Cảnh báo “siêu vi khuẩn” nguy hiểm
|
Nghiên cứu vi khuẩn tại một phòng thí nghiệm ở châu Âu Ảnh: Reuters |
Các chuyên gia y tế Anh và Ấn Độ cảnh báo một nhóm “siêu vi khuẩn” có khả năng kháng lại tất cả các loại thuốc kháng sinh đã lan từ các nước Nam Á sang Anh, và có thể sẽ lây lan trên phạm vi toàn thế giới.
Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí y học Anh The Lancet, nhóm chuyên gia do bác sĩ Timothy Walsh thuộc ĐH Cardiff (Xứ Wales) và Karthikeyan Kumarasamy thuộc ĐH Madras (Ấn Độ) dẫn đầu, khẳng định các vi khuẩn chứa enzym New Delhi metallo-ß-lactamase (viết tắt là NDM-1) đã lan từ Ấn Độ và Pakistan sang các bệnh viện tại Anh.
Bác sĩ Walsh đã phát hiện enzym NDM-1 từ năm ngoái ở vi khuẩn viêm phổi Klebsiella và E.coli trong cơ thể một bệnh nhân Thụy Điển ở Ấn Độ. Vi khuẩn chứa NDM-1 có thể kháng lại hầu hết mọi loại thuốc kháng sinh, kể cả carbapenem - nhóm kháng sinh mạnh nhất, được xem là vũ khí cuối cùng để trị các loại vi khuẩn nguy hiểm. Chỉ có hai loại kháng sinh tỏ ra có công hiệu là tigecycle và colistin.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cả hai loại kháng sinh này cũng đều không thể diệt được vi khuẩn chứa NDM-1. Các trường hợp nhiễm vi khuẩn E.coli thông thường có thể nhanh chóng hồi phục, nhưng nếu vi khuẩn E.coli lại có chứa enzym NDM-1 thì nguy cơ tử vong rất cao.
Lây qua đường du lịch y tế
Bác sĩ Walsh cho biết hiện tượng vi khuẩn chứa NDM-1 kháng lại tất cả mọi loại kháng sinh được gọi là “kháng diện rộng”. “Một năm trước, chưa từng ai nghe đến hiện tượng kháng diện rộng này” - ông nhấn mạnh. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện 44 trường hợp nhiễm vi khuẩn chứa NDM-1 ở Chennai, 26 trường hợp ở Haryana tại Ấn Độ, 73 trường hợp khác ở nhiều địa điểm tại Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan.
Số trường hợp nhiễm vi khuẩn chứa NDM-1 ở Anh đã lên đến 50 và hiện đang tăng. Trong số này có 17 trường hợp là những người từng đến và nhập viện ở Ấn Độ và Pakistan, số còn lại đã đến Ấn Độ để phẫu thuật chỉnh hình.
Nhóm nghiên cứu cho biết đáng ngại là phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh ở Chennai và Haryana là cùng trong cộng đồng. Do đó, có thể khẳng định vi khuẩn chứa NDM-1 đã tồn tại trên diện rộng ở các khu vực này. Tại các bệnh viện ở Anh, hiện tượng vi khuẩn chứa NDM-1 lây lan từ người sang người đã được ghi nhận.
“Rõ ràng ngành y tế Anh đang đứng trước một thử thách lớn - bác sĩ David Livermore thuộc Cơ quan Bảo vệ sức khỏe (HPA) ở London nhận định - Chúng ta cần kiểm soát dịch bệnh ngay từ bây giờ thay vì chờ đến khi hàng ngàn người bị lây nhiễm”.
Theo các chuyên gia, cách hiệu quả nhất để ngăn chặn vi khuẩn chứa NDM-1 là lập tức cô lập các bệnh nhân bị lây nhiễm, tẩy trùng các bệnh viện, còn các bác sĩ và y tá phải thường xuyên rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn.
Hiện các bệnh viện ở Anh đang điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp tích hợp nhiều loại thuốc kháng sinh cùng lúc. Một số bệnh nhân đã hồi phục, nhưng một số đang bị nặng, có những trường hợp đã nhiễm trùng máu. Bộ Y tế Anh một mặt lên tiếng cảnh báo về vi khuẩn chứa NDM-1; mặt khác, người phát ngôn Bộ Y tế Anh khẳng định bộ “đang hợp tác chặt chẽ với HPA. Các bệnh viện cần đảm bảo kiểm soát hiệu quả các trường hợp lây nhiễm để ngăn chặn dịch bệnh lây lan”.
NDM-1 dưới kính hiển vi - Ảnh: Daily Mail |
Nguy cơ lây nhiễm toàn cầu
Không giống như các loại “siêu vi khuẩn” phổ biến khác như MRSA hay C. difficile, vi khuẩn chứa NDM-1 có khả năng truyền enzym NDM-1 sang các loại vi khuẩn khác. Nguyên nhân là do NDM-1 tồn tại dưới các cấu trúc ADN gọi là plasmid. Các cấu trúc này lại dễ dàng nhân bản và “có thể lan sang hàng loạt vi khuẩn”.
Bác sĩ Walsh cảnh báo: điều đáng lo ngại là hiện y học chưa có loại kháng sinh hiệu quả nào chống lại được nhóm “siêu vi khuẩn” mới này. Nếu một nhóm “siêu vi khuẩn” tấn công nước Anh thì ngành y tế Anh sẽ “phải trải qua quãng thời gian mười năm đen tối, không có bất cứ vũ khí gì để ngăn chặn dịch bệnh lây lan”.
Điều đáng sợ nhất, như nhóm nghiên cứu cảnh báo, là vi khuẩn chứa NDM-1 có thể lây lan từ người sang người. Do vậy có nguy cơ lan rộng trên phạm vi toàn cầu bởi có “nhiều người châu Âu và Mỹ cũng đến Ấn Độ để phẫu thuật chỉnh hình”. Bác sĩ Johann Pitout thuộc ĐH Calgary ở Canada cho rằng các bệnh nhân từng điều trị ở Ấn Độ và các nước Nam Á cần được kiểm tra y tế để xác định xem cơ thể họ có chứa vi khuẩn chứa NDM-1 hay không trước khi vào điều trị y tế ở các bệnh viện trong đất nước mình.
“Nếu phớt lờ nguy cơ này, sớm muộn cộng đồng y tế sẽ phải đối mặt với các loại vi khuẩn kháng carbapenem gây lây nhiễm trên diện rộng, rất khó chữa trị và đẩy chi phí y tế các nước tăng vọt” - bác sĩ Pitout cảnh báo. Còn giáo sư Christopher Thomas thuộc ĐH Birmingham (Anh) lại cho rằng hiện tượng “siêu vi khuẩn” chứa NDM-1 cho thấy các vấn đề y tế không còn mang tính cục bộ nữa, mà là những vấn đề toàn cầu.
Đã phát hiện vi khuẩn mang gen tương tự NDM-1 tại Việt Nam
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11-8, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) cho biết:
- Tại một nghiên cứu có tên là MIDAS, thực hiện tại 16 bệnh viện ở VN, đã phát hiện vi khuẩn kháng thuốc nhóm carbapenem tương tự vi khuẩn tìm thấy ở Ấn Độ nhưng mang gen kiểu khác. Trong nghiên cứu này, có 1,2-2% chủng vi khuẩn gây bệnh đường ruột kháng thuốc nhóm carbapenem.
* Thưa ông, đã phát hiện vi khuẩn kháng thuốc mạnh tương tự vi khuẩn mang gen NDM-1, liệu việc chống lại bệnh tật có khó khăn?
- Tại VN chưa có nghiên cứu nào đủ lớn để giải mã trình tự gen của tất cả các vi khuẩn kháng thuốc để xem đó có phải là NDM-1 hay không, nhưng đã phát hiện loại vi khuẩn kháng thuốc mang gen tương tự NDM-1. Các vi khuẩn mang gen IMP, VIM... cũng kháng thuốc họ carbapenem.
Trong nghiên cứu SMART, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện tần suất kháng thuốc nhóm carbapenem là 3,8%. Trong hành trình tìm thuốc mới - xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc mà y khoa luôn phải đối mặt, có hai con đường là tìm ra kháng sinh mới hiệu quả, cộng với ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc bằng quay vòng kháng sinh, quay vòng buồng bệnh... Vi khuẩn kháng thuốc chỉ nguy hiểm khi chúng ta đối mặt trực tiếp với nó, còn khi chống nó bằng con đường vòng, tránh mặt nó và tìm thuốc khác còn hiệu quả. Giới y khoa đang cố gắng kiểm soát hiệu quả các trường hợp bệnh nhân bằng cách này.
LAN ANH thực hiện |
(Theo Tuổi trẻ)