Những loại vỏ chữa bệnh hiệu quả
Vỏ táo giúp loại bỏ các gốc tự do gây hại
Trong vỏ táo có chứa hàm lượng chất xơ phong phú, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa tốt. Hàm lượng vitamin C có trong những trái táo thơm ngon phần lớn tập trung ở vỏ táo. Ngoài ta, hàm lượng chất chống oxy hóa ở vỏ táo cao hơn so với hàm lượng chất này ở phần thịt táo. Do đó khi ăn, nên rửa sạch trái táo và ăn cả vỏ, tránh lãng phí mà lại tốt cho sức khỏe.
Vỏ lê nhuận phổi và giúp tim khỏe mạnh
Những người hút thuốc nhiều, phổi bị tổn thương nên ăn nhiều loại quả này, và nên nhớ rằng ăn cả vỏ. Bởi vỏ lê chứa nhiều chất kháng khuẩn ở phổi, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, hỗ trợ hệ tim mạch khỏe mạnh.
Ngoài ra, dân gian ta thường nấu vỏ lê với đường đỏ để trị ho, cảm cúm và giải rượu hiệu quả.
Vỏ cam quýt giúp tiêu đờm, kích thích ăn ngon miệng
Vỏ cam, quýt chứa nhiều vitimin C, carotene, protein. Ăn cháo vỏ cam, quýt vừa thơm miệng lại có tác dụng tiêu đờm, trị chứng chướng bụng, khó tiêu. Uống trà vỏ cam, quýt giúp ăn ngon miệng, thông khí, nâng cao tinh thần. Uống rượu ngâm với vỏ cam, quýt có tác dụng tiêu đờm, thanh lọc phổi.
Vỏ dưa hấu có tác dụng thanh nhiệt, giải khát
Vỏ dưa hấu chứa nhiều đường, khoáng chất, vitamin có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, hạ huyết áp, giảm nóng trong. Có thể ăn sống, xào vỏ dưa hấu với thịt hoặc nấu canh thịt.
Vỏ bí đao giúp tiêu sưng, viêm
Chứa nhiều vitamin và khoáng chất, vỏ bí đao có lượng nước phong phú, có tác dụng tiêu sưng, viêm, rất tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường. Do đó, khi nấu canh bí đao, nên nấu cả vỏ bí, tuy lớp vỏ bí đao cứng nhưng nấu canh, vitamin và khoáng chất sẽ được tán đều vào nước dùng, rất tốt cho cơ thể.
Vỏ dưa chuột có tác dụng giải độc
Vỏ loại quả này chứa khá nhiều chất có vị đắng, vốn là chất dinh dưỡng vốn có của dưa chuột được tích lũy lại. Ăn sống cả vỏ dưa chuột không những hấp thụ được lượng vitamin C phong phú, mà còn hỗ trợ quá trình giải độc của cơ thể. Ngoài ra, vỏ dưa chuột còn có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm.
Vỏ cà chua phòng ngừa ung thư
Cho đến ngày nay lycopene vẫn được coi là dưỡng chất thiên nhiên giúp chống oxy hóa hiệu quả, có thể phòng ngừa các chứng bệnh về tim mạch, ung thư. Mà dưỡng chất này có hàm lượng rất lớn trong vỏ cà chua. Do đó, khi ăn sống hoặc nấu cà chua, không nên bỏ vỏ.
Vỏ cà tím bảo vệ tim mạch huyết quản
Cà tím là một trong những “bạn đồng hành” của những người mắc các chứng bệnh về tim mạch, hàm lượng lớn chất dinh dưỡng được tích lại dưới lớp vỏ cà.
Nhiều người có thói quen gọt bỏ vỏ cà trước khi nấu ăn, cách làm này không những giảm thấp giá trị bảo vệ sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ sắt của cơ thể.
(Theo Dân trí)