Phát hiện cơ chế làm tăng huyết áp khi mang thai
Các nhà khoa học tại đại học Cambridge và đại học Nottingham của Anh nói rằng họ đã giải mã được bước đầu tiên trong tiến trình kiểm soát huyết áp - sự thải ra một loại hormone được gọi là angiotensin từ protein nguồn của chúng (angiotensinogen).
Trong thí nghiệm nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng một chùm tia X-quang cường độ cao nhằm phân tích cấu trúc của angiotensinogen và nhận thấy rằng nó có thể bị oxy hóa và thay đổi hình dạng thâm nhập vào một enzyme gọi là renin (thận tố). Sau đó, renin này tương tác với loại protein sản xuất ra hormone angiotensin, từ đó gây ra chứng tăng huyết áp.
Qua phân tích các mẫu máu của những phụ nữ bị tiền sản giật và những những phụ nữ có huyết áp bình thường, các nhà khoa học phát hiện ra nồng độ các chất angiotensiogen bị oxy hóa cao hơn ở những phụ nữ bị tiền sản giật.
Tiền sản giật là tình trạng cao huyết áp do thai kỳ đi kèm với đạm niệu. Tiền sản giật thường xảy ra sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ và biến mất hoàn toàn sau sinh. Tuy nhiên, tiền sản giật có thể xuất hiện sớm hơn, trước tuần thứ 20 của thai kỳ, trong những trường hợp đa thai và thai trứng.
Tiền sản giật là nguyên nhân chính gây tử vong mẹ, tử vong thai nhi, thai chậm phát triển trong tử cung. Nếu các bà mẹ và thai nhi sống sót thì người mẹ sau đó cũng có nhiều nguy cơ bị huyết áp cao, bệnh tim mạch, đột quỵ hay tiểu đường. Trong khi đó, thai nhi cũng dễ bị sinh non và có thể chậm phát triển tâm thần sau này.
Các chuyên gia ước tính rằng chi phí điều trị những phụ nữ mang thai bị tiền sản giật ước tính lên tới 45 tỷ USD mỗi năm ở Mỹ, châu Âu, châu Á, Australia và New Zealand. Ở các nước đang phát triển, có khoảng 75.000 phụ nữ tử vong vì triệu chứng này mỗi năm.
(Theo Vietnam+)