“Thần dược” tốt nhất cho mùa thi
Rất nhiều các bậc cha mẹ, thậm chí cả các em học sinh đã tìm mua các loại thuốc như hoạt huyết dưỡng não, các loại vitamin, sâm, dầu cá, thuốc bổ thần kinh, an thần, và cả các loại thuốc ngoại nhập đắt tiền được quảng cáo là tăng cường trí nhớ để sử dụng với mục đích tăng cường sức khỏe, giảm mệt mỏi, căng thẳng, hỗ trợ trí nhớ. Việc tự ý sử dụng thuốc mà không có sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Không có thuốc tăng cường trí nhớ
Bộ não con người có 14 tỷ tế bào (neuron) thần kinh nối với nhau. Trong đó chỉ có khoảng xấp xỉ trên dưới 1 tỷ tế bào ở trạng thái hoạt động và số tế bào này rất khác nhau ở từng người. Trí nhớ là một quá trình tâm lý, phản ánh những sự việc, hiện tượng đã từng tác động vào con người thông qua bộ não. Thực chất của trí nhớ là sự ghi lại, giữ lại và làm tái hiện lại những gì cá nhân thu được trong hoạt động sống. Trí nhớ được quyết định bởi hai yếu tổ bẩm sinh và rèn luyện. Việc ghi nhớ kiến thức phải là quá trình tích luỹ lâu dài, chứ không phải dùng các loại thuốc bổ hỗ trợ trong một thời gian ngắn mà có được.
Khả năng làm việc của bộ não phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: dinh dưỡng, trạng thái hưng phấn, thói quen, sự rèn luyện, độ tập trung, phương pháp làm việc, thời gian ghi nhận và xử lý thông tin. Điều quan trọng nữa, hoạt động của não bộ liên quan chặt chẽ với các cơ quan trong cơ thể. Khi có một cơ thể khỏe mạnh, não sẽ làm việc tốt, tăng khả năng tiếp nhận và lưu giữ thông tin.
Các chuyên gia y tế đều khẳng định, không có phương thuốc kỳ diệu nào tạo ra trí nhớ hay trí thông minh hay tăng cường trí nhớ, chỉ có thuốc điều trị suy giảm trí nhớ. Không có bệnh mà uống thuốc là sai. Nếu dùng các loại thuốc tác động đến thần kinh thậm chí còn gây hại, suy giảm khả năng làm việc của bộ não, biến đổi tâm thần, có thể ảnh hưởng tới tư duy, cảm xúc… Đặc biệt là các thuốc an thần gây ngủ như thuốc Seduxen có tác dụng an thần, giải toả căng thẳng, có thể giúp ích cho thí sinh tính cách hay lo âu nhưng nếu lạm dụng lại gây ngủ và gây ra triệu chứng... quên.
Ngược lại, với loại tác động mạnh như Amphetamin kích thích đầu óc tỉnh táo giúp học sinh chống lại cơn buồn ngủ nhưng nếu dùng thuốc kéo dài sẽ gây nghiện và có thể làm cơ thể suy kiệt.
Việc dùng các loại thuốc kích thích thần kinh kéo dài cũng sẽ làm cho thần kinh luôn luôn bị hưng phấn và ức chế quá mức, lâu ngày có thể gây ra rối loạn hành vi, hoang tưởng, thậm chí gây ra tai biến và tử vong.
Ngoài ra việc thường xuyên lạm dụng thuốc lá, cà phê, trà đặc để tạo hưng phấn, chống buồn ngủ để ôn luyện cũng rất nguy hại. Các loại chất kích thích chỉ có tác dụng làm tỉnh táo, tạo hưng phấn một vài giờ nhưng sau đó sẽ gây căng thẳng, mệt mỏi, không tâp trung, dùng lâu dài sẽ gây nghiện, làm thay đổi quy luật sinh lý, suy nhược thần kinh.
Thuốc bổ cũng phải uống theo đơn
Theo ThS. BS. Vũ Đức Định, Trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện E Trung ương, một người khỏe mạnh bình thường tuyệt đối không nên lạm dụng các chế phẩm "tăng cường sức khỏe" như các loại vitamin tổng hợp, các loại khoáng chất, a xít folic,... vì các chất này thường đã được cung cấp đầy đủ qua thức ăn. Dùng nhiều sẽ tích lũy và gây hại cho cơ thể. Vitamin, khoáng chất, các yếu tố vi lượng tuy cần thiết nhưng chỉ là chất xúc tác chứ không sinh năng lượng cho cơ thể hoạt động. Chỉ nên dùng ở những người có bệnh lý, hoặc cần bổ sung theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, không nên lạm dụng các thuốc tăng cường tuần hoàn não, tăng cường chuyển hóa ở não như tanakan, piracetam, citicoline,... vì các thuốc này chỉ được khuyến cáo sử dụng ở người già, máu nuôi não kém, các tế bào thần kinh bị lão hóa hoặc ở các bệnh nhân có tổn thương não. Hơn nữa cho đến nay, tác dụng của các loại thuốc trên cũng chưa được chứng minh rõ ràng. Do vậy cần hết sức thận trọng, chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Làm gì để có trí nhớ tốt?
Để có một cơ thể khỏe mạnh và trí óc minh mẫn, “thần dược” tốt nhất vẫn là chế độ dinh dưỡng, học tập, nghỉ ngơi hợp lý. Đảm bảo đủ dinh dưỡng cho não thông qua việc ăn uống. Ăn các chất dễ tiêu, nhiều ca lo, hoa quả tươi, sữa… để cung cấp thêm nguồn vitamin và khoáng chất cho não. Có thể bổ sung ca lo cho cơ thể qua nhiều bữa ăn phụ như uống thêm sữa, nước hoa quả. Không nên ăn quá no vì khi đó hệ tuần hoàn sẽ tăng tưới máu cho dạ dày, ruột, tụy… để tiêu hóa thức ăn nên làm cơ thể mệt mỏi và buồn ngủ, mất tập trung.
Tạo sự phấn khích, đam mê trong việc học hành. Có thể nói, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để tăng khả năng làm việc cho não bộ. Nếu không có thích thú và ham mê, sẽ dễ mệt mỏi, chán nản thậm chí rơi vào trạng thái trầm cảm, loạn thần nếu bị thúc ép học tập quá sức .
Có chế độ làm việc khoa học, hợp lý. Làm việc xen kẽ nghỉ ngơi đủ thời gian cho não bộ không phải làm việc gắng sức. Tuyệt đối tránh thức quá khuya “ngủ ngày, cày đêm” rất nhanh làm cơ thể suy nhược do trái nhịp sinh học. Một giấc ngủ sâu, đầy đủ sẽ là liều thuốc tốt nhất giúp não bộ hồi phục khả năng làm việc. Nên xây dựng cho mình một phương pháp ghi nhận và xử lý thông tin dễ hiểu, dễ nhớ.
Đối với các bậc cha mẹ, người thân không nên ép con em mình học quá sức, tránh sự thể hiện kỳ vọng, tạo sức ép đối với con cái gây tâm trạng lo lắng, ảnh hưởng đến sự tập trung của các em khi học ôn thi.
(Theo SKĐS)