.
Khi hàng chục nghìn người mặc áo vàng tập trung tại Khải Hoàn Môn và những khu phố hoa lệ ở trung tâm thủ đô Paris hôm 1/12 gây tắc nghẽn giao thông, Bộ Nội vụ Pháp đã triển khai 37.000 cảnh sát, 30.000 hiến binh và 30.000 lính cứu hỏa để đối phó. Căng thẳng âm ỉ suốt nhiều tuần đã bùng phát khi những phần tử quá khích trong đoàn người biểu tình đốt lốp xe, phá hoại xe cộ, cửa hàng, đập phá bức tượng Marianne, biểu tượng của Tự do, Bình đẳng, Bác ái của nước Pháp.
Cảnh sát chống bạo động buộc phải bắn hơi cay, đạn cao su và sử dụng vòi rồng đẩy lùi những người biểu tình bạo lực. Trung tâm thủ đô Paris của nước Pháp lúc đó được ví như "bãi chiến trường" trong "cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong 50 năm", với hơn 260 người bị thương và 412 người bị bắt. Sau những màn đập phá, hôi của, ném gạch đá vào cảnh sát, phe "áo vàng" rút đi, để lại một Paris hoang tàn với chằng chịt những khẩu hiệu đòi lật đổ Macron trên các bức tường, công trình lịch sử.
Phe "áo vàng" là ai?
Dù tập hợp lực lượng tới hàng trăm nghìn người, phong trào "áo vàng" tới nay vẫn không có ban lãnh đạo, không có người đại diện, cũng không có một nghiệp đoàn, tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm tổ chức. Thực tế này khiến chính phủ Pháp trở nên bối rối khi không biết phải đứng ra đàm phán với ai và yêu sách thực sự của họ là thế nào.
"Việc thiếu một cấu trúc lãnh đạo chính thức giúp phong trào này phát triển nhanh chóng", Charles Lichfield, chuyên gia phân tích tại Eurasia Group, giải thích. "Nỗi bức xúc với tầng lớp tinh hoa trên mạng xã hội đã biến tướng thành phong trào biểu tình trên thực địa".
Những người ủng hộ phong trào "áo vàng" phần lớn là người dân sống ở các vùng nông thôn, ven đô, cùng với đó là các phần tử cực đoan và những kẻ cơ hội chính trị. Phong trào mang tính tự phát này tới nay vẫn chủ yếu dựa vào mạng xã hội để phát đi thông điệp và tổ chức các cuộc biểu tình.
Những người tham gia biểu tình nói rằng cuộc sống của họ bị ảnh hưởng vì chi phí tăng, dù họ không phải là "nghèo" nếu so với hàng triệu người ở các nước khác. NYTimes đánh giá rằng phần lớn những người "áo vàng" này "không phải quá khổ sở, nhưng luôn cảm thấy bất an khi sống ở những thành thị nhỏ hay vùng thôn quê khác xa với bộ mặt hào nhoáng của Paris". Thuế xăng dầu tăng được coi là "giọt nước tràn ly" cho nỗi bất bình của họ về tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng trong xã hội Pháp.
Người biểu tình tụ tập ở Khải Hoàn Môn hôm 1/12, bất chấp sự trấn áp của cảnh sát. |
Giá dầu diesel, loại nhiên liệu phổ biến nhất ở Pháp, đã tăng 23% trong năm qua, lên mức gần 1,72 USD/lít, đắt nhất trong nhiều năm qua. Dù giá dầu thế giới đã giảm trong vài tuần gần đây, chính quyền Macron lại tăng thuế môi trường, khiến giá mỗi lít dầu diesel tăng thêm 7,6 cent và giá xăng tăng thêm 3,9 cent/lít. Mức giá này dự kiến tăng thêm 6,5 cent với dầu diesel và 2,9 cent với xăng từ ngày 1/1/2019. Yêu sách chính của phe "áo vàng" hiện nay là chính phủ Pháp ngừng tăng giá xăng dầu.
Bên cạnh đó, không ít người biểu tình đi xa hơn khi nhắm vào Tổng thống Macron và các chính sách của ông. Họ cáo buộc Macron "ủng hộ người giàu", đòi ông phải từ chức, thậm chí kêu gọi tổ chức một cuộc "cách mạng".
Hôm qua, khoảng 1.000 học sinh, sinh viên mặc áo vàng đổ xuống đường phố ở Nice, hô khẩu hiệu đòi lật đổ Macron. Một cuộc khảo sát do Elabe tiến hành cho thấy gần 75% người dân Pháp ủng hộ phong trào "áo vàng", trong đó có hơn 50% cử tri từng bỏ phiếu cho Macron.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Xe hơi bị đốt cháy trên đường phố Paris sau cuộc bạo động hôm 1/12. |
Tổng thống Macron đã ra lệnh cho Thủ tướng Edouard Philippe tổ chức đàm phán với lãnh đạo của phe "áo vàng" sau cuộc bạo loạn ở Paris. Ông tuyên bố trên Twitter rằng sẽ "luôn tôn trọng phe biểu tình, lắng nghe tiếng nói đối lập nhưng sẽ không bao giờ chấp nhận bạo lực". Tuy nhiên, cuộc đàm phán đã không thể diễn ra vào hôm nay như kế hoạch, do một số đại diện của phe "áo vàng" cho biết họ bị những người có quan điểm cứng rắn dọa giết.
Famke Krumbmuller, chuyên gia tại OpenCitiz, khẳng định phần lớn người biểu tình "áo vàng" không ủng hộ bạo lực. "Họ là những người thuộc tầng lớp trung lưu đang oằn mình trang trải phúc lợi của chính phủ. Họ đóng góp rất nhiều tiền thuế nhưng không nhận lại được lợi ích tương xứng", bà nói.
Theo chuyên gia phân tích Lichfield, chính phủ Pháp nhiều khả năng sẽ thực hiện các chính sách linh hoạt hơn và tăng trợ cấp với những người có thu nhập thấp hoặc tăng ngân sách cho giao thông ở vùng nông thôn. Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết Thủ tướng Pháp Edouard Philippe dự kiến công bố quyết định ngừng tăng thuế nhiên liệu vào cuối ngày 4/12. Việc đình chỉ này sẽ đi kèm với hai biện pháp khác nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình trên cả nước hơn hai tuần qua.
Tuy nhiên, Macron tuyên bố ông sẽ không từ bỏ mục tiêu hướng người dân tới sử dụng nhiên liệu sạch thay thế cho xăng dầu để ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, cho thấy chính phủ Pháp sẽ không hoàn toàn nhượng bộ trước yêu sách của phe "áo vàng".
Phong trào biểu tình đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi tiếp tục có những lời kêu gọi xuống đường vào dịp cuối tuần này. Nhiều nhà khoa học chính trị nói với BBC rằng đây là thách thức lớn đối với Tổng thống Macron, bởi nó là một phong trào "vượt qua bất đồng chính trị" chưa từng thấy ở nước Pháp trong hàng chục năm qua.
Theo VNE