Nấc - Những điều cần biết
Hầu hết, các cơn nấc đều xảy ra rất ngắn, chỉ trong một vài phút nhưng có khi lâu hơn. Nếu cơn nấc kéo dài trên 2 hay 3 giờ thì gọi là cơn nấc kéo dài hay cơn nấc dai dẳng. Những cơn nấc kéo dài hơn một tháng thường được gọi là cơn nấc khó điều trị. Cả hai loại nấc này thường gặp ở nam giới nhiều hơn. Người ta cho rằng, các cơn nấc daai dẳng và khó chữa xuất hiện do tình trạng mất xung điện ở dây thần kinh phế vị (dây thần kinh chạy từ thân não đến dạ dày và kiểm soát nhịp tim), do việc tiết acid trong dạ dày, do ruột và các cơ ở cổ họng. Ngoài ra, sự kích thích dây thần kinh hoành (dây thần kinh vận động ở cơ hoành giúp kiểm soát việc thở) cũng được coi là nguyên nhân gây nấc. Trên thực tế, người ta đã từng cắt dây thần kinh này để ngăn những cơn nấc không kiểm soát được.
Bệnh viêm phổi, viêm màng ngoài tim có thể gây nấc kéo dài.
|
Nấc cũng có thể cho biết bạn có vật lạ hay khối u ở tai hoặc bạn đang mắc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản. Nấc kéo dài còn xuất hiện trước và sau những lần ngất xỉu do rối loạn nhịp tim. Hơn 1/3 số bệnh nhân điều trị ung thư bằng hóa chất cũng có những cơn nấc dai dẳng.
Các cơn nấc kéo dài cũng có thể là biểu hiện của bệnh viêm phổi, viêm màng phổi, viêm phúc mạc (nhiễm khuẩn ổ bụng), viêm màng ngoài tim, viêm tụy, bệnh thận hay suy thận mạn tính. Trong một số trường hợp, các cơn nấc dai dẳng hay khó chữa có thể là biểu hiện nguy hiểm của cơn đột quỵ hay u não (một trong hai bệnh này có thể làm gián đoạn trung khu thở của não).